Còn với lãnh đạo các trường “điểm”, trường chất lượng lại phải thực hiện chính sách: Không tiếp, không nghe (điện thoại), không gặp, không ở nhà... vì phụ huynh tìm mọi cách “tấn công” từ nhiều phía.
Chính sách “nhiều không”
Nói về việc phụ huynh trông chờ, chầu chực để xin học cho con thì đúng là có muôn hình vạn trạng. Phụ huynh tìm đủ mọi cách để có thể lo cho con vào trường khiến nhiều lãnh đạo các trường rơi vào khó xử. Bà Văn Liên Na - Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh cơ sở 1, Tân Triều chia sẻ: Mỗi mùa tuyển sinh đến là tôi “mất ăn mất ngủ” vì phụ huynh chầu chực xin học cho con. Tưởng bà Na ví von như vậy thôi nhưng quả thực nghe câu chuyện xong thì là “mất ăn mất ngủ” đúng cả về nghĩa đen, nghĩa bóng.
“Mùa tuyển sinh đến là nhà tôi luôn ở trong chế độ tăm tối khi không dám bật đèn sáng hay loa đài, tivi vì sợ bị phát hiện là có người ở nhà. Cứ hễ có người đi ra đi vào nhà là phải nhanh chóng đóng sập cửa lại. Điện thoại cũng không dám nghe số lạ. Khi phụ huynh liên tục nhắn tin và gọi điện tôi đều nhắn lại là đang đi công tác không ở nhà, phụ huynh về đi đừng chờ nữa mà phụ huynh vẫn nhất quyết đợi. Đến 11h đêm, con tôi ngó và báo cho mẹ là phụ huynh đã về rồi. Lúc này, tôi yên tâm lái xe về nhưng vẫn bị “tóm gọn” vì thực tế phụ huynh không về mà chỉ di chuyển địa điểm để đợi.
Không chỉ bị “khủng bố” ở nhà, mà ngay cả ở trường, nhiều lãnh đạo trường cũng gặp nhiều tình huống khó xử. Bà Văn Liên Na kể tiếp, trong đợt tuyển sinh có phụ huynh từng là cựu chiến binh đến xin học cho cháu, người này đeo đầy huân huy chương trên ngực áo và nói về những hy sinh, đóng góp của ông cho đất nước chẳng lẽ muốn xin học cho cháu cũng khó khăn như thế. Hay có người đến gặp bà Na cứ nhận là họ hàng gần gũi, thân thiết của thầy Văn Như Cương.
Chung cảnh ngộ, một hiệu trưởng trường THCS công lập có tiếng khu vực Cầu Giấy kể lại: “Năm nào, mùa tuyển sinh phụ huynh cũng phục ở cổng nhà tôi để mong gặp xin học cho con. Có người bị từ chối mà vẫn ngày đêm ăn chực nằm chờ tại cổng nhà bao giờ gặp được thì thôi gây rất nhiều bất tiện cho gia đình. Chưa hết, có phụ huynh không gặp được trực tiếp còn cố tình mang gửi quà tặng qua đường bưu phẩm đến nhà. Tôi phải dặn người nhà hết sức cảnh giác và không nhận bất cứ đồ gì nếu không phải do gia đình tôi đặt hàng”. Thậm chí, vị này còn tiết lộ, phụ huynh không “chạy” được nhà trường liền “chạy” lên cả cấp trên để nhờ cậy xuống. Một học sinh thậm chí không chỉ nhờ 1 chỗ mà phải đến 3, 4 chỗ.
Nếm trải đủ các tình huống bị phụ huynh “vây” để xin học cho con nên ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) đã có những bí quyết riêng để có thể xử lý các tình huống. Ông Khang quan niệm: “Trong muôn vàn sự “chạy” ở cuộc đời này thì chỉ có “chạy học” cho con là đáng kính và đáng trân trọng nhất. Bởi bố mẹ nào cũng mong muốn điều tốt đẹp nhất đến với con. Dù bằng cách nào đi chăng nữa, ông bà, bố mẹ ở trường hợp này đều rất đáng được trân trọng. Bởi mỗi một phụ huynh đến với mình là họ đã đặt cả một sự tin tưởng và mong muốn điều tốt đẹp nhất đến với con mình. Vì thế, mỗi một phụ huynh, mỗi học sinh tôi đều rất trân trọng và đều cố gắng mang lại những điều thoải mái nhất đến với họ”.
Phụ huynh luôn tìm đủ mọi cách để có thể xin cho con vào học trường tốt nhất. Ảnh minh hoạ: HẢI NGUYỄN
Hãy chọn trường theo khả năng của con
Trường tốt hay không phụ thuộc vào năng lực của mỗi học sinh là quan điểm của Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Thanh. Theo ông Thanh: Bố mẹ thì ai cũng mong muốn con mình được vào học tập trong ngôi trường tốt nhất. Đây là tâm lý rất chung và mong muốn nhu cầu chính đáng của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, thực tế, phần đông phụ huynh còn đang chọn trường theo tên tuổi có sẵn từ trước mà chưa thực sự quan tâm đến khả năng phù hợp và thích ứng của con.
Từ đó, ông Thanh đưa lời khuyên: Phụ huynh cần xác định rõ ràng trường tốt. Liệu trường luôn có thành tích cao trong học tập và chú trọng kiến thức cho học sinh đã là trường tốt chưa hay là những trường chú trọng đào tạo ngoại khoá, hoạt động kỹ năng, bồi dưỡng cho học sinh phát triển toàn diện về năng khiếu thể chất kỹ năng mới là những trường tốt. Điều quan trọng nhất khi chọn trường mà phụ huynh cần nhớ đó là kết quả học tập của con không phụ thuộc quá nhiều vào ngôi trường con theo học. Kết quả học tập được xây dựng bằng năng lực cá nhân mỗi người học và sự quan tâm của bố mẹ. Thực tế, đã có những học sinh đạt giải quốc tế mà lại xuất thân không từ một ngôi trường danh tiếng nào cả. Vì thế, cách tốt nhất là chọn trường phù hợp với năng lực của con, kết hợp với sự quan tâm của nhà trường và phụ huynh để động viên con phát triển mỗi ngày - ông Thanh chia sẻ.
Đồng quan điểm, Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn - giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh - TPHCM) nhấn mạnh: “Nhiều người Việt vẫn luôn nghĩ “thương hiệu” của trường lớp chất lượng cao sẽ là sự khẳng định năng lực, sức học và cả tương lai của con trẻ, là niềm hãnh diện của bố mẹ. Chính từ suy nghĩ đó, phụ huynh lại đổ xô cho con đi thử IQ, học cấp tốc tiếng Anh để vượt rào đợt khảo sát đầu cấp. Vô tình, phụ huynh khiến đứa trẻ trở thành nạn nhân của cuộc đua để trở thành… người tài. Để rồi, khi có một xuất phát điểm kém hơn trong lớp, học sinh lại phải “học ngày không đủ, tranh thủ học đêm” để chạy theo các bạn. Điều này cũng gây nên những áp lực không nhỏ cho con trẻ. Vì thế, mỗi ông bố bà mẹ hãy có những lựa chọn sáng suốt để tránh tạo áp lực nặng nề cho con”.
Theo Lao động