Một đôi trai gái có hành vi thân mật thái quá trong rạp phim của CGV, bị hệ thống camera giám sát của rạp ghi lại. Sau đó, hình ảnh này lại xuất hiện trên Facebook và một số diễn đàn... Chuyện tương tự hoàn toàn có thể xảy ra khi một ai đó đi siêu thị hay tại bể bơi công cộng. Ai bảo vệ quyền riêng tư cho công dân, bởi họ không thể biết khi vô tình lọt vào camera giám sát...
Quyền được riêng tư
Khoan bàn tới chuyện hành vi của đôi trai gái kia tại rạp chiếu phim có vi phạm thuần phong mỹ tục hay không? bởi nó là vấn đề khác. Câu chuyện ở đây ai được dùng camera giám sát và dùng hình ảnh người khác ra sao? Quyền riêng tư của mỗi người cần được bảo vệ thế nào?
Cách đây mấy năm, một tờ báo đã dẫn ra câu chuyện thú vị rằng: Chĩa camera giám sát sang nhà hàng xóm thì có bị phạt? Tình huống gây tranh cãi bởi thời điểm đó pháp luật vẫn chưa có quy định rõ ràng về “bí mật đời tư” là gì? phạm vi của “bí mật đời tư” như thế nào?
Theo các luật sư thì Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 thì đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Như vậy, việc gắn camera quay sang nhà khác nếu nhằm mục đích theo dõi, xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là hành vi trái pháp luật. Thế nhưng các quy định của pháp luật hành chính và hình sự chưa điều chỉnh đối với hành vi này. Do đó, các cơ quan rất khó xử lý và không có cơ sở xử phạt.
Luật Dân sự 2015 có hiệu lực từ 1.1.2017 đã có những điều chỉnh, dành riêng một mục với 15 điều quy định chi tiết về những quyền nhân thân. Trong đó điều 32 khẳng định “Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý” trừ một số trường hợp hình ảnh ấy được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng… mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Cần có luật giám sát bằng camera?
Trở lại câu chuyện hai người bị camera rạp chiếu phim ghi lại rồi hình ảnh bị phát tán. Việc lắp hệ thống camera giấu kín này xuất phát từ việc bảo vệ bản quyền phim, tránh khán giả quay lén phim trong rạp và phát tán. Nhưng theo các luật sư thì lẽ ra rạp cần phải có thông báo cho khán giả (bằng dòng thông báo chạy trên màn hình, bằng ký hiệu hay bằng một tờ giấy cho biết rạp có camera) để nhắc nhở.
Đặc biệt, dù thông báo thì rạp chiếu phim phải có trách nhiệm lưu giữ và có quy định cụ thể nhằm không để lọt hình ảnh của khách ra ngoài, đặc biệt lan truyền trên mạng xã hội.
Đoạn video clip hai người được cho là “mây mưa” trong rạp chiếu phim đang bị phát tán trên mạng.
Hiện nay, một vấn đề cũng gây tranh cãi là lắp camera ở trường mầm non. Tại TPHCM, dự kiến đến năm học 2019-2020 sẽ triển khai thực hiện lắp đặt camera đại trà tại 24 quận huyện với các vị trí phòng học, phòng ngủ, phòng ăn, nhà bếp, cổng trường, khu vui chơi... Qua thí điểm và khảo sát thì 50% giáo viên không đồng ý bị giám sát và cũng 50% số phụ huynh lo ngại hình ảnh của trẻ tại lớp bị công khai trên mạng.
Giám sát thế nào và để việc lắp camera không vi phạm đời tư khi công nghệ thông tin, điện tử phát triển một cách nhanh chóng? Theo đề xuất của một số nhà làm luật thì cần có những quy định cụ thể hơn về việc sử dụng camera giám sát tại công sở, nơi công cộng nhằm cân bằng được lợi ích công cộng (phục vụ lý do an ninh, phòng chống trộm cắp, điều khiển hệ thống giao thông...) và lợi ích riêng tư của cá nhân cần được bảo vệ trước sự lạm dụng các hình ảnh thu được từ camera công cộng.
Theo Lao động