Hát xoan được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: T.L
Bài Chòi và Hát Xoan được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Đầu tháng 12.2017, Unesco đã ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam tại Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại. Cũng trong tháng 12, Hát Xoan Phú Thọ chính thức được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây cũng là lần đầu tiên, Ủy ban Liên Chính phủ quyết định rút một di sản ra khỏi Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp để đưa Hát Xoan Phú Thọ sang Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lễ trao giải âm nhạc MAMA 2017 lần đầu tổ chức tại Việt Nam
Với chủ đề Giao thoa, đồng thời kỷ niệm 25 năm mối quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, MAMA lần đầu được tổ chức tại Việt Nam. Tối 25.11, lễ trao giải MAMA 2017 diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình. Đây là sự kiện có sự góp mặt của nhiều ngôi sao Việt và Hàn Quốc, trong đó có những nhóm nhạc nổi tiếng Hàn Quốc như Wanna One, Seventeen... Sự kiện này đồng thời còn được tổ chức ở Nhật Bản và Hongkong.
Phim “Em chưa 18” thu về 169 tỉ đồng, nhận giải Bông sen Vàng
Bộ phim “Em chưa 18” của đạo diễn Lê Thanh Sơn đã xuất sắc đoạt giải Bông sen Vàng tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XX. Mặc dù bị chê bai có nội dung nhạt nhòa nhưng không vì thế mà tác phẩm chịu “lép vế” khi đạt doanh thu hơn cả kỳ vọng - 169 tỉ đồng. Đây được coi là niềm mơ ước của bất cứ bộ phim điện ảnh Việt nào hiện nay. Ngoài ra, dàn diễn viên “Em chưa 18” đều là những gương mặt khá xa lạ với khán giả nhưng lại đạt “hiệu ứng” không hề nhỏ với giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất dành cho Kaity Nguyễn.
Lùm xùm cổ phần hóa Hãng phim truyện VN
Năm 2017, một trong những vụ việc tốn nhiều giấy mực báo chí nhất là cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Dư luận đặt câu hỏi, vì sao Ban Chỉ đạo cổ phần hóa lại lựa chọn đối tác chiến lược là TCty cổ phần Vận tải thủy (VIVASO) - một Cty không am hiểu về nghệ thuật điện ảnh để đặt niềm tin vào đối tác này vực dậy ngành điện ảnh nước nhà? Ngày 3.10, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra việc cổ phần hóa của Hãng phim truyện Việt Nam.
Quản lý văn hóa lộn xộn
Trước việc Cục Nghệ thuật Biểu diễn lạm quyền, chỉ đạo cấp phép hàng loạt ca khúc quen thuộc, kể cả “Tiến quân ca” và “Con đường xưa em đi”, Bộ VHTTDL phải xử lý vụ việc, thu hồi các văn bản không phù hơp và cho Cục trưởng Cục NTBD thôi chức.
Loạn tổ chức thi hoa hậu
Hoa hậu Đại dương 2017 - Lê Âu Ngân Anh. Ảnh: T.L
Tiếp đến, địa hạt cấp phép cho các cuộc thi nhan sắc cũng có nhiều kẽ hở dẫn đến bùng nổ các cuộc thi hoa hậu trong và ngoài nước, công chúng phát hoảng vì... không kịp nhớ tên người đẹp đăng quang và nhan nhản hoa hậu. Bên cạnh đó, các nhà tổ chức cũng tìm cách “lách” khi hết đổi tên cuộc thi lại đến chuyển địa điểm thi ra nước ngoài. Đáng ngại nhất là từ các cuộc thi này, nổi lên tranh cãi người đẹp có được phẫu thuật thẩm mỹ và nếu có thì được can thiệp ở mức độ nào? Vì quy định thì rõ ràng nhưng các quyết định xử phạt vẫn gây ngơ ngác, như trường hợp người đẹp Nguyễn Thị Thành phải trả vương miện Á hậu cuộc thi Hoa khôi Du lịch Việt Nam để đi thi quốc tế, còn tân hoa hậu Đại dương 2017 Lê Âu Ngân Anh lại ung dung yên vị, chỉ BTC là chịu phạt…
Vi phạm bản quyền trong âm nhạc không giảm
Trong lĩnh vực âm nhạc, hàng loạt sản phẩm như “Đâu chỉ riêng em” (Mỹ Tâm), “Ghen” (Min và Erik), “Ánh nắng của anh” (Đức Phúc)... bị nghi ngờ copy giai điệu từ nhạc nước ngoài. Mới đây, sau khi nhận phản hồi từ đại diện của nhà soạn nhạc Ivan Torrent (Tây Ban Nha) về việc sử dụng 2 đoạn hòa âm mà không xin phép trong MV “Sống xa anh chẳng dễ dàng”, ca sĩ Bảo Anh mới nhận sai sót và đóng 100 triệu cho đơn vị giữ bản quyền. Trước đó, Noo Phước Thịnh cũng phải gỡ MV “Chạm khẽ tim anh một chút thôi” do êkíp sử dụng một đoạn nhạc ngắn mà chưa xin phép.
Nạn tranh giả tiếp diễn
Vi phạm bản quyền cũng diễn ra tràn lan trong giới mỹ thuật, dưới nhiều hình thức. Mở đầu là vụ bức tranh sao chép tác phẩm The Young Beggar của họa sĩ Tây Ban Nha - Bartolomé Esteban Murillo - vẽ năm 1650 bị mạo danh Tô Ngọc Vân, 2 tác phẩm của Nguyễn Rô Hùng trong tay một nhà sưu tập bị xóa chữ ký và mạo danh Phạm An Hải, tranh Biển chết của Nguyễn Nhân vi phạm bản quyền ảnh chụp trên báo, tranh sơn mài An lạc của Nguyễn Trường An bị tố cáo đạo ý tưởng của Nguyễn Khắc Hân...
Theo Mai Ka - Minh Thi/Báo Lao động