NSƯT Chí Trung - Giám đốc Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ - nói vui với phóng viên như vậy, khi bàn đến câu chuyện số phận của những nhà hát đang trong tình trạng “chết yểu”, “sống mòn” ở Hà Nội hiện nay.
Nói vui, vậy mà nghẹn đắng, cay sống mũi. Nghệ sĩ ai cũng nhiệt huyết, sẵn sàng lao vào tập luyện đổ mồ hôi và cả máu trên sàn tập. Đổi lại khi công diễn, chỉ lác đác khán giả đến xem. Có khi phát vé miễn phí theo diện khách mời, vậy mà hàng ghế vẫn trống.
"Sân khấu ở trong chúng tôi vẫn huy hoàng và đầy đam mê như thế. Nhưng bây giờ, chỉ với chiếc smatphone, chiếc tivi, khán giả có thể mang cả thế giới về nhà, đủ các loại hình giải trí. Người ta không có nhu cầu đến nhà hát xem kịch nữa” – nghệ sĩ Chí Trung trăn trở.
Sống lay lắt nhờ "bầu sữa ngân sách"
Đìu hiu, vắng khách là thực trạng chung của nhà hát ở Hà Nội hiện nay. Một số sân khấu rất chăm chỉ ra vở mới, nhưng chỉ được 1 hoặc 2 đêm tưng bừng.
Ở Nhà hát Cải lương Hà Nội, dù có rạp Chuông Vàng với vị trí “đắc địa” ở phố Hàng Bạc nhưng “chưa khi nào rạp kín nếu như diễn bán vé!” - NSƯT Trần Quang Hùng, GĐ Nhà hát Cải lương Hà Nội thừa nhận.
Một số nơi, nghệ sĩ chấp nhận dựng vở chỉ để ra mắt 1 đêm, sau đó chờ những đợt phục vụ chính trị hay thi thoảng có hợp đồng tại cơ quan, đơn vị thì diễn tiếp.
Kể từ khi làm Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, nghệ sĩ Chí Trung chia sẻ đã tìm nhiều cách để kéo khán giả quay lại với sân khấu kịch.
Không bán được vé, nghệ sĩ sống bằng gì, nhà hát lấy tiền đâu để duy trì hoạt động?
Về điều này, NSƯT Chí Trung chia sẻ: Với các nhà hát trực thuộc Bộ VHTTDL, vẫn được cấp một khoản chi trả lương cho nghệ sĩ thuộc biên chế, ngoài ra còn có thêm kinh phí dựng vở. Với Nhà hát Tuổi Trẻ là hơn 1 tỉ đồng/năm.
Một số nhà hát khác 1 năm nhận được trên dưới 10 tỉ đồng tiền ngân sách, trong đó có khoảng 60-70% phục vụ việc chi trả lương cho cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên và 30-40% phục vụ việc xây dựng vở diễn, tác phẩm mới.
Trong khi các nghệ sĩ phía Nam phải nỗ lực rất nhiều, tìm đủ cách để làm sân khấu kịch sôi động trở lại, dù họ “ho một tiếng, một buổi tập luyện cũng mất tiền”, vì cơ sở vật chất đều phải đi thuê. Còn ở Hà Nội, cơ sở vật chất sẵn, nói như Chí Trung, tiền lương có người trả, điện có người đóng, nhưng tại sao lại đìu hiu?
Mà dùng tiền dân đóng thuế để là làm ra những sản phẩm không có người xem, đó là một sự lãng phí.
Theo Đặng Chung/Báo Lao động