Nằm trong vùng lõi của Vườn quốc gia Bái Tử Long, xã Minh Châu, huyện Vân Đồn sở hữu hệ sinh thái phong phú, nhiều động thực vật quý hiếm. Đây cũng là địa chỉ hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước, tuy nhiên cũng phải đối mặt với nỗi lo bảo vệ môi trường. Một trong những điển hình của sức mạnh người dân trong bảo vệ môi trường tại Vườn quốc gia Bái Tử Long chính là khu rừng Trâm hàng trăm năm tuổi tại thôn Ninh Hải thuộc xã đảo Minh Châu. Theo người già trên đảo, rừng Trâm đã có từ lâu trước khi những ngư dân đầu tiên đặt chân khai phá hòn đảo này, gắn liền với quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của xã đảo Minh Châu. Kéo dài hơn 1,5km và có diện tích khoảng 7 ha, khu rừng là một dải chắn cát, chắn gió vô cùng quan trọng đối với người dân thôn Ninh Hải, xã Minh Châu. Đối với mỗi người dân trong thôn, rừng Trâm chính là “báu vật” truyền đời mà ai cũng phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ rừng cũng là bảo vệ ngôi nhà mình đang sống.
Đã nhiều đời sinh sống tại xã đảo Minh Châu, ông Nguyễn Văn Tý, 85 tuổi, người dân thôn Ninh Hải cho biết: Hàng trăm năm nay, khu rừng được mỗi người dân trong thôn chung tay gìn giữ từ đời này sang đời khác. Từ ông tôi đến cha tôi luôn nghiêm cấm, nhắc nhở con cháu không được tơ hào bất kỳ một thứ gì của rừng Trâm. Bất kể là chặt cành, hái quả, chặt cây hay thậm chí nhặt lá rụng, củi mục trong rừng về nhóm bếp đều bị ngăn cấm. Bởi ở khu vực trải đầy cát trắng này, bản thân cành lá rụng xuống cũng là nguồn phân bón quý giá nuôi sống những cây con. Khu rừng như một khu vực thiêng bất khả xâm phạm mà mỗi chúng tôi được truyền dạy chỉ được phép gìn giữ chứ không được lấy đi bất cứ thứ gì của nó.
Không chỉ là biểu tượng linh thiêng gắn liền với đời sống thường ngày của người dân xã đảo, rừng Trâm xã Minh Châu còn có giá trị vẻ đẹp riêng. Rừng Trâm chạy dọc bên cồn cát trắng cạnh bãi tắm Minh Châu, từ biển nhìn vào khu rừng trải dài hình vòng cung bao quanh bãi biển, che chắn toàn bộ làng xóm. Có một đặc trưng là rừng trâm mọc tập trung, gắn kết với nhau thành một quần thể, một dải dài ven biển ôm lấy làng chài. Trâm là loại cây thân gỗ to, khả năng tái sinh tốt, có thể mọc nhiều nhánh đan xen với nhau. Gỗ trâm tốt chỉ đứng sau: Lim, gụ, sến... Mặc dù chỉ cao khoảng 10m, nhưng rừng trâm có mật độ dày, đan chặt với nhau nên tạo thành một bức tường vững chắc chắn cát di chuyển, chắn gió bảo vệ làng xóm trước những trận bão biển lớn.
Đến nay, người già trong thôn Ninh Hải vẫn lưu truyền câu chuyện về việc rừng trâm đã che chắn cho làng chài trước một trận bão biển lớn năm 1945. Dù bị tàn phá, xơ xác sau bão nhưng rừng trâm đã kịp hồi sinh mạnh mẽ, xanh tươi trở lại, đơm hoa kết trái vào dịp cuối năm cứu người dân đảo qua nạn đói hoành hành năm 1945.
Ông Nguyễn Văn Quảng, 83 tuổi, người dân thôn Ninh Hải, xã Minh Châu nhớ lại: "Từ khi tôi sinh ra đã thấy khu rừng trâm này. Thời tôi còn bé chỉ có khoảng 4 gia đình sinh sống sát với khu rừng là trực tiếp gìn giữ, bảo vệ và luôn cấm con cháu hay bất kỳ ai bẻ cành hay chặt cây lấy gỗ từ khu rừng này. Nạn đói năm 1945, rừng trâm cũng là một trong những nguồn lương thực để cứu người dân nơi đây khỏi chết đói, chúng tôi lấy quả trâm về ăn với muối thay cơm cho qua cơn đói. Thời trước làm rất nghiêm, nhà tôi đi lên xã khác chặt cây tâm mang về cũng phải giả trình với xã, chứng minh nguồn gốc cây tâm mang về không phải chặt hạ từ khu rừng này".
Theo Hạt phó Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Bái Tử Long Nguyễn Hữu Mạnh: Năm 2001, khi Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử long tiếp nhận, khu rừng Trâm có diện tích khoảng 13 ha. Sau đó rừng bị thu hẹp lại do nhiều nguyên nhân, năm 2010 đến nay hiện còn khoảng 7 ha. Khu rừng Trâm có ý nghĩa rất lớn đối với người dân xã đảo Minh Châu, có tác dụng chắn cát bay, là rừng phòng hộ chắn xâm thực của biển đối với thôn Ninh Hải. Đồng thời, đây cũng là loài cây đặc hữu của Vườn quốc. Hạt cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, các trường học, các đơn vị đóng chân trên địa bàn để tuyên truyền, lồng ghép với các chưong trình ngoại khoá, các buổi họp thôn, xóm cho thanh niên, người dân trong xã hiểu được tác dụng của khu rừng Trâm phòng hộ này, tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng trâm đối với cuộc sống của người dân nơi đây, đồng thời cũng kết hợp tuyên truyền để người dân có ý thức gìn giữ môi trường biển và tại từng thôn xóm. Qua đó, ý thức gìn giữ môi trường cũng như bảo vệ khu rừng Trâm phòng hộ trong giới trẻ tại xã Minh Châu đã được nâng cao. Các em học sinh và tầng lớp thanh niên trong xã đã chủ động, ý thức trong các việc làm cụ thể như dọn rác, không chặt cây, bẻ cành trong khu rừng phòng hộ và về tuyên truyền lại cho người thân trong gia đình.
