Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, thời gian qua, các cơ quan tạp chí cơ bản thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, nghiên cứu, phổ biến, hướng dẫn chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh sinh động những thành tựu to lớn của đất nước; thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội; chủ động tham gia nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Trên cơ sở, các cơ quan tạp chí kiến nghị nhiều giải pháp góp phân nâng cao năng lực, chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương trên nhiều lĩnh vực...
|
|
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo buổi làm việc - Ảnh: TTXVN |
Khuyết điểm, yếu kém tại một số tạp chí điện tử ngày càng trầm trọng
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tạp chí còn một số hạn chế, khuyết điểm, yếu kém, thậm chí có chiều hướng trầm trọng hơn ở một số tạp chí điện tử trực thuộc các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp, không chỉ trên phương diện chuyên môn, nghiệp vụ mà còn trên phương diện tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Một số biểu hiện được chỉ ra như: Thông tin sai sự thật, không đúng tôn chỉ, mục đích, thiếu nhạy cảm chính trị, thiếu định hướng, giáo dục và thẩm mỹ; hời hợt, dễ dãi trong phản ánh, thẩm định, biên tập và xuất bản tin, bài, chạy theo thông tin vô bổ, tầm thường trên mạng xã hội nhưng lại thờ ơ, vô cảm trước những vấn đề hệ trọng của đất nước và Nhân dân. Quá tập trung phản ánh sự vụ, sự việc, những vấn đề tiêu cực trong xã hội mà chưa chú trọng các tuyến bài viết tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chuyên sâu, nêu những mô hình hay, cách làm sáng tạo.
Có hiện tượng phóng viên, biên tập viên, người làm báo nhân danh giám sát, phản biện xã hội, điều tra, chống tham nhũng, tiêu cực để thực hiện những hành vi nhũng nhiễu tổ chức, cá nhân, thậm chí đưa ra những phán xét, những quan điểm lạc lõng, đứng ngoài công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, xa rời mục đích cao cả của báo chí cách mạng.
Việc quản lý phóng viên, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, cộng tác viên, quy trình cấp giấy giới thiệu thiếu chặt chẽ, thậm chí cố tình thực hiện sai quy định vì những động cơ vụ lợi cá nhân, lợi ích nhóm. Tình trạng phóng viên, cộng tác viên bị cơ quan chức năng xem xét, xử lý kỷ luật, thậm chí bị khởi tố, truy tố, xét xử vì vi phạm pháp luật không những không giảm mà có chiều hướng gia tăng, đã xuất hiện mâu thuẫn giữa cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí trực thuộc. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng còn mờ nhạt, còn nhiều cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí không có tổ chức đảng.
Để tạo sự chuyển biến rõ nét, tích cực, sâu sắc và toàn diện đối với hoạt động của các tạp chí; phát huy những ưu điểm, thành tích, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém nêu trên và thực hiện phương hướng nhiệm vụ nêu trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng “Xây dựng nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan chủ quản tạp chí cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả Quy định số 101-QĐ/TW ngày 28/2/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về quyền hạn, trách nhiệm và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí và Kế hoạch số 156-KH/BTGTW ngày 14/6/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay; Kế hoạch số 154-KH/BTGTW ngày 10/6/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về phát động triển khai phong trào thi đua “xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”.
Cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan chủ quản tạp chí cần thực hiện đúng vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí theo quy định Đảng, pháp luật của Nhà nước. Xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện quy chế quản lý tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, phương hướng, kế hoạch hoạt động cơ quan tạp chí trực thuộc. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực bảo đảm cho tạp chí hoạt động ổn định và phát triển. Tập trung chỉ đạo, khắc phục ngay biểu hiện xem nhẹ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong cơ quan báo chí. Trường hợp không lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý được cơ quan tạp chí trực thuộc, đề nghị có văn bản báo cáo cơ quan quản lý nhà nước quyết định thu hồi giấy phép hoạt động, tạm đình chỉ hoạt động của cơ quan tạp chí.
Căn cứ Quy định số 101-QĐ/TW và các quy định liên quan, kiên quyết xử lý kịp thời, đúng quy định sai phạm của lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên cơ quan tạp chí, nhất là các khuyết điểm, sai phạm đã được các cơ quan chức năng có thẩm quyền kết luận, xử lý vi phạm... Kịp thời thay thế lãnh đạo cơ quan tạp chí không còn bảo đảm năng lực, trình độ, uy tín và phẩm chất đạo đức. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc để cơ quan báo chí có sai phạm.
Bên cạnh đó, cần quan tâm, chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, tinh thông nghiệp vụ; có tư duy nhạy bén, năng động, đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Sứ mệnh của báo chí cách mạng
Lãnh đạo cơ quan tạp chí cần quán triệt và nhận thức đầy đủ, sâu sắc vai trò, vị trí, sứ mệnh của báo chí cách mạng: Báo chí cách mạng phải mang tinh thần cách mạng, nhà báo cách mạng phải có bản lĩnh cách mạng, thấm nhuần đạo đức cách mạng.
Quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy định số 101-QĐ/TW, Kế hoạch số 156-KH/BTGTW, Kế hoạch số 154-KH/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương; Kết luận số 23-KL/TW ngày 22/11/2017 của Ban Bí thư về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan hoạt động báo chí. Bổ sung, hoàn thiện quy chế, quy trình quản lý tòa soạn, văn phòng đại diện, quy trình tác nghiệp của phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên... để hạn chế tối đa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí. Có giải pháp quản lý, ngăn chặn, xử lý nghiêm các biểu hiện lệch lạc trong quan điểm, nhận thức, tư tưởng của phóng viên, biên tập viên, người làm báo về sứ mệnh nghề nghiệp, trách nhiệm công dân, nghĩa vụ xã hội của người làm báo. Kiên quyết xử lý các trường hợp phóng viên, người làm báo vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Xác định rõ phạm vi, đối tượng độc giả của tạp chí; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích trong giấy phép hoạt động; quan tâm đầu tư những bài viết có tính lý luận, chuyên sâu, các tuyến bài trọng điểm về nghiên cứu lý luận tổng kết thực tiễn; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận... của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay.
Chú trọng, quan tâm xây dựng đội ngũ người làm báo trong cơ quan theo hướng chuyên nghiệp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, có ý thức đạo đức nghề nghiệp; có dũng khí đấu tranh với cái sai, bảo vệ cái đúng, biết vượt qua cám dỗ, thực sự tâm huyết, công tâm, khách quan trong thực thi nhiệm vụ.
Lãnh đạo cơ quan tạp chí chịu trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý trước tổ chức đảng, cơ quan chủ quản, trước pháp luật về mọi hoạt động của cơ quan báo chí.
Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam thường xuyên rà soát, theo dõi, đánh giá việc thực hiện vai trò trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí và tình hình hoạt động của các cơ quan tạp chí; kiên quyết, kịp thời đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý và trực tiếp xem xét, xử lý nghiêm minh theo thẩm quyền đối với cơ quan tạp chí, lãnh đạo cơ quan tạp chí, nhà báo, hội viên hội nhà báo có hành vi vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về báo chí./.