Kỳ thi còn phù hợp?
Đây là câu hỏi được nhiều phóng viên đưa ra tại Họp báo thông báo kết thúc công tác coi thi THPT Quốc gia năm 2018 do Bộ GDĐT tổ chức vào chiều 27.6. Trước câu hỏi này, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GDĐT cho biết: “Chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 29 của BCH Trung ương Đảng về đổi mới toàn diện và căn bản giáo dục và đào tạo, trong các giải pháp trọng tâm được đưa ra thì giải pháp thứ 4 có nêu: “Đổi mới hình thức thi và xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hướng tổ chức kỳ thi ngày càng gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm tốn kém nhưng vẫn có kết quả tin cậy để làm căn cứ xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp”.
Từ cơ sở đó, Chính phủ ra Nghị quyết 44, trong đó có nêu đổi mới hình thức thi và xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hướng tổ chức một kỳ thi chung lấy kết quả để làm căn cứ xét tuyển. Trên cơ sở đó, chúng ta đã tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia. Từ năm 2015 đến nay, Bộ GDĐT phối hợp cùng các đơn vị, địa phương đã rất nỗ lực cố gắng, mỗi năm đổi mới một chút theo hướng hoàn thiện” - ông Trinh nói.
Bên cạnh đó, Điều 32 của Luật Giáo dục và Điều 34 Luật Giáo dục đại học cũng quy định phù hợp với các hình thức thi THPT đang triển khai. Tại thời điểm này, Bộ GDĐT đang vận hành theo Nghị quyết của Trung ương Đảng, Chính phủ, khuôn khổ của 2 Luật Giáo dục và Giáo dục Đại học.
Theo vị lãnh đạo này, Kỳ thi THPT quốc gia đã tổ chức được 4 năm và Trung ương đang thực hiện chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29. Trong đó, sẽ có sơ kết cụ thể về đổi mới Kỳ thi THPT quốc gia. Sau khi có sơ kết, tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 và ban hành chương trình sách giáo khoa mới sẽ có đủ căn cứ về lý luận và thực tiễn thì sẽ tiếp tục có những phương án phù hợp.
Từ các dẫn chứng trên, PGS-TS Mai Văn Trinh cho rằng: Tiếp tục thực hiện kỳ thi THPT quốc gia là phù hợp. Về vấn đề này, dưới góc nhìn cá nhân, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) cho rằng: “Về mặt hình thức, việc thi tốt nghiệp là làm đúng theo Luật Giáo dục. Hơn nữa, kỳ thi toàn quốc để đánh giá chất lượng phổ thông, tránh sự khác nhau giữa các vùng miền, giữa các trường. Mục tiêu xét tốt nghiệp sẽ giúp đánh giá đạt chuẩn của học sinh. Ai được tốt nghiệp ai không chỉ là kết quả, quan trọng hơn, nó còn đánh giá được việc dạy và học để từ đó điều chỉnh cách dạy, cách học và từ đó những nhà quản lý rút ra kinh nghiệm của mình trong công tác quản lý, đầu tư để đạt hiệu quả”.
Thí sinh dự thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia 2018 tại Hà Nội. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Đề thi dần phân hoá để đạt 2 mục đích
Kết thúc 3 ngày thi với 5 môn thi, nhiều học sinh, giáo viên, chuyên gia cho rằng đề thi THPT quốc gia năm 2018 quá khó và dài. Thậm chí, một số giáo sư ngành Toán và Hoá còn cho biết không thể giải hết đề trong thời gian quy định như tổng đề thi. Trước vấn đề này, ông Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, phụ trách Hội đồng đề thi - cho biết: “Nói về độ khó, trước hết phải nói về nội dung, Hội đồng đề thi đã thực hiện đúng theo công bố. Tất cả các nội dung thi đều nằm trong chương trình lớp 12 và lớp 11. Trong đó, 80-85% kiến thức chủ yếu nằm trong lớp 12; 20-15% kiến thức lớp 11.
Cấu trúc đề thi năm 2018 cũng được giữ nguyên, không thay đổi so với năm 2017, vẫn là 60% kiến thức cơ bản và 40% nâng cao. Dù cơ bản hay nâng cao thì kiến thức vẫn nằm trong chương trình học. Đối với các môn, kể cả bài thi tự luận như môn Ngữ văn luôn có 4 cấp độ câu hỏi từ dễ đến khó, với 4 cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao”.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết thêm: “Độ khó của đề thi phải nói cả một dải dài có các câu hỏi từ rất dễ đến câu khó một cách tuần tự để tăng cường độ phân loại đối với các thí sinh, vì vậy phải có một số câu hỏi được tăng độ khó lên. Nói như vậy có nghĩa là không phải tất cả đề thi khó mà chỉ có câu hỏi khó để phân loại thí sinh khá giỏi”.
Đại diện Bộ GDĐT cũng lý giải, so với năm 2017, đề thi khó hơn là điều hiển nhiên bởi nội dung mở ra cả lớp 11, rộng hơn về nội dung kiến thức hơn thì sẽ tăng độ khó lên. Thí sinh cũng đã được thông báo từ sớm ngay khi còn học lớp 11 chứ không hề bị động - ông Hồng cho hay.
“Một đề thi mà em nào cũng làm được hay không có em nào làm được thì không thể là một đề thi tốt. Vì thế, câu hỏi được phân bố từ dễ đến khó sẽ đánh giá sát hơn về năng lực thực sự của học sinh” - TS Sái Công Hồng nói.
Câu hỏi mở, đáp án cũng mở
Cách chấm đề theo hướng mở. Nguyên tắc chấm câu hỏi mở là câu hỏi mở thì đáp án cũng mở. Tất cả các phương án trả lời phải chỉ ra được tư tưởng, nội dung cơ bản của câu hỏi đó. Những vấn đề mới nhưng không trái với thuần phong mỹ tục của đất nước với các luật hiện hành.
|
Theo Lao động