Nụ cười ‘tỏa nắng’ của phụ nữ Việt xưa trên báo nước ngoài
Thứ tư, 11/04/2012 06:59 (GMT+7)
“Màu đen bóng trên răng được người Việt xưa coi là chuẩn mực của cái đẹp”, trang Sina (Trung Quốc) bình luận về tục nhuộm răng từng rất thịnh hành ở nước ta một thời.
“Răng đen ai nhuộm cho mình/Cho duyên mình đẹp, cho tình anh say?” (Ca dao)
Cùng với tục ăn trầu, nhuộm răng đen tự bao đời đã trở thành nét văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc Việt. Theo năm tháng, phong tục nhuộm răng giờ đã không còn phổ biến, nhưng hình ảnh những phụ nữ với hàm răng đen bóng, bõm bẽm nhai trầu vẫn xuất hiện ở những làng quê, đặc biệt là vùng đồng bằng Bắc Bộ. Họ là chứng nhân lịch sử, là “kho tàng sống” còn lưu giữ nét phong tục độc đáo một thời.
Trong văn chương thì tục nhuộm răng và răng đen của người phụ nữ được tôn vinh như một nét duyên truyền thống. Và nét duyên ấy được thi vị hóa thành nụ cười “tỏa nắng” trong bài thơ nổi tiếng của Hoàng Cầm: “Những cô hàng xén răng đen, cười như mùa thu tỏa nắng” (Bên kia sông Đuống).
|
Tục nhuộm răng phổ biến trong các làng quê Bắc Bộ một thời. |
Nét đẹp và ý nghĩa văn hóa của tục nhuộm răng đen cũng có ấn tượng đặc biệt với truyền thông Trung Quốc. Mới đây, trang Sina.com.cn có bài viết bình luận về phong tục cổ xưa này của người Việt. “Người nhuộm răng đa phần là phụ nữ. Để có bộ răng đen bóng, họ phải chịu đau. Người Việt Nam xưa kia quan niệm, hàm răng trắng không phải là chuẩn mực của cái đẹp. Dù có sở hữu dung nhan hoàn mỹ, nhưng nếu hàm răng không đen bóng sẽ bị cộng đồng chê trách là thiếu đứng đắn. Thậm chí, dân gian xưa còn có câu: Răng trắng như răng chó. Theo tục lệ, nam nữ tới 16 - 17 tuổi sẽ tiến hành nghi thức nhuộm răng để làm đẹp”, trang này thông tin.
Mô tả về phương thức nhuộm, Sina bình luận: “Công đoạn này cũng lắm công phu, phức tạp. Vì thế, trong xã hội xưa thường xuất hiện những người thợ nhuộm răng chuyên nghiệp”.
Quả thực, người Kinh, người Dao, Thái hay Si La xưa đều rất dụng công để khiến bộ răng trở nên đen bóng, thậm chí giữ được sắc này trong suốt 20 năm đến 30 năm. Và thứ thuốc dùng để nhuộm được xem như vật gia bảo được người thợ giấu kín cho riêng mình, không để người ngoài tỏ tường công thức pha chế.
Trong suốt thời gian dài, răng đen cùng với tóc củ hành, áo the, quần vải hết sức thịnh hành trong xã hội. Mãi tới khi văn hóa phương Tây du nhập vào Việt Nam, phong tục này dần mai một. “Dù hiện nay những người có bộ răng đen đã hiếm gặp, nhưng nếu đến với các vùng quê Việt Nam, bạn vẫn sẽ trông thấy màu sắc đặc biệt này ở những phụ nữ cao tuổi. Khách du lịch rất thích thú và tôn trọng phong tục đặc sắc này của người Việt”, Sina khẳng định./.
Theo Baodatviet.vn
dotuanh