Để thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Chương trình hành động, trong đó xác định nghiên cứu xây dựng đề án tái cơ cấu ngành du lịch nhằm xây dựng thành phố Nha Trang và Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh trở thành điểm đến du lịch chất lượng cao, vươn tầm thế giới. Mục tiêu phát triển du lịch của Khánh Hòa là khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch biển - đảo trở thành thế mạnh của du lịch Khánh Hòa và là một trong những trọng điểm du lịch của quốc gia; phát triển các đô thị du lịch hiện đại, khu du lịch, điểm du lịch với các cơ sở dịch vụ cao cấp, đủ sức cạnh tranh trong khu vực châu Á.
Năm 2017, khách lưu trú trên địa bàn tỉnh đạt 5,5 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt trên 2 triệu lượt. Tiếp tục đà tăng trưởng, 6 tháng đầu năm 2018, du lịch Khánh Hòa đón 3,2 triệu lượt khách lưu trú, đặc biệt, lượng khách quốc tế đạt 1,5 triệu lượt, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm 2017, đưa tổng doanh thu hơn 12.000 tỷ đồng, tăng 34%.
Tuy nhiên, hoạt động du lịch Khánh Hòa còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng. Những vấn đề thường xuyên được nhắc đến là sản phẩm du lịch chưa đa dạng, phong phú; chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách; công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn nhiều hạn chế; sự phối hợp và tính chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao; nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu, vừa yếu; vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch chưa được phát huy… Nhìn nhận rõ những vấn đề này, cũng chính là một trong những biện pháp nhằm cải thiện, nâng cấp những mặt hạn chế, song hành với những bước đi mới, xây dựng mới.
Những kết quả đạt được trong thời gian qua đã mở rộng “cửa” để Khánh Hòa đủ tự tin và tiềm lực cho việc phấn đấu đến 2020 ngành du lịch của tỉnh đạt mục tiêu đón 8,5 triệu khách lưu trú, với 3,5 triệu khách quốc tế, đạt doanh thu 70.000 tỷ đồng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Với yêu cầu về môi trường du lịch, chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch ngày càng cao của du khách và sự cạnh tranh mạnh mẽ, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng theo hướng phát triển hài hòa các phân khúc thị trường nhưng phải đa dạng thị trường khách và phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp một cách đồng bộ... đòi hỏi Khánh Hòa phải có sự nỗ lực, chung tay giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự phối hợp tốt với cộng đồng doanh nghiệp dịch vụ du lịch trong nước và quốc tế.
Theo ông Trần Việt Hùng – Tổng Giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), cần quy hoạch Nha Trang không chỉ là trung tâm du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng số 1 vùng duyên hải Nam Trung bộ của Việt Nam mà sẽ ngang bằng những thương hiệu du lịch biển quốc tế của Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản. Khánh Hòa cần tập trung phát triển Nha Trang thành thành phố biển chuyên tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế; nâng cao tính chuyên nghiệp và quy mô tổ chức Festival Biển Nha Trang và nghiên cứu tổ chức các sự kiện diễn ra định kỳ. Khánh Hòa cũng phải chú trọng xây dựng các sản phẩm, sự kiện vui chơi giải trí, ẩm thực, các chương trình biểu diễn cùng các tiết mục văn nghệ đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam, văn hóa đặc trưng vùng biển Nha Trang.
Khánh Hòa có lợi thế rất lớn về giao thông, kể cả đường thủy, đường hàng không, đường sắt và đường bộ. Đối với đường thủy, cảng Nha Trang với chức năng là cảng biển tổng hợp, nay tỉnh chuẩn bị chuyển đổi công năng trở thành cảng biển quốc tế dành cho loại hình du lịch tàu biển quốc tế. Saigontourist lâu nay giữ vai trò quan trọng trong việc kết nối để mời gọi các tàu biển quốc tế đến Nha Trang. Doanh nghiệp này đã kiến nghị tỉnh Khánh Hòa đặc biệt quan tâm những hạn chế về nguồn xe vận chuyển khách tại địa phương chưa đủ đáp ứng; hướng dẫn viên số lượng ít và chất lượng phải đạt tiêu chuẩn yêu cầu của các hãng tàu biển; tăng cường tạo thêm điểm tham quan mới hấp dẫn.
Nha Trang có nhiều lợi thế trở thành trung tâm hội nghị, hội thảo mang tầm quốc tế, với lợi thế kết nối giao thông, nghỉ dưỡng biển, cùng việc tăng cường tổ chức nhiều sự kiện hấp dẫn… sẽ là lựa chọn của du khách về mô hình này. Cuối tháng 6 vừa qua, Công ty cổ phần Nhà ga quốc tế Cam Ranh đã khánh thành và đưa vào khai thác Nhà ga quốc tế tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư 3.735 tỷ đồng. Đây là nhà ga đầu tiên tại Việt Nam được đầu tư theo tiêu chuẩn 4 sao của quốc tế. Việc đưa vào sử dụng Nhà ga hành khách quốc tế đã giải quyết cơ bản tình trạng quá tải tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh vốn tồn tại nhiều năm nay khi chỉ có một nhà ga duy nhất dùng cho cả nội địa và quốc tế. Bên cạnh đó, sân bay Cam Ranh cũng sắp đưa vào sử dụng đường băng cất hạ cánh thứ hai trong vài tháng tới, giúp năng lực tiếp nhận hành khách thông qua cảng sân bay này tăng nhanh.
Tuy nhiên, du lịch Nha Trang nói riêng và Khánh Hòa nói chung không thể “đứng một mình”. Ông Trần Việt Hùng – Tổng Giám đốc Saigontourist cho rằng sản phẩm du lịch Khánh Hòa cần hợp tác chặt chẽ với các địa phương lân cận, đặc biệt giữa Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Lạt để tạo thành chuỗi sản phẩm trọn gói, có sự kết hợp các loại hình du lịch đô thị, du lịch nghỉ dưỡng biển và du lịch sinh thái vùng cao nguyên. Với tầm nhìn xa hơn, ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Phát triển kinh doanh Tập đoàn Crystal Bay gợi ý: Cần tạo nên một kỳ nghỉ bằng cả hai vùng di sản. Kết nối di sản thiên nhiên của vùng Đông Bắc với khu vực miền Trung, kết nối Vịnh Hạ Long với khu Thánh địa Mỹ Sơn và cả vùng văn hóa Chăm ở Nha Trang, Ninh Thuận.
Phát triển du lịch luôn gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giữ gìn cảnh quan, môi trường; phát triển du lịch mang tính bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, theo hướng nâng cao chất lượng, chuyên nghiệp, hiệu quả. Đây chính là một trong những mục tiêu quan trọng để nâng tầm chất lượng du lịch của Khánh Hòa./.
Dương Thái