Nghệ sĩ Chí Trung: Nghệ sĩ cứ đứng yên đã là một sự thụt lùi!

Thứ sáu, 13/10/2017 10:56
“Khán giả càng thờ ơ, nghệ sĩ càng phải nhiệt huyết. Chẳng lẽ lại đi dỗi hờn khán giả thờ ơ với mình trong khi chúng ta làm chưa tốt, chưa cố hết sức. Thế giới đang phát triển, nghệ sĩ chúng ta đứng yên đã là một sự thụt lùi rồi...” - NSƯT Chí Trung nói đầy suy tư về những khó khăn của sân khấu kịch phía Bắc, sau 3 tháng “ngồi ghế nóng” tại Nhà hát Tuổi Trẻ.
Nghệ sĩ không thể “sống mòn”, bám vào tiền ngân sách mãi!

Khi nhận quyết định làm Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, điều đầu tiên anh nghĩ đến là gì và sau 3 tháng ở vị trí này, ý nghĩ đó có thay đổi?

- Tôi thấy cứ làm giám đốc là khó rồi. Làm giám đốc nhà hát nghệ thuật lại càng khó, nhất là các nhà hát nghệ thuật dân tộc.

Thời điểm lên làm quản lý, tôi trăn trở một điều: Nếu cứ dĩ hòa vi quý, mọi người trong nhà hát sống chan hòa yêu thương nhau đã đủ chưa? Tôi tự hào với truyền thống của Nhà hát Tuổi Trẻ, chưa bao giờ xảy ra kiện tụng, hay tranh chấp gì.

Nhưng ai cũng có cuộc sống, ai cũng có gia đình để chăm lo và ước mơ làm giàu. Mà muốn làm được thì không thể để nhà hát đi theo nếp cũ, cứ ì ạch bán vài chục cái vé một ngày. Trước kia, tôi đi làm chỉ lo nuôi mình và vợ con, nay còn phải tìm cách nuôi 200 con người. Khó lắm chứ!

Trước nói chuyện với Chí Trung, hiếm ai “kéo khóa miệng” được. Giờ Chí Trung suy tư thế này… Cụ Tào Mạt nói không sai: “Đã làm quan thì thôi làm hề, mà đã làm hề thì thôi làm quan. Vì nếu làm cả hai thì quan dở mà hề nhạt!”.

- Được cái này thì mất cái kia, đã là lãnh đạo thì không còn nhiều thời gian tung tẩy đi diễn như trước. Giờ tôi quay cuồng với công việc từ sáng sớm đến 23h đêm. Làm đủ mọi việc từ giám sát và đốc thúc anh em làm nghề, đến việc đi nhặt từng cọng rác, kiểm tra từng cái ghế, hay nhà vệ sinh xem đã được dọn dẹp sạch chưa. Chỉ một điều khiến khán giả không hài lòng, có thể mất đi rất nhiều khách khác, vì người nọ truyền miệng cho người kia. Huống chi thời buổi bây giờ, một khán giả bỏ tiền ra mua vé đến xem là trân quý lắm.

leftcenterrightdel
 Nghệ sĩ Chí Trung.

Trên cương vị lãnh đạo, điều đầu tiên anh muốn thay đổi ở Nhà hát Tuổi Trẻ hiện nay là gì?

- Phải thay đổi từ con người. Chúng tôi đang thay đổi. Nghệ sĩ không thể “sống mòn” bám vào tiền ngân sách mãi được. Tôi vẫn nói với anh em nghệ sĩ ở Nhà hát Tuổi Trẻ rằng: Chúng ta như một con tàu đẹp. 39 năm nay trang hoàng cờ hoa lộng lẫy, đèn vẫn sáng. Trên con tàu đó có hơn 200 con người yêu thương nhau, đoàn kết, nhưng chúng ta đang đứng yên tại một cái ao làng.

Rồi qua năm tháng, con tàu đó bị hoen gỉ, xuống cấp, dù hằng năm vẫn được sơn sửa bằng nguồn tiền bao cấp, nhưng không thể cứ bằng lòng với điều đó. Thế giới phát triển, đi lên, chúng ta đứng yên đã là một sự thụt lùi rồi.

Các nghệ sĩ phía Bắc đang có một sức ỳ, nếu không muốn nói là thụ động, vì được bao cấp lâu quá rồi, nên tự chiều chuộng bản thân và không dám dấn thân làm một điều gì mới mẻ hơn để lôi kéo khán giả. Anh có nghĩ vậy?

- Nghệ sĩ phía Bắc quen với nếp nghĩ cái gì làm ra cũng có người xem. Và bây giờ chúng ta đang bị ngã ngựa, hóa ra chẳng ai xem cả. Đơn giản vì chúng ta làm ra những cái rất giống nhau, trung tính, nửa vời và không vì khán giả.

Tôi nghĩ rất đơn giản, nghệ sĩ chỉ là những người tái tạo cuộc sống. Chúng ta dùng tri thức để gửi cho khán giả những vở diễn, để họ chiêm nghiệm chứ không mơ cao xa là thay đổi được họ. Đã đến lúc phải vì khán giả thôi. Nghệ sĩ cứ bảo sản phẩm của anh hay lắm, hay mà không có người xem thì cũng vứt.

Tôi vẫn ví, nhà hát là một thánh đường và khán giả chính là tín đồ trong thánh đường ấy. Cứ coi nghệ sĩ là linh mục, là những ông hoàng bà chúa ở đó đi, nhưng ở dưới không có một tín đồ nào, hàng ghế khán giả không có một ai, thì linh mục giao giảng với ai và có ý nghĩa gì?

