Đó là những chia sẻ của Nhà thơ Trần Đăng Khoa tại buổi giao lưu với họa sĩ tranh truyện Nhật Bản Gomi Taro với khán giả Việt Nam diễn ra chiều 21/4 tại Hà Nội.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết, Gomi Taro là một họa sĩ rất nổi tiếng của Nhật Bản, ông đã sang Việt Nam lần thứ 3. Ngay từ những năm chiến tranh khói lửa ông đã có mặt ở Việt Nam. Nhưng trước khi ông đến Việt Nam thì tác phẩm của ông đã đến trước với một loạt cuốn sách tranh truyện.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ một số nét nổi bật của Gomi Taro với báo chí
“Trước Gomi Raro cũng có một họa sĩ của Nhật Bản rất nổi tiếng ở Việt Nam. Đó là ông Fujiko, cha đẻ của con mèo máy Doremon – một cuốn tranh truyện mà cả thế giới trẻ em đều mê đắm trong đó có trẻ em Việt Nam. Nhưng so với Fujiko, ông Gomi Taro có lối đi hoàn toàn khác. Nếu ông Fujiko là người viết tranh truyện thì tranh là ngôn ngữ chính. Vì thế có thể nói những bức tranh của ông là những bộ phim hoạt hình được chiếu trên mặt giấy nên có cận cảnh, toàn cảnh, có cả những âm thanh… Một loạt những hoạt động của nhân vật nằm ở sau trang sách, nó kích thích sự sáng tạo của trẻ con. Trẻ con tiếp tục tưởng tượng. Đó là cái mới của Fujiko. Đọc tranh của ông, trẻ con được tham gia vào trò chơi, cùng sáng tạo, không thụ động”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nhấn mạnh.
Trần Đăng Khoa nhận định, tác phẩm của Gomi Taro thiên về truyện tranh. Nếu là truyện tranh thì tranh vẫn là ngôn ngữ chính và truyện minh họa cho tranh. Với Gomi Taro là truyện tranh nghĩa là có cốt truyện. Ông cũng giống với Fujiko ở chỗ luôn kéo các em vào trò chơi, đấy là cái thú vị của cả 2 ông. Đặc biệt ông quan tâm tới lứa tuổi rất trẻ, chỉ 2 -3 tuổi. Cái tài của ông là biến những điều hiển nhiên thành câu chuyện, ví dụ tai, tay, chân… qua đó vẫn giới thiệu được các bộ phận của cơ thể.
Một số tác phẩm của Gomi Taro được trưng bày tại buổi giao lưu
Đặc biệt, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ thêm: “Gomi Taro luôn kéo trẻ con vào cuộc, đưa ra các tình huống để trẻ con tự xử lý. Cái đó khác với chúng ta hoàn toàn. Chúng ta chỉ dạy trẻ con các bài học về đạo đức, rồi chúng ta áp đặt, thậm chí còn làm hộ trẻ con, do đó trẻ con không có việc gì để làm, cho nên đọc sẽ chán hoặc ngủ gật…”
Đây chính là điều rất đặc biệt của tác giả Gomi Taro, người Nhật Bản, khi nhà thơ Trần Đăng Khoa nghiên cứu về ông. Với tác giả này, ông kéo trẻ con vào cuộc, để trẻ con tham gia vào cuộc chơi, cùng sáng tạo, ông không đưa ra một đáp số cụ thể nào mà mỗi đứa trẻ sẽ có một đáp số. Chính cái đó là đã tạo nên sự khác biệt của ông Gomi Taro.
Gomi Taro sinh năm 1945 tại Tokyo, hiện là tác giả - họa sĩ tranh truyện nổi tiếng hàng đầu Nhật Bản. Năm 1973, ông bắt đầu theo đuổi sự nghiệp sáng tác, trong đó tập trung sáng tác tranh truyện. Tính đến năm 2018, ông đã sáng tác khoảng hơn 400 tác phẩm. Tranh truyện của ông được dịch và xuất bản ở 30 quốc gia trên thế giới. Gomi Taro hiện là tác giả - họa sĩ tranh truyện nổi tiếng nhất Nhật Bản. Tranh truyện tiêu biểu của ông là: “Cá vàng bỏ trốn”, “Mùa xuân của bê con”...
Bên cạnh đó, buổi giao lưu cũng giới thiệu đến toàn thể khách mời về 2 chương trình thi sáng tác và vẽ tranh truyện dành cho đối tượng là người Việt Nam với sự đồng hành phát động từ Nhà xuất bản Kim Đồng. Đây là 2 sân chơi thú vị dành cho đông đảo đối tượng tham gia với mục đích ủng hộ hoạt động sáng tác cho thiếu nhi Việt Nam, mang đến cho các em nhiều tác phẩm chất lượng, từ đó góp phần nâng cao văn hóa đọc cho giới trẻ Việt trong tương lai./.
Hoàng Minh