Ông Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết: Những năm qua, lượng khách du lịch đến với Nam Định vẫn duy trì ổn định. Tuy nhiên, việc xây dựng và quảng bá thương hiệu, sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh còn nhiều hạn chế. Khả năng liên kết các sản phẩm du lịch nói chung và những sản phẩm du lịch đặc thù nói riêng so với các tỉnh bạn chưa cao. Vì vậy, thông qua Hội thảo này, Nam Định sẽ tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp làm cơ sở xây dựng các chương trình, đề án cơ cấu lại ngành du lịch; đồng thời quy hoạch, định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, Nam Định cần phát triển, nâng cấp hệ thống cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng, các điểm vui chơi giải trí, tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch, tăng cường hoạt động truyền thông quảng bá du lịch để thu hút du khách và khai thác thế mạnh của địa phương để phát triển du lịch...
Theo Tiến sĩ Trương Sĩ Vĩnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), với những lợi thế về vị trí địa lý và tài nguyên tự nhiên, văn hóa, Nam Định có những điều kiện thuận lợi và cơ hội để phát triển ngành Du lịch. Để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, Nam Định cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá, đặc biệt là các sản phẩm du lịch đặc thù. Ngoài ra, tỉnh cần quan tâm đến bảo vệ các tài nguyên văn hóa, nâng cấp các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và khôi phục các làng nghề truyền thống.
Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc xây dựng sản phẩm du lịch có trách nhiệm tại các điểm sinh thái độc đáo của Nam Định sẽ thu hút được khách quốc tế có khả năng chi trả cao. Bên cạnh đó, xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh vừa tôn vinh vừa bảo tồn di sản là lợi thế rất lớn của du lịch Nam Định mang lại sự cải thiện điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội cho địa phương.
Nam Định là tỉnh có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn. Tỉnh có hơn 1.300 di tích lịch sử văn hóa với nhiều quần thể di tích có giá trị lịch sử, kiến trúc như: quần thể di tích văn hóa Trần, Phủ Dầy, chùa Cổ Lễ, chùa Keo Hành Thiện. Tỉnh có trên 70 làng nghề với các ngành nghề và sản phẩm truyền thống như: làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, sơn mài Cát Đằng, đúc đồng Tống Xá, làng hoa cây cảnh Vị Khê.
Với 72km bờ biển, Nam Định xây dựng và khai thác hiệu quả một số khu du lịch biển hấp dẫn như: Thịnh Long (huyện Hải Hậu), Quất Lâm (huyện Giao Thủy), đặc biệt là Vườn quốc gia Xuân Thủy với hệ sinh thái rừng ngập mặn - nơi dừng chân của các loài chim di trú được UNESCO công nhận là điểm ramsar quốc tế đầu tiên của Việt Nam và của Khu vực Đông Nam Á./.
Dương Thái