Đảo Ba Mùn là một trong những cụm đảo lớn nhất, đẹp nhất và có hệ thực vật phong phú nhất của Vườn quốc gia Bái Tử Long. Đảo Ba Mùn là đảo phiến thạch duy nhất có rừng nguyên sinh của vịnh Hạ Long với diện tích khoảng 1.800 ha, sở hữu hệ động thực vật vô cùng phong phú, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Về thực vật nổi bật nhất là loài trâm đỏ và các loài khác như lim, sến, táu... Đặc biệt, đảo Ba Mùn có quần thể nai vàng hiện vẫn còn khá đông và cũng là một quần thể duy nhất ở vùng Đông Bắc - Việt Nam. Ngoài ra còn các loại động vật khác như sơn dương, hươu, khỉ, voọc v.v.. cùng các loài chim biển, chim di cư. Với các loài động vật phong phú, đảo Ba Mùn là khu bảo tồn động vật hoang dã tự nhiên lớn nhất ở vùng Đông Bắc. Đây cũng là nơi đặt trung tâm cứu hộ động vật biển lớn nhất miền Bắc nước ta.
Chính vì vậy, bảo tồn môi trường tự nhiên trên đảo Ba Mùn là ưu tiên hàng đầu trong công tác quản lý tại Vườn quốc gia Bái Tử Long. Từ năm 2014, Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long đã thực hiện phương án thí điểm chia sẻ lợi ích trong quản lý, khai thác và phát triển bền vững nguồn nhuyễn thể tự nhiên trên vùng đất ngập nước thuộc khu vực đảo Ba Mùn. Với phương án này, người dân sinh sống xung quảnh đảo vừa có lợi ích trong nuôi trồng thủy sản, vừa gắn trách nhiệm với bảo vệ môi trường tự nhiên trên đảo đồng thời cũng là “cánh tay nối dài” của lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Bái Tử Long.
Theo đó, 20 hộ dân sinh sống quanh đảo Ba Mùn được giao trông coi khoảng đất ngập nước từ 300-500 mét dài và thực hiện quản lý theo nhóm hộ. Phó Giám đốc Vườn quốc gia Bái Tứ Long Phan Thanh Nghị cho biết: Tại các khu vực này, người dân được phép thu hoạch các loại ốc biển như: ốc mùn, ốc đá... để làm sinh kế. Đồng thời, các hộ dân phải cam kết thu hoạch, đánh bắt ốc biển theo đúng quy chuẩn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cũng như quy định của Vườn quốc gia Bái Tử Long; cam kết bảo vệ môi trường và hợp tác cảnh báo các cơ quan chức năng khi phát hiện các phương tiện vào phá rừng nguyên sinh trên đảo, đánh bắt hải sản.
Theo quy định của Vườn quốc gia Bái Tử Long, các hộ dân tham gia chương trình chỉ được phép thu hoạch ốc biển có độ dài trên 1,2 cm. Hàng năm mỗi hộ đều nộp phí tùy theo sản lượng thu hoạch giúp tăng nguồn thu cho Vườn. Anh Nguyễn Hồng Trường, hộ dân tham gia chương trình chia sẻ lợi ích cho biết: Từ khi được Vườn quốc gia Bái Tử Long thực hiện chương trình chia sẻ lợi ích, người dân chúng tôi đã có thêm điều kiện phát triển kinh tế. Đồng thời chúng tôi cũng ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường thiên nhiên, không để thiên nhiên bị tàn phá nếu không sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của gia đình mình.
Theo Hạt phó Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Bái Tử Long Nguyễn Hữu Mạnh, từ khi được giao chia sẻ lợi ích, khu vực đảo Ba Mùn đã không còn hiện tượng khai thác gỗ quý, săn bắn và khai thác động thực vật trên đảo cũng như khu vực biển xung quanh. Bản thân các hộ dân cũng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho đảo và chính họ là những người năng nổ nhất trong gìn giữ, bảo vệ môi trường nơi đây.
Từ khu rừng Trâm đến chương trình thí điểm chia sẻ lợi ích trên đảo Ba Mùn, có một điểm chung là khi người dân cùng chính quyền vào cuộc thì môi trường không chỉ được bảo vệ tốt mà còn phát triển và đem lại lợi ích cho những người sinh sống ngay trong vùng lõi cuẩ Vườn quốc gia Bái Tử Long. Với các tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn rất đa dạng và đặc sắc của mình, Vườn quốc gia Bái Tử Long đã và đang làm điểm đến yêu thích của khách du lịch trong và ngoài nước. Để bảo tồn và phát triển bền vững môi trường, bên cạnh sự chỉ đạo hoạch định chiến lược của tỉnh Quảng Ninh, Vườn quốc gia Bái Tử Long còn cần có sự tham gia chặt chẽ, toàn diện của các cấp, các ngành, chính quyền và nhân dân địa phương cũng như mỗi khách du lịch đến tham quan./.
Dương Thái