Khán giả phía Bắc nhiều khi không biết mình muốn gì!

Tôi thấy nhiều nghệ sĩ phía Bắc trăn trở việc sân khấu kịch ế khách, nhưng bao năm nay vẫn vậy. Trong khi sân khấu phía Nam thì rất sôi động!

- Phía Nam được lợi thế là có cầu, mà có cầu thì ắt có cung. Tức là khán giả có nhu cầu xem kịch.

Còn ở phía Bắc, không chỉ nhà hát, mà ngay cả nhà hàng cũng ế khách lắm. Nghệ sĩ ngoài Bắc đều phải vào TPHCM hoạt động và thành danh. Tại vì khán giả ngoài Bắc không hết lòng, nhiều khi không biết mình muốn gì. Đây là ý kiến chủ quan của tôi thôi. Có thể do đặc thù, đặc tính của vùng miền.

Cho nên nhiều khi, mình ta cố thôi chưa đủ. Ngay cả vợ chồng, anh cố mà ả thờ ơ, ả cố mà anh thờ ơ còn chả được một đêm vui trọn vẹn, huống chi có bao nhiêu khán giả, mỗi người một sở thích, một lựa chọn.

Nhưng không thể dỗi hờn khán giả vì thờ ơ với mình. Nghệ sĩ cứ phải làm và cố hết sức đi, đừng buông xuôi. Tôi vẫn nói với nghệ sĩ ở nhà hát của tôi là, chúng ta đang có lợi thế nhất cả nước, có 600 chỗ ngồi, có lượng khán giả thường xuyên, được trả lương, không phải lo gì cả. Bây giờ còn mỗi việc lôi kéo khán giả đến xem mà không làm được, thì chúng ta kém quá!

Và anh sẽ làm gì?

- Chúng ta có một sân khấu để so sánh là TPHCM, rất phát triển, sôi động và khốc liệt. Tôi phải dùng từ khốc liệt. Mọi người phải vào trong đó mới biết nghệ sĩ họ khổ thế nào.

Họ không có cơ sở vật chất, không có nhà hát, không được bao cấp tiền lương, được chi trả đến cả tiền điện như các nhà hát ở phía Bắc. Một bước thôi, một tiếng ho, một buổi tập luyện cũng mất tiền, vì cơ sở vật chất đều phải đi thuê. Nhưng chính vì thế tôi luyện nên những con người biết chiến đấu, họ phải nghĩ cách để tồn tại và phát triển.

Với Nhà hát Tuổi Trẻ, tôi cũng làm nhiều cách lắm. Tôi yêu cầu phòng thị trường nghiên cứu thị hiếu khán giả, xem họ cần gì. Nhiều khán giả nói thẳng với tôi rằng: Anh Trung ơi, chúng tôi đi làm mệt mỏi rồi, chúng tôi chỉ thích cười thôi, sao các anh cứ cho chúng tôi xem những vở mà phải nghĩ ngợi thế?

Có lúc tôi cũng dằn vặt là do mình làm kém quá, mình không biết tiếp thị, truyền thông, hay mang loa ra gõ ngoài đường để kêu gọi khán giả. Khi đi diễn tỉnh, chúng tôi có làm điều này, nhưng nó chỉ phù hợp với diễn hài kịch thôi.

Chẳng lẽ chấp nhận thực tế đó. Trong khi xu thế xã hội hóa nhà hát là tất yếu, sớm hay muộn các nhà hát phía bắc cũng phải “cai bầu sữa ngân sách”!

- Tôi nghĩ lúc này tất cả nghệ sĩ ở các nhà hát đều đang ngồi lại bàn, để tìm cách. Với Nhà hát Tuổi Trẻ, tôi nghĩ chỉ sân khấu ca nhạc mới mở khóa được trái tim xã hội. Vì thế, ngoài việc dựng các vở chính kịch, tôi đang quyết tâm xây dựng lại đoàn ca nhạc - điều đã từng làm nên danh tiếng cho nhà hát.

Một tháng qua chúng tôi đã bắt đầu khởi động dự án “Đồng hành 100 năm âm nhạc Việt Nam” với 24 đêm nhạc trong nhiều năm. Mở đầu là đêm nhạc Lam Phương đã ra mắt tối 25.8. Tới đây, là Lam Phương 2 diễn ra tối 29.9 tại Nhà hát Tuổi trẻ. Sau đó là đêm nhạc Phạm Duy ở Cung văn hóa Hữu nghị Việt - Xô vào tối 14.10. Chúng tôi sẽ đầu tư thật chất lượng, nói không với hát nhép, nhưng chỉ bán vé với giá bình dân.

Nhưng dù chuyển mình mạnh mẽ vậy, nhà hát cũng chưa thể sống được nhờ tiền bán vé đâu. Tôi vẫn phải dùng hết những mối quan hệ của mình để kêu gọi doanh nghiệp đồng hành. Như đêm ca nhạc hồi tháng 8, nhà hát lỗ mất hơn 137 triệu đồng, nhưng chúng tôi vẫn quyết định làm đêm thứ hai và sẽ không dừng lại. Con đường mới bắt đầu đi thôi, còn khó khăn lắm, nhưng phải làm nếu muốn tồn tại!

Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Theo Đặng Chung/Báo Lao động

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra