Đón Xuân này, lại nhớ… Xuân xưa
Hà Nội đang đón Tết bằng cái lạnh tê tái của mùa Đông, nhưng người dân Hà Thành vẫn náo nức chuẩn bị đón Tết với tâm trạng đầy phấn khích. Đường phố Hà Nội vốn đông đúc là thế, những ngày giáp Tết càng ồn ào và náo nhiệt hơn bởi những dòng người nối đuôi nhau đổ về các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại để sắm Tết. Trên những góc phố, đã thấp thoáng những chậu hoa mai, hoa đào…
Vâng! Hơi thở nồng nàn của Tết Nguyên đán truyền thống dân tộc đang đến rất gần. Tết của người dân phố cổ Hà Thành cũng có những điểm tương đồng với bao vùng quê Bắc bộ khác, nhưng vẫn có nét rất riêng mà chỉ những người dân sinh ra và lớn lên ở đây mới cảm nhận được… Sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hà Nội, ông Nguyễn Huy Quang (58 tuổi), phố Hàng Lược, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Cảm giác của tôi về Tết vẫn giống nhau, chỉ khác về cách tiếp cận”. Ông Quang cho biết, năm nào cũng như năm nào, ông đều thức qua giao thừa để nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước. Khoảnh khắc ấy với ông vô cùng linh thiêng và lắng đọng, đó là cảm giác thảnh thơi, phấn khởi khi kết thúc công việc của năm cũ và chào đón một năm mới với những nhiệm vụ mới đầy cao cả…
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ngày càng hiếm gặp những “cái lạnh tê người” trong đêm giao thừa, nhưng ông Quang vẫn không thể nào quên được dư vị của những mùa Xuân xưa cũ. Khi những chiếc lá vàng rơi lả tả bên thềm nhà, cách giao thừa vài ba giờ đồng hồ, mấy anh chị em hò nhau mang quần áo mới ra là, dù đó chỉ là manh áo sờn vai, hay chiếc quần tích kê anh trai để lại, chiếc khăn len mẹ đan, nhưng vẫn háo hức chờ đón sáng mùng một đến để được “xúng xính” diện ra phố khoe bạn bè. Ngày ấy, chiếc bàn bằng sắt dù cáu cạnh, han gỉ, được hơ nóng bằng hơi nóng của chiếc bếp củi nhưng vẫn được “trọng dụng”. Là xong rồi, những nếp nhăn lại đâu vào đấy vì chưa đủ độ nóng và không có mắc treo nhưng ai nấy đều cảm thấy phấn khởi…
Không chỉ mong mùng một để được mặc quần áo mới, ông Quang và đám trẻ dân phố cổ Hà Nội còn hồi hộp chờ đợi giây phút ấy nhanh đến để được bố mẹ, ông bà mừng tuổi. Ngày ấy, một hào tiền mừng tuổi chỉ đủ mua được một bát phở “không người lái” (không có thịt, chỉ có bánh phở và nước dùng), nhưng với ông Quang và lũ bạn lúc ấy “sao mà ngon đến thế!”. Vì nhà nghèo, đông con, có nhiều khi ông Quang đã phải giả vờ ốm để được ăn phở. “Bát phở lõng bõng nước, khi ăn hết cái rồi, đổ cả bát cơm nguội vào đấy ăn vẫn chưa đã… thèm”. Ngoài thú vui ăn quà, đám trẻ trâu phố cổ thời bao cấp chỉ biết dùng tiền mừng tuổi đi bộ ra chợ Bưởi, chợ Đồng Xuân mua gà, vịt về nuôi; đánh đáo ăn tiền; đi chùa; rồi ra Bờ Hồ xin chữ đầu năm, chứ không có nhiều trò tiêu khiển như bây giờ nhưng vẫn vô cùng thích thú – ông Quang bồi hồi nhớ lại…
Nếu như hồi ức về Tết Nguyên đán thời bao cấp của ông Huy Quang là “bộ quần áo cũ anh trai cho”, hay “bát phở không người lái”…, thì với bà Lê Thị Hạnh Hoa (62 tuổi), ở phố Hàng Bông, cứ mỗi độ Xuân về bà lại nôn nao khi nhớ về những ngày giáp Tết. Không khí chuẩn bị đón Tết của khu phố thì rộn ràng như ngày hội. Nhà nào, nhà nấy dọn dẹp, vệ sinh, trang hoàng để đón Tết. Trước cửa nhà nào cũng “sình sịch” nồi bánh chưng, mùi thơm của gạo nếp mới và thịt quện vào trong gió, bay khăp phố phường khiến ai nấy đều them thuồng. Ngày ấy, mọi người không đánh giá giàu nghèo qua đồng tiền, hay tài sản khác, mà xem xét qua số lượng bánh chưng nhà họ gói, hay lượng thịt mà họ đụng được. Và những chiếc bánh chưng, tảng thịt lợn được treo lủng lẳng trước hiên nhà như thể “khoe khoang” sự sung túc của mỗi gia đình.
