|
Những cây nghiến có đường kính 2 - 3m trong khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung |
Cách trung tâm thị trấn Na Hang hơn 7km, trên địa bàn 4 xã Khau Tinh, Sơn Phú, Côn Lôn và Thanh Tương, khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung (hay còn gọi là khu rừng đặc dụng Na Hang) là nơi bảo tồn được gần như nguyên vẹn các giá trị đa dạng sinh học của rừng Tuyên Quang.
Với diện tích trên 22.000 ha, khu bảo tồn có khoảng 68% diện tích là rừng ẩm nhiệt đới vẫn còn ở tình trạng nguyên sinh. Tại đây hiện còn lưu giữ được trên 2.000 loài thực vật, trong đó có nhiều loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam như: trai, mun, lát hoa, đinh, thông tre, hoàng đàn, trầm gió, đặc biệt là hàng trăm cây nghiến có đường kính từ 2 đến 3m sừng sững ôm lấy những khối đá vôi. Bên cạnh đó còn có 263 loài chim, 61 loài bò sát, 35 loài ếch nhái và 90 loài thú, trong đó có 13 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam như: voọc mũi hếch, voọc đen má trắng, gấu ngựa...
|
Đi thuyền ngắm cảnh trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang |
Nằm giữa những cánh rừng nguyên sinh của khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung là hồ thủy điện Tuyên Quang với chiều rộng lòng hồ khoảng 80.000ha. Đây là hồ thủy điện lớn thứ hai miền Bắc (sau thủy điện Hòa Bình). Đi thuyền trên hồ, du khách sẽ được tận hưởng bầu không khí trong lành, thoáng đạt và phong cảnh non nước bao la. Hai bên lòng hồ là những ghềnh đá, tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình. Dưới lòng hồ có rất nhiều loài tôm cá. Hình ảnh những chiếc thuyền với những mẻ lưới nặng trĩu cá tôm trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang đã trở nên vô cùng quen thuộc. Và chính nét đẹp đời thường, giản dị ấy đã hấp dẫn du khách mỗi khi đến với Tát Kẻ - Bản Bung.
Từ hồ thủy điện Tuyên Quang, du khách có thể đi thuyền đến thăm thác Pác Ban thuộc địa phận thôn Nà Pài, xã Vĩnh Yên. Theo truyền thuyết, con gái vua Thuỷ Tề trong một lần theo thuồng luồng lên trần gian dạo chơi đã gặp và đem lòng yêu một chàng trai nghèo, sống bằng nghề đốn củi. Vào năm trời hạn hán, dân làng Pác Ban đã lấy một quả bí đỏ và cắm một con dao cùn xuống vũng nước để giả làm quân thuồng luồng cổ đỏ đánh nhau với thuồng luồng cổ trắng nhằm cầu mưa. Khi cơn mưa lớn như trút, kéo theo thuồng luồng cổ đỏ và con gái vua Thuỷ Tề biến mất, chàng trai nghèo thương nhớ vợ than khóc ngày đêm, nước mắt biến thành dòng thác Pác Ban ngày nay.
|
Dòng thác Pác Ban vào mùa mưa |
Thác Pác Ban còn có tên gọi khác là thác Tát Tốc (tiếng Tày có nghĩa là thác Rơi) nằm ở độ cao khoảng 700m so với mực nước biển. Các khe nước nhỏ từ Bó Nặm (mỏ nước) chảy ngầm qua 3 hang Nậm Pan, Nậm Chang, Bản Chủ rồi hợp lại và tạo thành dòng thác Pác Ban gồm 9 tầng (5 tầng lớn và 4 tầng nhỏ). Vào mùa mưa, thác nước tuôn xối xả tung bọt trắng xoá. Mùa khô, thác trở nên hiền dịu với dòng nước chảy mềm mại trên những phiến đá rêu phủ xanh mượt. Hai bên thác là những khóm cỏ xanh, những cây phay, cây ôzô ngả bóng khiến cho khung cảnh càng trở nên thơ mộng, hữu tình.
Với vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ, kỳ vĩ tựa như một dải mây trắng giữa đại ngàn, thác đã được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng là Thắng cảnh quốc gia vào năm 2006.
Đến Na Hang, du khách còn có dịp ngắm rất nhiều dòng thác tuyệt đẹp khác như: thác Mơ, Nặm Me, Khuẩy Nhi, Khuẩy Dung… và hệ thống hang động với những nhũ đá muôn hình vạn trạng nằm ẩn trong lòng những dãy núi như: hang Bó Khả (xã Năng Khả), hang Phia Vài và động Song Long (xã Khuôn Hà), hang Nậm Trang (xã Sơn Phú), hang Phia Muồn (xã Sơn Phú)… Mỗi ngọn thác, mỗi hang động là một nét chấm phá độc đáo trong bức tranh non nước đa chiều, sống động của Na Hang.
|
Lễ rước dâu của dân tộc Dao tại Na Hang |
Na Hang là nơi tập trung sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Mông, Tày, Dao.... Mỗi dân tộc đều có những phong tục, tập quán phong phú, đa dạng mang bản sắc văn hóa độc đáo, riêng biệt. Đến đây, du khách sẽ bị cuốn hút bởi những điệu hát cọi, hát quan làng, hát ru, hát páo dung, hát giao duyên ngọt ngào, lắng sâu, da diết; được nghe tiếng kèn pí lè, kèn lá, xem điệu múa khèn của người vùng cao; hay ngắm nhìn những bộ trang phục rực rỡ sắc màu của các cô gái Dao đỏ, bộ váy áo chàm đen kín đáo của các cô gái Tày. Và khi mùa Xuân đến, các bản làng nơi đây lại tưng bừng lễ hội. Du khách đừng nên bỏ qua dịp tham gia lễ cấp sắc, lễ tơ hồng, lễ rước dâu của dân tộc Dao hay lễ hội lồng tồng của dân tộc Tày. Đó không chỉ là không gian lễ hội, mà còn là nơi trai gái bản làng hẹn hò để bén duyên nhau. Các chàng trai có cơ hội khẳng định tài năng của mình qua những môn thể thao như: tung còn, bắn nỏ, đẩy gậy. Còn các cô gái thì duyên dáng, thướt tha trong trang phục truyền thống với những điệu múa, điệu hát quyến rũ.
Du khách khi đến Na Hang sẽ có cơ hội thưởng thức những món ăn đặc sản núi rừng như: cơm lam, thịt gà nướng lá chanh, cá anh vũ, măng đắng chấm mẻ, rau rớn nôm, canh rau đắng, đặc biệt là rượu ngô được lên men từ lá cây rừng.
Mang vẻ đẹp tiềm ẩn của núi rừng Tuyên Quang, Na Hang có tiềm năng và thế mạnh để phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Na Hang được ví như “nàng tiên xanh” nổi bật giữa đại ngàn, là điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua của du khách khi đến với Tuyên Quang./.
Theo Phạm Phương (TTTTDL)