Theo Luật sư (LS) Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm, vụ án không chỉ phơi bày mối nguy hại đến sức khỏe cộng đồng mà còn bộc lộ những lỗ hổng chết người trong quản trị doanh nghiệp. Làm thế nào để các nhà lãnh đạo tránh được vòng lao lý từ những sai lầm tưởng chừng nhỏ nhặt?
Tội phạm kinh tế đặc biệt nghiêm trọng
LS Trương Anh Tú đánh giá vụ án sữa bột giả tại Hà Nội là một trong những vụ phạm tội kinh tế tinh vi và nghiêm trọng nhất. Với quy mô có tổ chức, kéo dài nhiều năm, các đối tượng đã nhắm vào nhóm người tiêu dùng dễ tổn thương – trẻ em và bệnh nhân – để trục lợi, thu về gần 500 tỷ đồng bất chính. Điều đáng lo ngại hơn, là hành vi phạm tội không chỉ dừng ở sản xuất và buôn bán hàng giả. Các đối tượng còn vi phạm quy định về kế toán, hợp thức hóa dòng tiền và che giấu sai phạm, gây tổn hại lan rộng đến hệ thống tài chính và thuế.
Về mặt pháp lý, hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm theo Điều 193 Bộ luật Hình sự, với mức án cao nhất lên đến tù chung thân. Nếu cơ quan điều tra phát hiện thêm dấu hiệu trốn thuế, vi phạm kế toán hay rửa tiền, các đối tượng có thể đối mặt với nhiều tội danh khác. “Sai một ly, đi một đời – câu nói này không chỉ đúng về đạo lý mà còn chính xác về pháp lý”, LS Tú nhấn mạnh. Một quyết định “lách luật” hay “tạm thời vượt khó” có thể kéo theo chuỗi hậu quả pháp lý không thể cứu vãn, từ tù đày, tịch thu tài sản đến sụp đổ danh tiếng.
LS Trương Anh Tú chỉ ra ba nhóm rủi ro lớn mà doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm và chuỗi cung ứng cần đặc biệt lưu ý sau vụ án này.
Thứ nhất, rủi ro về chất lượng sản phẩm. Một sản phẩm không đúng tiêu chuẩn công bố, quảng cáo sai sự thật hay không đảm bảo an toàn có thể bị quy kết là hàng giả, ngay cả khi doanh nghiệp không cố ý. Hậu quả không chỉ là phạt hành chính mà có thể dẫn đến trách nhiệm hình sự, đẩy cả ban lãnh đạo vào vòng tố tụng.
Thứ hai, rủi ro liên đới trong chuỗi cung ứng. Các đại lý, nhà thuốc, siêu thị hay đối tác phân phối nếu không kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc hàng hóa, có thể vô tình trở thành nạn nhân hoặc đối tượng liên quan trong các vụ án hình sự. Điều này không chỉ gây tổn thất tài chính mà còn làm sụp đổ uy tín thương hiệu, thứ tài sản khó xây dựng nhất.
Thứ ba, rủi ro tài chính và kế toán, việc sử dụng báo cáo tài chính không minh bạch, “lách” thuế hay tạo chi phí ảo để che giấu sai phạm có thể dẫn đến các vi phạm nghiêm trọng về kế toán và thuế. Những sai lầm này, dù nhỏ, đều có thể trở thành “điểm mù” khiến doanh nghiệp đối mặt với các cáo buộc hình sự như trốn thuế hay rửa tiền.
    |
 |
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm |
Xây dựng “tấm khiên pháp lý”
Theo kinh nghiệm đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp, LS Trương Anh Tú nhận định rằng phần lớn lãnh đạo Việt Nam vẫn chưa coi pháp lý là yếu tố sống còn trong quản trị. “Nhiều CEO xem luật pháp như cái khóa để xử lý tranh chấp, chứ không phải bản đồ an toàn cho vận hành và tăng trưởng”, ông chia sẻ. Trong khi đó, ở các quốc gia phát triển, một nhà lãnh đạo giỏi luôn có đội ngũ pháp lý tư vấn thường trực, tương tự như vai trò của kế toán trưởng hay kiểm toán viên nội bộ.
Sự thiếu chuẩn bị này khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình thế bị động khi đối mặt với rủi ro pháp lý. Từ công bố sản phẩm, quảng cáo, phân phối đến quản lý tài chính, mỗi khâu đều tiềm ẩn nguy cơ vi phạm nếu không được kiểm soát chặt chẽ. LS Tú nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh pháp luật ngày càng siết chặt trách nhiệm của tổ chức kinh tế, sự chủ quan có thể trả giá bằng cả sự tồn tại của doanh nghiệp.
Để tránh rơi vào vòng xoáy pháp lý tương tự, LS Trương Anh Tú khuyến nghị doanh nghiệp cần hành động ngay. Trước hết, cần rà soát toàn diện quy trình sản xuất, công bố và phân phối sản phẩm, đặc biệt là các mặt hàng liên quan đến sức khỏe cộng đồng. Mọi sai lệch giữa thực tế và công bố đều có thể trở thành căn cứ để xử lý hình sự.
Thứ hai, doanh nghiệp nên thiết lập bộ phận kiểm soát tuân thủ nội bộ, phối hợp chặt chẽ với kế toán và pháp chế. Bộ phận này sẽ đóng vai trò như “người gác cổng”, đảm bảo mọi hoạt động đều nằm trong khuôn khổ pháp luật. Đồng thời, tham vấn luật sư định kỳ là cần thiết để nhận diện và xử lý rủi ro từ sớm, thay vì chờ đến khi sự cố xảy ra.
Cuối cùng, LS Tú nhấn mạnh tầm quan trọng của quản trị rủi ro pháp lý như một phần cốt lõi của chiến lược phát triển. Một hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả không chỉ giúp giảm thiểu nguy cơ vi phạm mà còn nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh. “Chúng tôi đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp thiết lập cơ chế phòng ngừa, và những mô hình này cần được nhân rộng,” ông chia sẻ.
Với vai trò người bảo vệ pháp lý cho doanh nhân, LS Trương Anh Tú gửi gắm thông điệp mạnh mẽ: “Đừng đánh cược tương lai bằng sự chủ quan. Pháp luật không chờ doanh nghiệp phá sản hay vướng lao lý mới phát huy tác dụng.” Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo coi pháp luật như người bạn đồng hành, xây dựng nền tảng quản trị pháp lý vững chắc để bảo vệ doanh nghiệp và chính mình.
Một CEO không chỉ cần tầm nhìn chiến lược mà còn phải biết đứng đúng bên lằn ranh giữa kinh doanh và tội phạm. Hãy để pháp lý giúp bạn ngủ ngon mỗi đêm, sự chủ động hôm nay là chìa khóa cho sự trường tồn của doanh nghiệp trong tương lai./.
Lan Anh