Nghèo thì nghèo, bà Hoa cho biết, cứ Tết đến nhà nào cũng phải có bánh chưng, dưa hành, câu đối đỏ. Kỷ niệm mà bà Hoa nhớ nhất là những lần xếp hàng chờ mua thịt. Từ tờ mờ sáng, người ta đã hò nhau ra cửa hàng thực phẩm để xếp hàng mua thịt. Ngày ấy mỡ còn hiếm hơn thịt, và chỉ có Tết mới có mỡ để bán. Đến mùng một Tết mới được ăn thịt. 29, 30 Tết chỉ được ăn “đầu thừa, đuôi thẹo” của miếng thịt, lòng lợn… Đến tóp mỡ cũng không được ăn hết, mà cất vào cặp lồng ăn dần…
Nồng nàn hương Tết…!
Và trước Tết mấy hôm, bà Hoa nhớ như in cảnh mẹ con bà “chồn chân mỏi gối” đứng cả ngày ở cái ngõ nhỏ nhận gia công bánh quy trên phố chờ làm bánh. Từ sáng sớm, ngõ đã xôn xao tiếng nói, tiếng bước chân của các bà, các mẹ lỉnh kỉnh xách theo nào bột, nào đường, nào sữa đã được dành dụm rất lâu để có được mẻ bánh đón Tết. Nhà nào bột mỳ trắng thì bánh đẹp, nhà nào chỉ mua được bột mỳ thứ phẩm, mẻ bánh ra lò trông đến tội nhưng vẫn được đón nhận, hít hà, nâng niu. Giờ có hàng trăm, hàng ngàn loại bánh ngon, nhưng có lẽ những miếng bánh nằm ké khuôn bị xém cạnh, méo mó vẫn là ngon nhất. Bởi đó là hương vị của dành dụm, của chờ đợi, của khát khao và của cả tưởng tượng nữa…
… Mùa Xuân năm ấy, trong một buổi chiều muộn ngày cận Tết, cả nhà bà Hoa hoan hỉ khi bố bà chở về một cành đào thật to được chằng buộc kỹ càng sau yên xe đạp. Hóa ra trên đường đi làm về, qua làng đào bố bà thấy người ta chặt bỏ cành đào dáng đẹp nhưng nụ ké rắn đanh, cữ trời lạnh thế này khó nở. Thương cho cành đào Tết chưa về mà đã gánh phận hẩm hiu, bố xin. Cả nhà mình tíu tít, mẹ đong nước vào lọ, chị chụm củi hơ gốc, con lục tìm trong ngăn tủ của mẹ dăm ba viên B1 “bồi dưỡng” cho cành đào. Để rồi, sáng mùng một năm ấy thức dậy, mấy chị em bà Hoa bật reo mừng với những cánh đào bật nở, nhỏ thôi nhưng đích thị hồng đào trong làn khói pháo thơm thơm vẫn còn phảng phất ngoài phố đưa vào…
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Một kỷ niệm về Tết khiến người phụ nữ gốc Hà Thành không thể quên được đó là hương vị của chiếc bánh chưng con. Thường thì khi gói, bao giờ mẹ bà Hoa cũng gói một chiếc cho cô con gái út ít. Lớn lên một chút, khi tập tành gói bánh, bà Hoa tự gói cho mình một, hai chiếc bánh xinh xắn. Hương vị của những chiếc bánh này mới tuyệt vời làm sao. Còn nữa, sau khi cúng giao thừa, đôi chân gà cũng để dành cho gái út. Chiếc chân gà toàn xương xẩu và da, nhưng với tuổi ấu thơ của bà Hạnh, nó là niềm mơ ước rất lớn…
