Nằm len lỏi trong những con khố cổ, phố Lãn Ông khiến người ta ấn tượng bởi mùi thơm đặc trưng, quyến rũ của các loại hương liệu, thảo mộc khô dùng làm thuốc mà dân gian vẫn thường gọi là thuốc bắc…
Lãn Ông vốn là tên tự đặt của một danh y nổi tiếng mà tên thật là Lê Hữu Trác (1720-1791). Quê ông ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương, nay thuộc tỉnh Hưng Yên. Ông ghép tên quê làm tên hiệu là Hải Thượng. Thân phụ ông là Lê Hữu Mưu từng làm Thượng thư Bộ Lễ. Lê Hữu Trác ngày nhỏ từng theo cha lên kinh đô Thăng Long học hành chữ nghĩa, võ nghệ. Tuy học giỏi, nhưng ông lại không muốn đi thi làm quan vì thấy cảnh triều đình quan lại hèn kém, thối nát, việc quan dễ liên luỵ tù đày, chém giết. Sau khi cha mất, ông không ở Kinh Kỳ nữa mà lui về ở quê mẹ tại làng Thượng Phúc, xã Tình Diễm, huyện Hương Sơn, nay thuộc Hà Tĩnh, nơi có danh y Trần Độc. Nhờ đó, ông đã theo học y dược, rồi vừa chữa bệnh giúp dân vừa nghiên cứu y học và viết sách, sáng tác văn thơ. Ông tự đặt thêm tên hiệu là Lãn Ông, nghĩa là ông lười, ghép thành Hải thượng Lãn Ông. “Ông lười” thực ra là ông chỉ lười làm quan, còn ngót bốn chục năm làm thày thuốc, ông đã chữa bệnh cho hàng vạn người, tìm ra nhiều cây thuốc quý, viết bộ sách “Y tông tâm lĩnh” được người đương thời cũng như mãi về sau đều đánh giá là bách khoa toàn thư về y dược học của thế kỷ 18.
Hồi bấy giờ, nhà Lê bị Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua, con cháu vua Lê và các đại thần chạy vào Thanh Hoá nhờ quan đại thần Nguyễn Kim, tổ của chúa Nguyễn, vua Nguyễn sau này, khôi phục triều chính. Nguyễn Kim sai con rể là Trịnh Kiểm đem quân sang nước Lào đón một người cháu Lê Thái Tổ về lập nên vua Lê Trang Tông. Sau khi Nguyễn Kim hàng tướng nhà Mạc, bị đánh thuốc độc chết, quyền hành rơi vào Trịnh Kiểm, vua chỉ là bù nhìn. Trang Tông chết, Kiểm lập thái tử Huyên làm vua Trung Tông, ở ngôi 8 năm thì mất khi mới 22 tuổi, không có con nối ngôi. Trịnh kiểm muốn nhân dịp này tự lập mình làm vua nhưng còn phân vân, liền sai Phùng Khắc Khoan đi hỏi trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, người nổi tiếng giỏi tử vi, tướng số, đoán thế sự. Trạng Trình khuyên Kiểm, bề ngoài hãy cứ tôn phò nhà Lê cho thuận lòng dân. Vì vậy, Kiểm đã đi tìm người nhà Lê là Lê Duy Bang về lập làm vua Lê Anh Tông nhưng thực quyền là Kiểm nắm. Trịnh kiểm kéo quân ra Bắc đánh thắng nhà Mạc, vua Lê phong cho Kiểm làm Thượng tướng Thái quốc công, tôn làm Thượng phụ. Kiểm đã nắm giữ mọi quyền.
Năm 1570 Trịnh Kiểm mất, được vua Lê suy tôn làm Minh khang Thái vương. Các con Trịnh Kiểm là Trịnh Tùng, Trịnh Cối, tranh giành quyền lực. Cuối cùng, Trịnh Tùng thắng. Sau khi thâu tóm quyền lực, Trịnh Tùng đem quân ra Bắc, đánh bại được nhà Mạc, khôi phục triều đình nhà Lê tại cố đô Thăng Long vào năm 1592. Sau đó, Trịnh Tùng đã sai sứ sang nhà Minh xin sắc phong cho vua Lê làm An Nam Đô thống sứ, buộc vua Lê phong cho mình làm Đô nguyên suý tổng quân quốc chính thượng phụ, tước Bình An Vương. Trịnh Tùng lập phủ riêng gồm đủ các lục phiên tương đương với lục bộ của triều vua, gọi là phủ Chúa, có toàn quyền đặt quan chức thu thuế, bắt lính, họp triều đình. Vua thực tế chỉ có mặt trong những dịp long trọng đặc biệt như tiếp sứ Tàu. Con Chúa Trịnh được quyền thế tập, cũng được gọi là Thế tử. Thấy mất hết quyền lực vua Lê Kính Tông mưu giết Trịnh Tùng, việc bại lộ, Tùng bức tử vua Lê thắt cổ chết, lúc đó mới 23 tuổi. Trịnh Tùng đưa thái tử Duy Kỳ lên ngôi vua là Lê Thần Tông.
