Các thí sinh top 3 Hoa khôi Nam Bộ liệu có đi thi các cuộc thi nhan sắc khác? Ảnh: T.L
Trong nước quá đủ hạn ngạch
Trong năm 2017 đã có hai cuộc thi Hoa hậu (HH) chính thức được cấp phép là HH Hoàn vũ Việt Nam và HH Đại Dương. Tuy nhiên, cũng phải kể thêm cuộc thi HH Hoà bình quốc tế - Miss Grand International 2017 sẽ diễn ra trong tháng 10 tới tại Việt Nam. Nhiều người cho rằng vì là cuộc thi mang tính quốc tế nên không phải “xé rào” thành ba cuộc thi HH.
Ngay khi vừa khởi động, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đã nóng dần lên vì tính quyết liệt cũng như việc đăng ký của hàng loạt các thí sinh từ các cuộc thi người mẫu vừa kết thúc. Việc hàng loạt người mẫu từ cuộc thi The Face và Vietnam’s Next Top Model rầm rộ tham gia khiến nhiều người đặt dấu hỏi, liệu đây là cuộc thi nhan sắc hay người mẫu? Rõ ràng, các người mẫu thành danh vẫn chưa muốn dừng ở danh hiệu quán quân mà còn muốn đi xa hơn nhằm gặt hái thương hiệu cao hơn là Hoa hậu, như là một cách “đổi đời”.
Tiếp đó, cuộc thi HH Đại dương tuy không rầm rộ bằng, song cũng thu hút khá nhiều người đẹp từ các cuộc thi sắc đẹp trước đó cùng các cuộc thi ở các cấp địa phương.
Chính vì hạn ngạch đã hết, nên năm nay, cuộc thi Hoa khôi áo dài Việt Nam không được tổ chức và cũng sẽ biến mất từ từ, thay vào đó là các phiên bản của cuộc thi Hoa hậu thế giới Việt Nam dưới dạng chương trình truyền hình thực tế để chọn đại diện thi Hoa hậu thế giới. Ngoài ra có các cuộc thi Hoa khôi Du lịch quốc tế, Hoa khôi Nam bộ (đã tổ chức), Hoa hậu biển, Duyên dáng doanh nhân Việt, Hoa khôi Nữ sinh Việt Nam duyên dáng, Người đẹp Hạ Long, Người đẹp xứ Dừa, Người đẹp lễ hội làng Sen, Người đẹp phố biển Cửa Lò…
Đặc biệt, sau khi cuộc thi Hoa khôi doanh nhân 2017 gặp trục trặc trong việc xin giấy phép dẫn đến tạm ngừng và chỉ tổ chức đêm tôn vinh, BTC tiếp tục mở ra sân chơi mới - Nữ hoàng doanh nhân Việt Nam 2017. Khi được hỏi, BTC cho rằng đó là do gợi ý của đơn vị cấp phép. Người đẹp doanh nhân không phải chỉ so tài về nhan sắc chủ yếu mà còn về tài năng quản lý doanh nghiệp nên tên gọi “Nữ hoàng” phù hợp hơn là “Hoa khôi” (chỉ thiên về nhan sắc).
Theo nhiều chuyên gia, rõ ràng, với nhiều cách hiểu khác nhau về cụm từ “cuộc thi người đẹp quốc tế”, trong tương lai sẽ có rất nhiều cuộc thi hoa hậu “lách luật” như vậy để được tổ chức mỗi năm thay vì chỉ hai cuộc như quy định hiện hành. Sẽ có các cuộc thi tương tự kiểu Hoa hậu người Việt Châu Á, Hoa hậu người Việt Châu Á - Thái Bình Dương, Hoa hậu người Việt ASEAN... sẽ được tổ chức mà không vi phạm Nghị định 79 vì đã được “quốc tế hóa”.
Đại diện một công ty có thâm niên tổ chức các cuộc thi người đẹp cho hay, thay vì để các nhà tổ chức “lách luật” kiểu này, các cơ quan quản lý nên tính đến việc sửa lại Nghị định 79, không quy định cứng nhắc một năm chỉ tổ chức hai cuộc thi hoa hậu để phù hợp hơn với thực tế. Không nên hạn chế tên gọi cuộc thi “hoa hậu” hay “hoa khôi” mà quan trọng nhất là chú ý đến năng lực tổ chức của đơn vị đó thế nào.
Thi nhan sắc Việt rầm rộ ở ngoài nước
Vì bị hạn chế tổ chức, nên gần đây, các cuộc thi hoa hậu nở rộ ở nước ngoài, dù chỉ toàn người đẹp trong nước… đi thi.
Nếu kể tên các cuộc thi, không ít người sẽ nhầm lẫn vì rất khó nhớ hết các tên gọi như Hoa hậu Việt Nam thế giới, Hoa hậu doanh nhân thành đạt thế giới, Hoa hậu phu nhân thế giới người Việt, Hoa hậu doanh nhân thành đạt thế giới người Việt, Hoa hậu Quý bà Việt Nam thế giới, Hoa hậu phụ nữ sắc đẹp... Từ đó, một loạt người đẹp trong nước “lên ngôi” và được xướng danh. Và sắp tới, một số thí sinh lẫn người đẹp nổi tiếng trong nước sẽ tiếp tục tham dự nhiều cuộc thi khác như Hoa hậu doanh nhân hoàn vũ 2017 với tư cách là thí sinh lẫn giám khảo và đại sứ.
Một khi có quá nhiều cuộc thi, đến tên người đăng quang cũng không phải ai nhớ nổi, thì e rằng sẽ tạo tiền lệ cho việc loạn thi hoa hậu người Việt ở nước ngoài. Đến khi dễ dãi như thế, các cuộc thi nhan sắc trong nước sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Và tuy đi thi, gặt hát giải thưởng rầm rộ, song khi trở về các hoa hậu, á hậu đó không được công nhận mà lại dễ tạo ra ngộ nhận “ra ngõ gặp… hoa hậu”.