Ngót nghét vài trăm năm gắn bó với mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, dòng họ Trương đã chứng kiến không ít thăng trầm của lịch sử. Cho dù thế nào, họ vẫn không thể quên được hương vị Tết truyền thống của dân tộc nói chung và Hà Thành nói riêng. Để rồi, cứ mỗi độ Tết về, anh Trương Chí Quảng (48 tuổi), Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội cho biết, cả dòng họ nhà anh (cỡ đến cả trăm người) lại tề tựu đông đủ ở nhà thờ họ trên phố Hàng Đào để cùng tưởng nhớ về cội nguồn, sẻ chia, hàn huyên, tâm sự với nhau những chuyện buồn vui trong cuộc sống, việc làm ăn, kinh doanh sau một năm trời. Sáng mùng một, dù có bận bịu thế nào, họ lại tập trung về đó làm lễ rồi mới kéo nhau đi chúc Tết anh em, họ mạc, hay đi du Xuân trảy hội đó đây…
Và tất cả dư vị của ngày Tết tựu hết trong nồi nước mùi thơm ngát mẹ nấu. Không chỉ những người dân phố cổ, mà trong ký ức của mỗi người con Hà Thành, cũng như rất nhiều vùng quê Bắc bộ, những mệt mỏi, phiền toái, bụi đời đều sẽ xóa nhòa, tan biến sau khi được gột rửa bởi chậu nước rửa mặt bằng nước mùi này. Ôi mùi vị đó thật thơm tho, hấp dẫn và đặc biệt!
Cả một năm bận rộn với công việc, với bao áp lực; giữa xô bồ cuộc sống và sự bon chen, người Hà Nội mong muốn có một ngày được đắm mình giữa khoảng không gian tĩnh lặng, để được trở về tuổi ấu thơ, rũ bỏ những ưu phiền và toan tính. Vì thế, họ trân trọng, nâng niu cái giây phút được đắm mình giữa mênh mang đất trời, được giao hòa cùng thiên nhiên. Đó chính là thời điểm sáng sớm mùng 1 (từ 5-7h). Thời khắc đó, gần như tất cả các phương tiện, con người đều ngừng hoạt động. Cả thành phố rộng lớn là thế bỗng tĩnh lặng một cách lạ thường, chỉ còn đất trời mênh mông và linh thiêng…
Đó cũng chính là thời khắc ông Nguyễn Huy Quang cảm thấy thú vị nhất. Không biết bao nhiêu cái Tết đã trôi qua, nhưng ông vẫn một mình dậy sớm để được cảm nhận từng hơi thở của đất trời, cũng như niu giữ khoảnh khắc hiếm hoi mà ông gọi là “thành phố đang ngái ngủ” ấy. Vâng! Hà Nội vốn hào hoa và lãng mạn. Tết Hà Nội luôn có những dư vị rất riêng, rất đặc biệt. Và chỉ những người yêu Hà Nội, gắn bó với mảnh đất “địa linh nhân kiệt” này mới nhận ra điều tuyệt vời đó./.
Dương Thái