Hồ Ba Bể: Nét đẹp hoang sơ giữa núi rừng Tây Bắc

Thứ tư, 09/05/2018 07:00
(ThanhtraVietNam) - Một trong những địa danh nổi tiếng về danh lam thắng cảnh và trầm tích lịch sử lâu đời nhất giữa núi rừng Tây Bắc, phải kể đến Hồ Ba Bể. Giữa rừng núi nguyên sinh, giữa trời và đất, Hồ Ba Bể như chiếc gương khổng lồ soi địa - thế - thiên – nhân.

Từ truyền thuyết Hồ Ba Bể…

“Chuyện xưa kể rằng, ở vùng Bắc Kạn, mỗi năm dân làng Nam Mẫu đều có tổ chức lễ cúng Phật lớn, gọi là lễ Vô Giá. Dân chúng khắp miền quay về tựu lại rất đông. Một hôm, có một bà lão bệnh cùi đến làng để xin ăn. Quần áo bà rách rưới, tả tơi. Người bà có mùi hôi hám, rất khó chịu, khiến mọi người phải lánh xa.

Bà lão cùi hủi này đến nhà nào xin ăn đều phều phào mấy tiếng "đói lắm các ông các bà ơi", nhưng bà lão đi đến đâu cũng đều bị xua đuổi. Người ta sợ bà lây bệnh cùi hủi.

Tuy nhiên, có người biết động lòng thương hại. Đó là một người đàn bà goá, ở với con trai. Bà không kinh tởm, kêu bà lão vào nhà cho ăn uống no đủ. Sau đó, bằng lòng cho bà lão ăn mày ngủ nhờ một đêm, ở góc vựa lúa, trong lều.

Đến nửa đêm, hai mẹ con bỗng giật mình thức giấc, nghe có tiếng động ầm ầm dữ dội từ phía vựa thóc. Mở cửa vựa thóc ra, không thấy bà lão cùi đâu, mà là một con giao long lớn uốn mình ầm ầm như tiếng sấm, đầu gác lên giường, đuôi thò xuống đất. Hai mẹ con kinh hãi trở ra, thao thức, lo sợ, không ngủ được nữa. Đến sáng, thấy bà lão đi ra từ vựa thóc, nói:

Tôi thật sự không phải là người, tôi là một con giao long, chỉ giả dạng ăn mày để thử lòng từ thiện của tín hữu nam nữ đến làng Nam Mẫu lễ Phật. Tất cả mọi người đều xua đuổi tôi, ngoại trừ hai mẹ con nhà cô. Họ đều là khẩu Phật tâm xà, sẽ không tránh khỏi hình phạt của bề trên đã giao phó cho tôi thi hành, đó là một trận đại hồng thủy. Tôi cho hai mẹ con nhà cô gói tro này hãy rải quanh nhà để tránh khỏi kiếp nạn này. Còn hai mảnh vỏ trấu này sẽ giúp mẹ con nhà cô cứu người.

 

leftcenterrightdel
 Hòn đảo nhỏ có tên Bà Góa trong lòng hồ Ba Bể

Nói xong, bà lão liền biến mất. Qua ngày hôm sau, trong lúc mọi người đang chen nhau đến dự lễ Phật giữa làng, bỗng nhiên, gần đó có một cái ống nước bị vỡ và làm cho nước tràn vào làng. Người ta trèo lên mái nhà, trèo lên cây. Nhưng nước cứ dâng tràn đầy lên mãi, ngập cả những nóc nhà và cây cao. Tất cả mọi người đều bị chết ngộp, trừ hai mẹ con bà goá kia vì nước dâng tới đâu thì mảnh đất nhà bà lại được nâng cao hơn, bà thả hai mảnh vỏ trấu xuống nước lập tức biến thành hai chiếc thuyền. Mặc cho mưa to gió lớn, hai mẹ con chèo thuyền đi cứu người.”

Hai mẹ con bà góa nhờ có hai mảnh vỏ trấu làm thuyền bất chấp mưa to nước lớn đã bơi thuyền đi vớt mọi người, rồi chạy thoát lên một mỏm núi. Tại đó, họ dựng một gian nhà nhỏ sinh sống. Nơi này, về sau trở thành một ngôi làng đông đúc, và ngày nay vẫn có tên là làng Năm Mẫu.

