Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch, dịch vụ ở Khánh Hòa ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, đẳng cấp, đáp ứng cơ bản xu hướng phát triển của sự tăng trưởng lượng du khách nói trên.
Tuy nhiên, cái khó trong hoạt động du lịch của Khánh Hòa nhiều năm qua chính là vấn đề nhân lực. Tình trạng thiếu lao động chuyên nghiệp và nghiệp vụ cao khá phổ biến. Hiện tổng số nhân lực trực tiếp làm việc trong ngành Du lịch trên địa bàn tỉnh là 28.000 lao động. Dự báo đến năm 2020, toàn tỉnh có thêm 100/140 dự án kinh doanh lưu trú du lịch đăng ký đi vào hoạt động với quy mô trên 25.000 phòng. Với hệ số 1,05 lao động/phòng như hiện nay, toàn tỉnh cần thêm hơn 30.000 lao động trực tiếp trong hoạt động lưu trú, lữ hành.
Trên địa bàn tỉnh có 24 trường đại học, cao đẳng, trung cấp và 34 cơ sở dạy nghề. Tổng số sinh viên đào tạo hàng năm hơn 30.300 người, nhưng số tốt nghiệp các ngành liên quan du lịch chỉ có khoảng 2.000 người. Trong lúc nhu cầu lao động trực tiếp cần là 3.000 người/năm. Theo đánh giá của các sở, ban, ngành tỉnh Khánh Hòa, số nhân lực trên mới chỉ cơ bản đảm bảo cung – cầu khi có thêm sự bổ sung từ các địa phương khác. Trong tương lai, nếu không chủ động nguồn cung cấp nhân lực, Khánh Hòa có thể thiếu hụt nguồn lao động.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Đối với ngành Du lịch, nguồn nhân lực không chỉ thiếu mà chất lượng cũng còn nhiều hạn chế. Nhiều lao động còn hạn chế về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ. Nhiều nhà tuyển dụng lao động trong khối kinh doanh du lịch cho biết, ngoài việc thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, lao động phục vụ thường xuyên tại các cơ sở du lịch, đặc biệt ở các nhóm ngành: Lao động quản lý cấp cao và trưởng các bộ phận, bếp (đặc biệt là bếp trưởng), nhân viên phục vụ buồng phòng, hướng dẫn viên du lịch, lao động ngành Du lịch tỉnh Khánh Hòa còn “yếu” về chất lượng vì các doanh nghiệp hầu như phải đào tạo lại, từ 2 – 3 tháng.
Theo ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, vấn đề cấp thiết duy nhất mà các doanh nghiệp cần lúc này là chất lượng lao động. Chất lượng đào tạo cho ngành này vẫn chưa phù hợp với tiêu chuẩn mà doanh nghiệp đặt ra. Đa số các vị trí khi tuyển dụng đều thiếu kinh nghiệm làm việc; trình độ ngoại ngữ không sử dụng được và kỹ năng chuyên môn vẫn không đáp ứng thực tế. Vì thế, giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch vẫn chưa có mẫu số chung về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực.
Để tháo gỡ vướng mắc này, thiết nghĩ cần phải có sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của nhiều ngành. Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền đẩy mạnh việc phân luồng học sinh, khuyến khích học sinh học nghề để phục vụ ở các cơ sở du lịch trên địa bàn. Ông Phan Ngọc Bảo, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Trãi (thị xã Ninh Hòa) cho biết, việc định hướng cho học sinh được nhà trường thực hiện ngay khi các em vừa vào đầu cấp. Với nhóm nghề du lịch nói riêng, Nhà trường đã tạo điều kiện học sinh tham quan cơ sở vật chất, trải nghiệm cuộc sống học tập trong môi trường giảng đường đại học. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm được phân công tăng cường tư vấn cho học sinh và phụ huynh, giúp các em có định hướng nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường, sở thích và sở trường của mình.
Ông Trần Ngọc Tài, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Friendly Travel Nha Trang cho biết, để nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, công ty luôn có các chính sách tuyển dụng nghiêm ngặt: người lao động nếu chưa có kinh nghiệm phải đáp ứng cơ bản yêu cầu công việc, về lâu dài, sẽ tiếp tục được tập huấn nâng cao, gắn kết giữa đào tạo lý thuyết và kỹ năng thực hành nghề, kinh nghiệm thực tiễn và xử lý công việc chuyên môn. Đồng thời, hàng năm sẽ có các chương trình liên kết với các cơ sở đào tạo để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Về lâu dài, để có một giải pháp bền vững, ngành Du lịch và các ngành liên quan khác của Khánh Hòa cần phải xây dựng và thực hiện các chương trình “dài hơi”: Xây dựng hệ thống dữ liệu thống kê dự báo nhu cầu lao động, xây dựng mối liên hệ có trách nhiệm giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp sử dụng lao động…
Thời gian tới, Sở Du lịch Khánh Hòa phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các địa phương lên kế hoạch đào tạo lại, nâng cao trình độ ngoại ngữ, nghiệp vụ cho nhân viên các cơ sở du lịch; rà soát năng lực đào tạo, tái cơ cấu mạng lưới các cơ sở đào tạo du lịch, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên trong các cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, các cơ sở đạo tạo nguồn nhân lực cho du lịch ở Khánh Hòa cần quan tâm đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận với những thành tựu, kinh nghiệm phát triển du lịch ở khu vực và thế giới./.
Dương Thái