Năm 1623, Trịnh Tùng mất sau 53 năm cầm quyền. Các con Trịnh Tùng đánh nhau tranh giành ngôi chúa. Mạc Kính Khoan nghe tin, từ Cao Bằng kéo hàng vạn quân xuống đánh cả vua Lê, lẫn chúa Trịnh. Trịnh Tráng, con Trịnh Tùng đem vua chạy vào Thanh Hoá, sau đó lại đưa vua trở lại kinh đô đánh thắng nhà Mạc, nắm giữ ngồi chúa. Các chúa Trịnh tiếp theo vững thanh thế, đặc biệt là Minh Đô Vương Trịnh Doanh (1740 – 1767) ban hành nhiều quyết định hợp lòng dân, quần thần và dân chúng ủng hộ nhờ chăm lo chính sự, ban hành chính sách cai trị chắc chắn, hoàn chỉnh. Minh Đô Vương Trịnh Doanh cho đặt ống đồng ở cửa phủ Chúa để nhận thư dân khiếu nại, tố cáo. Khi tuyển chọn, cất nhắc quan lại, Minh Đô Vương đều gặp trực tiếp hỏi rõ các việc, thử tài năng, vấn đạo đức, thấy có tài đức mới trao quyền chức, với các quan, chúa đều thưởng phạt công minh.
Tuy nhiên, sau Trịnh Doanh mất, Trịnh Sâm lên ngôi chúa là Tĩnh Đô Vương đã liên tục sai phạm, bỏ bê triều chính, lại quá mê mỹ nhân Đặng Thị Huệ, chuyển cô ta từ là người hầu của một cung phi thành phi, thành vợ của mình. Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm bị Đặng Thị Huệ lợi dụng, lộng quyền, tiêu phí xa hoa bằng tiền công quỹ. Chúa chiều Huệ hết lòng, mỗi năm cứ đến tết trung thu là tổ chức đêm Hội Long Trì với hàng chục chiếc thuyền cùng Đặng Thị Huệ và các cung nữ dạo chơi Hồ Tây. Hàng nghìn chiếc đèn lồng được treo trên thuyền và khắp bên đường. Trịnh Sâm gả con gái cho em Đặng Thị Huệ là tên du côn Đặng Mậu Lân, tên này lợi dụng vị thế phò mã của chúa Trịnh, gây nhiều tội ác khiến thế sự hỗn loạn. Vì quá ham ăn chơi, truỵ lạc, Trịnh Sâm hay đau ốm, nghe tiếng Lê Hữu Trác giỏi chữa bệnh, Sâm triệu ông vào kinh để chữa cho mình và cho con là thế tử Trịnh Cán.
Trong gần một năm sống ở kinh đô, Hải Thượng Lãn Ông đã mắt thấy, tai nghe lắm cảnh, nhiều chuyện vua quan sa đoạ, thối nát, ông đã ghi, tả, tập hợp lại thành một tập sách đặt tên là “Thượng kinh ký sự”. Đây đã trở thành một tác phẩm nổi tiếng ngay từ lúc bấy giờ cho đến tận ngày nay. Không những vậy, Lãn Ông còn nổi tiếng là người làm thơ giỏi. Thơ của ông đã được in thành tập riêng và in chung vào trong các tập “Thượng kinh ký sự” hoặc “Y tông tâm lĩnh”. Dù có tài làm thơ nhưng người đời vẫn nhớ ông nhiều nhất về những nghiên cứu y học và sự tận tình khám chữa bệnh cho dân. Cùng với Tuệ Tĩnh, Lãn Ông là một trong hai danh y bậc nhất nước ta, xứng đáng được người đời tụng tôn là Thần y đất Việt.
Vũ Huy Anh