Còn thung lũng bị nước tràn ngập thì hoá thành 3 cái hồ mênh mông như biển, nên người ta gọi là hồ Ba Bể. Nước ở ba hồ lưu thông nhau, nhưng ghe thuyền không thể đi được từ hồ này sang hồ kia, vì có các đập đá lớn ngăn trở. Hồ rộng bát ngát, nước trong xanh như ngọc bích, nổi bật giữa núi rừng hùng vĩ. Giữa hồ là một hòn đảo nhỏ, người địa phương gọi đó là gò Bà Góa.

… Đến danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể nổi tiếng

Cuối năm 2004, Vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là Vườn Di sản ASEAN với diện tích 7.610 ha, trong đó có 3.226 ha là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và hơn 300 ha diện tích mặt hồ. Những nghiên cứu khoa học khẳng định đây là khu vực giàu có về đa dạng sinh học, có nhiều nét đặc trưng của hệ sinh thái điển hình rừng thường xanh trên núi đá vôi và hồ trên núi. Trung tâm của Vườn chính là Hồ Ba Bể với chiều dài tới 8 km và chiều rộng 800 m.

Nằm trên độ cao 178 m, Hồ Ba Bể là "hồ tự nhiên trên núi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ở Việt Nam". Hồ Ba Bể  trở thành một trong những địa danh nổi tiếng về danh lam thắng cảnh và trầm tích lịch sử lâu đời nhất giữa núi rừng Tây Bắc. Giữa rừng núi nguyên sinh, giữa trời và đất, Hồ Ba Bể như chiếc gương khổng lồ soi địa - thế - thiên - nhân. Hồ được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi có nhiều suối ngầm và hang động. Toàn cảnh hồ như một bức tranh thuỷ mặc, làm say lòng nhiều du khách từ xưa đến nay. Vào mùa Xuân, từng đàn bướm trắng lại kéo về tụ hội, nối đuôi nhau bay lượn trên mặt hồ lung linh tạo nên một khung cảnh nên thơ làm say đắm lòng người.

leftcenterrightdel
 Du khách trên Hồ Ba Bể

Mùa xuân, hồ Ba Bể lại càng thơ mộng hơn bao giờ hết. Lúc này, Ba Bể mênh mang và bao la diệu vợi. Những vách núi lượn quanh phơi mình dưới nắng. Những xanh xanh cây cối và ngằn ngặt trong veo màu nước như không thể trong hơn. Tất cả gợi lên sự an yên và say mê lạ kì. Đảo Bà Góa như nét buồn man mác cô đơn giữa “biển xanh Ba Bể” mờ ảo đang dần hiện ra.

Khi ánh chiều buông, không gian Hồ hiện ra bao la, ta thả hồn mình theo áng mây trôi vờn trên đỉnh núi xa, cảm nhận sự bình yên tĩnh tại. Cách Hồ khoảng 6 km, Động Hua Mạ là một khối đá nhũ thạch khổng lồ, vừa huyền ảo, vừa bí hiểm linh thiêng. Động Hua Mạ nằm lưng chừng núi, ở độ cao 350 m so với mặt nước biển và ăn sâu vào trong lòng núi. Hua Mạ không chỉ là một hang động lớn và đẹp với những khối nhũ đá cuốn hút, nơi đây còn hấp dẫn rất nhiều người vì còn lưu giữ rất nhiều câu chuyện kỳ bí về Hồ Ba Bể. Trong lòng hang, không khí mát mẻ và dễ chịu. Ngoài cửa Hang, phóng tầm mắt ra xa, ta như bị mê hoặc trước bức tranh thuỷ mặc hữu hình hữu thanh với mặt nước Hồ Ba Bể trong xanh đẹp đến nao lòng người du khách.

Rời xa cuộc sống phồn hoa ồn ào nơi đô thị, chắc chắn Ba Bể sẽ là một địa điểm lý tưởng cho những ai thích khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, khám phá núi rừng và trải nghiệm cảm nhận “phiêu bồng nơi tiên cảnh” của trần thế.

Hoàng Nguyên (Tổng hợp)


Đảo Bà Góa như nét buồn man mác
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra