Không chém tại sân đình, lễ rước lợn La Phù tạo nhiều nét đẹp

Thứ năm, 01/03/2018 09:04
(ThanhtraVietNam) – Dư luận thời gian qua có nhiều ý kiến về các hình ảnh mang tính bạo lực, phản cảm diễn ra ngay trước mắt du khách tại một số lễ hội đầu xuân như đánh chửi nhau khi tham gia trò chơi cướp phết, dùng búa đập đầu trâu đến chết ở Phú Thọ, chém lợn ngay trước sân đình để tế lễ ở Bắc Ninh…Tưởng như niềm tin về những giá trị văn hóa nhân văn tại lễ hội đang dần mất đi thì ngay tại vùng đất đang đô thị hóa với tốc độ “chóng mặt”, người dân La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) vẫn đang gìn giữ và truyền bá nhiều nét đẹp văn hóa tại lễ rước “Ông lợn” để tưởng nhớ công đức của Thành hoàng làng và dạy cho thế hệ sau lòng biết ơn, tình đoàn kết.

Theo các cụ cao niên trong làng thì lễ rước “Ông lợn” vào đêm 13 tháng giêng là dịp để dân làng tưởng nhớ công ơn của Tĩnh Quốc Tam Lang dưới thời Hùng Duệ Vương thứ 6 đã có công đánh giặc giữ vững bờ cõi. Trước mỗi khi lên đường đi đánh giặc, ông lại tổ chức thổi xôi, mổ lợn khao quân. Tích xưa truyền lại, vào mỗi dịp đó nhân dân trong vùng cũng mang lợn đến dâng và để tỏ lòng biết ơn đã tôn ông là Thành Hoàng làng. Từ đó đến nay, đúng ngày 13 tháng Giêng hàng năm người dân làng La Phù lại mang lợn ra đình dâng tế Thành Hoàng.

leftcenterrightdel
Múa lân, sư, rồng diễn ra từ buổi chiều 13 tháng giêng tại sân đình 

Ông Nguyễn Duy Phương, người dân xóm Đoàn Kết cho biết: “Lợn được dâng tế do các xóm tuyển chọn, mỗi xóm sẽ chỉ được chọn một con duy nhất và đó phải là con to béo, thường nặng vài trăm ki lô gam, được chăm sóc cẩn thận, sau đó đưa đến một gia đình được chọn đăng cai tổ chức rước lợn cho xóm, gọi là nhà Tu Lễ, người dân trong xóm cùng nhau đến vừa nói chuyện vui vẻ, thăm hỏi nhau vừa làm thịt sạch sẽ, trang trí để đem đi tế. Chiếc áo choàng phủ lên mình “Ông lợn” phải được làm từ chính mỡ của lợn được bóc khi thịt mà không được lấy từ bên ngoài. “Ông lợn” nào thật đẹp, không có vết trầy xước, bầm tím sẽ đoạt giải do các cụ cao niên trong làng đánh giá”.

Để vinh dự được chọn đăng cai tổ chức rước “Ông lợn” cho xóm, gia đình đó phải đảm bảo nhiều điều kiện rất cao như gia đình hòa thuận, hạnh phúc, kinh tế khá giả, 5 năm liền gia đình không có tang...Trước khi bắt ‘Ông lợn’ về nhà Tu Lễ, người chủ nuôi còn phải làm lễ xin phép thần linh, tổ tiên. Đặc biệt là khi đưa về nhà Tu Lễ không được phép trói và lôi kéo mà phải dẫn đi để tránh trầy xước và có vết bầm tím cho ‘Ông lợn’ - ông Phương cũng chia sẻ.

leftcenterrightdel
Du khách thập phương rất hào hứng với các hoạt động của lễ hội 

Năm nay, từ lúc 5 giờ chiều các xóm bắt đầu rước lợn ra đình làng, trống chiêng, cờ quạt tưng bừng khắp các lối ngõ. Mỗi đám rước gồm 3 kiệu chính: bàn lộc, mâm xôi và “Ông lợn”. Trong lúc chờ đến giờ vào tế, 17 “Ông lợn” của các xóm diễu hành quanh làng rồi ra ngự ở khu vực quanh đình cho mọi người chiêm ngưỡng.

Các cụ trưởng lão áo the khăn xếp trịnh trọng, thanh thiếu niên vác cờ trang nghiêm thẳng hàng, đám thanh niên khua trống nhịp nhàng cùng mấy cô bé đáng yêu với những điệu múa sinh tiền làm đêm hội thật tưng bừng náo nhiệt.

leftcenterrightdel
Một đoàn rước gồm 3 kiệu gồm xôi, mâm lộc và "ông lợn"  được trang trí bắt mắt

Đúng 9 giờ tối, các “Ông lợn” lần lượt được rước vào đình dưới sự hướng dẫn của các bậc cao niên. Đúng thời khắc 12h đêm, các cụ cao tuổi bắt đầu làm lễ tế kéo dài đến 1,2h sáng hôm sau. Sau khi làm lễ xong, các xóm làng sẽ rước kiệu về chia lộc cho các hộ gia đình trong xóm.

Chị Lê Nga, một du khách nhiều năm đến dự lễ hội cho biết: “Tôi đã đi qua nhiều miền quê, được tham dự rất nhiều lễ hội nhưng đến La Phù tôi thật sự ấn tượng một nơi sầm uất, giàu đẹp với ao đình, mái chùa và tháp chuông nhà thờ vút cao thật uy nghi, cổ kính và cũng rất nên thơ mà hiện tại ít làng quê nào còn giữ được. Đặc biệt hội làng rất cuốn hút bởi sự văn minh nhưng vẫn giữ được vẹn nguyên giá trị văn hóa và ý nghĩa nhân văn của lịch sử. Lễ hội rước “Ông lợn” vừa mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian, vừa cho thấy truyền thống văn hóa uống nước nhớ nguồn sâu sắc của người Việt”.

Liên quan đến việc rước lợn, vào những ngày đầu năm tại Bắc Ninh, người dân làng Ném Thượng cũng tổ chức rước lợn quanh làng rồi mang ra sân đình chém để hiến tế. Nhiều du khách ghi lại những hình ảnh máu me đó và phổ biến rộng rãi gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều tổ chức, cá nhân cho rằng những hoạt động này là bạo lực, là phản cảm nhưng người dân lại muốn duy trì những nghị thức có tính nguyên sơ, truyền thống. Năm 2018, việc chém lợn vẫn diễn ra tại sân đình nhưng được che kín không để người dân chứng kiến và ghi lại các hình ảnh này.

Thái Minh - Hoàng Nguyên

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra