Loạn “ca sĩ tự phong”

Thứ hai, 04/12/2017 09:08
Không cần đào tạo bài bản, chỉ cần có tiềm lực kinh tế và công nghệ lăng xê, rất nhiều người dù không có giọng hát vẫn nghiễm nhiên trở thành ca sĩ.

leftcenterrightdel
 Chi Pu gây tranh cãi khi "tự phong" mình là ca sĩ sau khi ra mắt một số MV.

Dễ như làm… ca sĩ

Ngành giải trí Việt chưa thực sự phát triển như nhiều nước trong khu vực, nhưng cũng đủ tạo ánh hào quang lấp lánh và thu hút những người có chút thanh - sắc chạy theo. Với xu thế phát triển của ngành truyền thông, cùng sự ra đời của hàng loạt chương trình giải trí lớn nhỏ, việc trở thành người của showbiz bây giờ cũng không khó.

Tham gia một cuộc thi nhan sắc, kết nối với ông bầu để có thêm show, “mua” một vài vai diễn, hay dự những sân chơi nhảy múa, ca hát nhiều như “nấm mọc sau mưa”, là có ngay những cái mác người mẫu, ca sĩ, diễn viên và trở thành người của công chúng. Khán giả bây giờ cũng dễ hơn trong gu thưởng thức. Bằng chứng là rất nhiều người, dù bị giới chuyên môn đánh giá không cao, nhưng vẫn có lượng khán giả hâm mộ lớn và rất đắt show.

Gần đây, việc hotgirl Chi Pu quyết định đi hát và tuyên bố xanh rờn “từ nay hãy gọi tôi là ca sĩ” tạo nên cuộc tranh cãi gay gắt trong công chúng và cả người làm chuyên môn. Nhiều người bắt đầu giật mình, lo lắng về sự dễ dàng này, chẳng lẽ “cầm mic lên là thành ca sĩ”, cứ ra mắt MV là có thể tuyên bố mình trở thành ca sĩ?

Theo Thu Minh, Chi Pu có thể trở thành thần tượng giải trí. Tuy nhiên nếu xét về khía cạnh quan trọng nhất là giọng hát, hotgirl này chưa thể được gọi với danh xưng là ca sĩ. Những ca sĩ trẻ khác như Văn Mai Hương, Hương Tràm, Quốc Thiên còn thẳng thắn nói không coi Chi Pu là đồng nghiệp và khuyên cô không nên đi hát nữa. Đến nay cuộc tranh luận vẫn chưa dứt, khi Chi Pu tuyên bố sẽ đều đặn mỗi tháng ra một MV để khẳng định tên tuổi của mình trong vai trò ca sĩ.

leftcenterrightdel
 Miu Lê bị chê hát dở và khuyên không nên đi làm ca sĩ.

“Đường dài mới biết ngựa hay”

Cùng với những tranh cãi quanh việc hotgirl đi hát, tuần qua showbiz Việt còn “nóng” bởi những phát ngôn của nhạc sĩ Dương Cầm trong một gameshow truyền hình, khi nhận xét hàng loạt ca sĩ đã từng nhiều năm sống bằng nghề hát là “không biết hát”.

Đó là trong gameshow “Sao đại chiến” vừa mới lên sóng, với format đối kháng của 8 cặp ca sĩ/nhóm nhạc – producer nổi tiếng trong showbiz. Không hiểu có phải chiêu trò của nhà sản xuất, fomat chương trình, mà nhạc sĩ Dương Cầm liên tiếp có những tuyên bố gây sốc khi nhận xét về một số ca sĩ cùng tham gia chương trình.

Ngay từ tập đầu tiên lên sóng, nhạc sĩ Dương Cầm thẳng thắn chê giọng hát của Ái Phương, Miu Lê và Hoàng Tôn. Dương Cầm cho rằng Ái Phương hát mờ, giọng không chắc chắn và cương quyết rằng: “Ái Phương như một vũ công đang hát” … Với Miu Lê, anh cho rằng cô “không đủ trình độ để được gọi là ca sĩ”, “những bài hát tầm thường và giọng hát không đạt được mức độ cơ bản”. Miu Lê chỉ nên là diễn viên.

Ngay sau phát ngôn trên, Dương Cầm trở thành tâm điểm dư luận, nằm trong danh sách những từ khóa được tìm kiếm phổ biến nhất trên mạng trong những ngày qua. Trước khi tham gia gameshow này, Dương Cầm là một nhạc sĩ ở thị trường Hà Nội, chủ nhân của ca khúc “Mong anh về”, đồng thời cũng là nhà sản xuất "ruột" của nhiều giọng ca Sao Mai nhưng vì không có nhiều hit trên thị trường nên ít người biết tới.

Câu chuyện hotgirl đi hát đã có từ những năm trước, những người như Ngô Thanh Vân, Hà Anh, Tâm Tít cũng đều tràn đầy nhiệt huyết để đi theo con đường ca hát như Miu Lê và Chi Pu, nhưng cuối cùng đều lặng lẽ bỏ cuộc. Vì nhiều lý do, trong đó có quy luật “đào thải” của showbiz.

Với sự xuất hiện ngày càng nhiều chương trình gameshow giải trí, giống như các “lò sản xuất tài năng cấp tốc”, mỗi năm làng nhạc Việt đón thêm hàng trăm gương mặt mới. Ai ai cũng được ca ngợi là tài năng, nhưng sự thực không phải những ai bước ra từ cuộc thi - kể cả có giải thưởng - cũng được khán giả “nhớ mặt, gọi tên”. Và để tồn tại được trong thế giới showbiz, không ít người đã mượn những chiêu như “lột xác”, “thay đổi hình ảnh” để gây sự chú ý của khán giả. Ngoài việc chi tiền thay đổi ngoại hình, gu thời trang gợi cảm, các ca sĩ còn không tiếc tiền để sản xuất các MV phát hành trên mạng xã hội, internet.

Cố gắng chừng đó, có thể giúp họ có được danh xưng ca sĩ. Nhưng ngày nay không đơn giản chỉ cần tung ra một vài MV hay album ca nhạc là có thể ung dung ngồi chờ được nổi tiếng. Quy luật "sóng sau xô sóng trước", khi việc trở thành ca sĩ quá dễ dàng thì nổi tiếng lại càng rất khó.

Những ngày qua, một số ca sĩ phản đối việc hotgirl đi hát bằng đề xuất tái khởi động lại cấp thẻ hành nghề cho ca sĩ, để siết chặt lại việc “loạn” ca sĩ tự phong. Thế nhưng, rất khó và không nên áp chuẩn mực nền tảng nào đó để cấm hay cho phép một người được hay không được làm ca sĩ. Bởi tiêu chuẩn thế nào để trở thành một ca sĩ, cần những yêu cầu gì để có thể gọi một người biết hát là ca sĩ… vẫn còn khá mơ hồ và mỗi người có một góc nhìn khác nhau. Vì quan điểm khác nhau đó, cách đây chưa lâu đã nổ ra cuộc tranh luận gay gắt giữa các ca sĩ phía nam và phía bắc, quanh phát ngôn của diva Thanh Lam cho rằng ca sĩ miền Nam không học hành gì mà chỉ nổi tiếng nhờ truyền thông.

Trước đây muốn trở thành ca sĩ phải qua trường lớp đào tạo, am hiểu về thanh nhạc, ra mắt các album, sản phẩm âm nhạc và được khán giả đón nhận. Nay chỉ cần một người có thể kiếm tiền từ việc ca hát, từ giọng hát của mình thì được gọi là ca sĩ. Danh xưng đó có thể do công chúng công nhận hoặc làm theo cách như của Chi Pu là “tự phong” cho mình.

Và khi chưa có cách để “siết” lại chuyện “loạn ca sĩ tự phong”, thì khán giả là người có quyền lực cao nhất. Khán giả sẽ quyết định một giọng ca tồn tại hay không trên thị trường.

Theo Bích Ngọc (Báo Lao động)

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra