Tác phẩm “Màu trời sông xuân” (trích thơ Hồ Chí Minh) do các thành viên CLB Thư pháp viết. Kích thước 8000 cm x 2000 cm; Acrilic trên cavas (ảnh: Minh Nguyệt)
Tác phẩm của Hoài An Nguyễn Văn Thanh (ảnh: Minh Nguyệt)
Triển lãm do Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Thư pháp là một bộ môn nghệ thuật cổ truyền của Việt Nam. Giá trị của loại hình nghệ thuật này không chỉ kết tinh trong các kỹ thuật vận bút, gian giá văn tự, bố cục phương pháp mà còn năm ở trình độ học vấn, cốt cách nhân phẩm, ở sự hàm súc của ngôn ngữ văn chương và tư tưởng triết học.
Triển lãm “Nét xuân” trưng bày các tác phẩm của 4 nhà thư pháp của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, gồm: Nguyễn Quang Thắng, Phạm Văn Tuấn, Nguyễn Văn Thanh, Trần Trọng Dương.
4 nhà thư pháp có tác phẩm trưng bày tại Triển lãm, từ trái qua: Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Văn Thanh, Trần Trọng Dương (ảnh: Minh Nguyệt)
Ông Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết: “Lấy cảm hứng từ bài thơ “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các tác phẩm thi ca về mùa xuân đất nước của các thi nhân nổi tiếng trong lịch sử như Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du…, các tác phẩm thư pháp thể hiện theo 5 thể chữ Nôm. Đây là một nỗ lực tiếp nối phong trào thư pháp Hán Nôm để khơi lại mạch nguồn di sản của văn hóa dân tộc”.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên phát biểu tại Lễ khai mạc Triển lãm (ảnh: Minh Nguyệt)
Phát biểu tại Lễ Khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cũng cho rằng, Triển lãm là một dịp để công chúng thưởng thức nghệ thuật thư pháp cổ truyền của dân tộc. Ông khẳng định: “41 tác phẩm của 4 nhà thư pháp là 41 bài ca chào đón mùa xuân. Các tác phẩm thư pháp cổ điển thể hiện sự trang nghiêm và gợi nhớ về những nét đẹp vàng son một thuở, truyền tải cảm xúc và hương sắc của Tết cổ truyền. Các tác phẩm theo lối Tiền vệ lại mượn những đường nét của chữ nghĩa để thực hiện những cuộc rọng chơi của nghệ thuật. Tất cả là sự tôn vinh vẻ đẹp truyền thống trường tồn của dân tộc ta”.
Ân Xuyên Nguyễn Quang Thắng giới thiệu tác phẩm "Màu trời sông xuân" (ảnh: Minh Nguyệt)
Chia sẻ tại buổi khai mạc Triển lãm chiều ngày 2/2, Thiền Phong Phạm Văn Tuấn – một trong 4 nhà thư pháp có tác phẩm trưng bày tại Triển lãm chia sẻ: Thư pháp là một sân chơi rộng, không chỉ ở trong nước mà hoạt động trên cả thế giới. Thư pháp tiền vệ không giới hạn ở việc cầm bút lông để viết mà nó đi vào thị giác. Chính vì vậy, thư pháp tiền vệ tương tác với nghệ thuật phương Tây, nghệ thuật Á Đông, đi ra một hướng riêng, không phụ thuộc vào đường nét chữ và đi theo hướng thị giác. Ví dụ, người xem có thể không biết chữ nhưng khi nhìn vào tác phẩm, hiệu ứng thị giác nó làm cho người xem thích thú. Tuy nhiên, ở trên tác phẩm ấy, nội dung những bức được viết là những vần thơ của Nguyễn Trãi, đón chào mùa xuân mới.
Thiền Phong Phạm Văn Tuấn trình diễn viết thư pháp tại Triển lãm (ảnh: Minh Nguyệt)
Đông đảo du khách thích thú ngắm nhìn các bức thư pháp tại Triển lãm (ảnh: Minh Nguyệt)
Cả du khách nước ngoài cũng rất hứng thú với các tác phẩm thư pháp (ảnh: Minh Nguyệt)
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, giảng viên Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn – người đầu tiên lập ra Câu lạc bộ Thư pháp của sinh viên năm 1995 nhận xét: “Triển lãm Nét xuân lần này là thành quả của một hướng đi về Thư pháp mang đặc sắc của Việt Nam. Hướng đi đó dựa trên 3 yếu tố: Sự thuần thục về thư pháp cổ điển (triện, lệ, hành, thảo); ngoài ra đưa vào đó nghệ thuật trừu tượng của thế kỷ XX để xử lý các không gian; kết hợp với cách tạo lớp, tạo màu trên nét bút Nho, tạo sắc độ khác nhau rất tinh tế, rất ngẫu nhiên, kết hợp với chủ đề mùa Xuân. Đây là thành quả của sự phấn đấu rất dài”./.
Hoàng Minh