Làn sóng trở về của du học sinh ngày càng mạnh

Thứ ba, 31/07/2018 08:44
(ThanhtraVietNam) – Những năm gần đây, số lượng học sinh Việt Nam đi du học nước ngoài ngày càng tăng. Theo khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có khoảng 130.000 công dân Việt Nam đang học tập tại hơn 50 quốc gia trên thế giới. Song song với đó, xu hướng quay về Việt Nam làm việc cũng đang dần hình thành trong cộng đồng du học sinh.

Mỗi bạn trẻ người Việt khi ra nước ngoài đều mang theo những mục tiêu khác nhau. Với TS. Phan Văn Hưng, chàng trai sinh năm 1984 từng là một du học sinh tại Hàn Quốc thì lại có suy nghĩ rất rõ ràng ngay từ đầu, đó là: đi tiếp thu tri thức để trở về cống hiến cho quê hương.

Hưng luôn tự hào mình có một xuất thân tốt, đó là may mắn được sinh ra tại một gia đình nghèo khi bố mẹ đều là những người nông dân thực thụ. Từ nhỏ đã chứng kiến bố mẹ lam lũ nên Hưng luôn tự nhủ phải cố gắng học hành, phải có được tri thức. Dành được học bổng năm 18 tuổi, Hưng chọn ngành kinh tế học tại Hàn Quốc, rồi hoàn thành nghiên cứu sinh tiến sĩ kinh tế năm 29 tuổi. Được một tập đoàn lớn mời về làm việc mới mức lương cao nhưng Hưng từ chối, quyết tâm về quê hương khởi nghiệp cùng toàn bộ tài sản “khủng” là một tủ sách đầy.

Hưng bắt đầu với tâm huyết mở một trung tâm tư vấn du học và dạy tiếng Hàn Quốc. Niềm vui của Hưng là nhận những dòng tin nhắn, những cuộc điện thoại hỏi thăm của những học sinh cũ đã và đang thành công bên xứ người.

Hiện nay, chàng tiến sĩ kinh tế trẻ năm nào đang là Chủ tịch một tập đoàn có tiếng tại Việt Nam với kinh doanh đa ngành nghề.

Với Hưng, “có cơ hội được ra nước ngoài học tập đã là một may mắn rất lớn nên anh phải có trách nhiệm với quê hương. Nếu chọn làm một việc thì mình sẽ chọn công việc gì có tính chất bền vững, có ích và phải mang giá trị nhiều nhất cho xã hội”.

Còn với Nguyễn Thúy Hà (SN 1983), tốt nghiệp thạc sĩ tại Pháp chuyên ngành thương mại quốc tế. Về nước, Thúy Hà làm việc tại văn phòng đại diện một công ty dược của Hồng Kông tại TPHCM với vị trí Giám đốc thương mại và nuôi chí mở Công ty dược riêng.

Thúy Hà nói: “Trước khi đi du học, tôi từng làm việc trong nước nên xác định rõ mục tiêu trở về ngay từ đầu. Với tôi, ở trong nước, khó khăn, thử thách tôi luyện con người mạnh mẽ hơn”.

Thúy Hà cho biết, hiện giới trẻ các nước đang có xu hướng tìm đến nước đang phát triển như Việt Nam để làm việc, dễ khẳng định bản thân. Các nước Philippines, Thái Lan, Việt Nam… đang là điểm đến hấp dẫn.

Thúy Hà cho rằng người Việt trẻ cũng nắm được xu hướng này và tận dụng thế mạnh để quay về nước làm việc sau khi trau dồi kiến thức và tích luỹ kinh nghiệm ở các nước phát triển. “Làn sóng trở về của du học sinh ngày càng mạnh, cho thấy họ ý thức rõ việc nắm bắt cơ hội phát triển trong nước”, Thúy Hà nói.

Đối với việc đóng góp chất xám của những nhân tài Việt đang làm việc ở nước ngoài cho sự phát triển của Tổ quốc, TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbrigh chia sẻ: Chúng ta không nên lý tưởng hóa, hay áp đặt cách nghĩ “phải thế này, phải thế kia”. Thực tế, mỗi cá nhân đều muốn khẳng định mình và muốn được nhiều người biết đến với những việc làm có ý nghĩa cho xã hội. Cộng đồng, quê hương, đất nước luôn là những nơi thân thuộc của mỗi người, nên đó là nơi mà mỗi tài năng mong muốn được đóng góp và được công nhận nhất.

leftcenterrightdel
 TS. Đoàn Mạnh Phương,  Phó Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Kinh tế môi trường Việt Nam phát biểu trong 1 hội nghị
Nếu có nhiều người giỏi từ nước ngoài trở về làm việc trong nước, hoặc muốn chung tay đóng góp cho sự phát triển của đất nước thì chúng ta có thể sớm phát triển. Do vậy, việc cần làm của Đảng và Nhà nước là kiến tạo được một môi trường tốt để thu hút nhiều người giỏi trở về theo những hình thức khác nhau (toàn thời gian hay một phần thời gian); hoặc có những cách thức nhằm biến chất xám của những tài năng Việt thành của cải cho đất nước.

Theo TS. Đoàn Mạnh Phương, Phó Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Kinh tế môi trường Việt Nam: Từ đầu tháng 7-2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản chỉ đạo Bộ Giáo dục và Ðào tạo chủ trì, phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan tiến hành nghiên cứu tổng thể và đề xuất các cơ chế, giải pháp, chính sách thu hút, sử dụng có hiệu quả học sinh, sinh viên học tập ở nước ngoài sau tốt nghiệp.

Với sự quan tâm chặt chẽ của Chính phủ, thời gian tới, Việt Nam sẽ có những giải pháp hiệu quả nhằm thu hút nhân tài về nước là những du học sinh đang sinh sống, học tập và làm việc tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới.

Hoàng Nguyên (TH)

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra