Người Ba Na cầu thần Dúi mong no bụng, ấm thân
Thứ tư, 04/04/2012 11:54 (GMT+7)
Tích cũ truyền rằng, Dúi dù là loài gặm nhấm nhưng luôn gần gũi với con người, không như chuột phá hoại mùa màng, nên người Ba Na từ xa xưa đã coi đó là con vật linh thiêng, biểu tượng của sự cần cù, siêng năng lao động.
Đã thành tục lệ từ bao đời, mỗi năm một lần, đúng vào độ mùa vụ đang vượng là khi cây lúa trên rẫy bắt đầu trổ bông, ngậm hạt, cây rau trong rừng bén rễ lộc vươn, đồng bào Ba Na ở Đăk T'Re (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) lại háo hức bước vào lễ cầu thần Dúi với nguyện ước giản dị rằng: Cả năm sẽ được no bụng, ấm thân như loài Dúi.
|
Thanh niên nhảy múa trong lễ cúng thần Dúi. |
Sau khi hội đồng già làng thống nhất chọn được ngày để hành lễ thì nhà nào trong buôn cũng cần cắt cử người vào rừng săn bằng được 1 con Dúi, đồng thời chuẩn bị sẵn 1 ghè rượu cần. Đêm trước ngày lành, Dúi được mang ra thịt, làm sạch ruột, luộc chín rồi chủ nhà sẽ cắm thịt Dúi vào một que tre nhọn, dùng những hạt cườm đính lên lớp da, đầu que gắn một ngọn đèn sáp ong, một biểu tượng bông lúa và một mô hình cây cung với ý nghĩa xua đuổi những điều không may mắn.
Tinh mơ ngày lễ, chủ nhà dựng que tre có xiên con Dúi tại cây cột chính giữa, đốt đèn sáp ong kính cẩn mời tổ tiên, ông bà về dự lễ Dúi. Thủ tục này xong cũng là lúc mặt trời ló rạng đằng đông. Nghe tiếng báo hiệu là một hồi chiêng ngân dài, người chủ gia đình chọn một đứa trẻ nhanh nhẹn nhất cùng mình mang que tre xiên Dúi và ghè rượu tiến về phía nhà rông - nơi già làng đã ngồi chờ để tiến hành nghi lễ cúng Giàng.
Khi nghi lễ cúng đã xong, phần hội mở ra, các nhà mời nhau nếm thử hết một lượt rượu của từng nhà rồi vừa ăn uống vừa trò chuyện về mùa màng, con cái, chia sẻ kinh nghiệm làm rẫy, chăn nuôi. Những tiết mục hát múa, chơi trò chơi, tấu chiêng, diễn xướng, kể Khan... cũng nổi lên. Lễ hội Dúi cứ thế rạo rực suốt 2 ngày...
Theo Vinh Phúc/dân việt
tranthanhhuyen