12 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình:

Phát hiện và xử lý kịp thời hành vi bạo lực gia đình qua thanh tra, kiểm tra

Thứ ba, 06/10/2020 15:19
(ThanhtraVietNam) - Mặc dù vẫn còn những bất cập trong triển khai chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) cần được sửa đổi. Song, nhìn lại 12 năm Luật PCNLGĐ, công tác thanh tra, kiểm tra của các cấp, ngành chức năng đã góp phần quan trọng vào phát hiện, xử lý kịp thời, hạn chế bớt các hành vi BLGĐ trong xã hội.

Kịp thời gỡ vướng trong chính sách, pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), từ khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) năm 2007, qua 12 năm thi hành đã đạt được những kết quả trên nhiều mặt công tác. Trong đó, có việc triển khai nhiệm vụ PCBLGĐ; bố trí nguồn lực; hợp tác quốc tế; hỗ trợ tư vấn về PCBLGĐ cho tới công tác tuyên truyền.

Đáng chú ý, công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện khá hiệu quả từ Trung ương cho tới các địa phương. Cụ thể, tại Trung ương, hằng năm, Bộ VHTTDL trực tiếp chủ trì, phối hợp hoặc chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ tổ chức các đoàn kiểm tra định kỳ về tình hình thực hiện công tác gia đình trong đó có PCBLGĐ. Các cơ quant ham gia kiểm tra gồm các Bộ: Công an, Tư pháp, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ cùng các cơ quan đoàn thể…

Thông qua các đợt kiểm tra, đoàn kiểm tra của Bộ VHTTDL đã tiếp nhận các kiến nghị của địa phương về những khó khăn trong công tác phát hiện và xử lý người có hành vi BLGĐ, đặc biệt là các chế tài xử lý người có hành vi BLGĐ phải hiệu quả, có tính răn đe, giáo dục hơn thay vì phạt tiền như hiện nay.

Đoàn kiểm tra cũng đã tiếp nhận được những ý kiến về Mô hình PCBLGĐ tại cộng đồng đã góp phần hạn chế được nhiều vụ việc BLGĐ nghiêm trọng. Nhưng hiện nay chưa được quan tâm hỗ trợ về thông tin, tài liệu và kinh phí hoạt động.

Căn cứ kết quả và kiến nghị của Đoàn kiểm tra, Bộ VHTTDL đã kịp thời ban hành các văn bản nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong triển khai chính sách, pháp luật về PCBLGĐ như sửa đổi Thông tư 02/2010/TT-BVHTTDL; Thông tư 23/2011/TTBVHTTDL; làm việc với Bộ Tài chính để ban hành Văn bản số 355/BTC-HCSN hướng dẫn về kinh phí hoạt động của các Mô hình PCBLGĐ; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế phối hợp liên ngành, Tháng hành động quốc gia PCBLGĐ ...

“Nhìn chung, việc kiểm tra đã nắm bắt kịp thời, giúp các địa phương tháo gỡ những vướng mắc (chủ yếu là về kinh phí, nhân sự và tham mưu xây dựng văn bản), thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ công tác, nâng cao nhận thức và cách thức tiến hành các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực gia đình tại các địa phương. Nhiều tỉnh/thành đã xây dựng được cơ chế phối hợp tốt và đã vận dụng tốt các văn bản của Trung ương trong việc tạo kinh phí cho lĩnh vực gia đình. Một số nội dung khác cần phải phối hợp với các ngành, đoàn kiểm tra, báo cáo và tham mưu lãnh đạo Bộ để tiếp tục được giải quyết”. Báo cáo Bộ VHTTDL nêu rõ.

Trong khi đó, tại địa phương, ngành VHTTDL đã tiến hành công tác kiểm tra về công tác gia đình nói chung và PCBLGĐ nói riêng theo kế hoạch định kỳ 6 tháng, cuối năm và đột xuất, đồng thời kiến nghị, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý các vi phạm hành chính về lĩnh vực gia đình; giám sát, đôn đốc việc thực hiện chính sách, pháp luật ở các cấp. Thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực PCBLGĐ. Đáng chú ý, cho đến nay, chưa có báo cáo nào về vụ việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp trong lĩnh vực PCBLGĐ.

Điển hình Sở VHTTDL thành phố Đà Nẵng đã xây dựng bảng điểm kiểm tra đánh giá công tác gia đình và PCBLGĐ các quận, huyện nhằm đảm bảo việc thực hiện chức năng và nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCBLGĐ ở địa phương.

Kết quả kiểm tra, giám sát cho thấy, hầu hết các đơn vị cấp huyện, cấp xã có lập kế hoạch thực hiện công tác PCBLGĐ và khảo sát, thu thập, cập nhật thông tin về gia đình, PCBLGĐ. Đồng thời, thực hiện công tác duy trì nội dung sinh hoạt các câu lạc bộ và tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, Tháng hành động quốc gia về PCBLGĐ (Tháng 6 hàng năm), Ngày gia đình Việt Nam 28/6, Ngày Thế giới xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em 25/11...

Theo đánh giá chung, các cơ quan cấp huyện, cấp xã thực hiện nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả, tác động mạnh mẽ đến sự tham gia của người dân tại cộng đồng dân cư, góp phần làm giảm BLGĐ tại địa phương. Công tác xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về BLGĐ được quan tâm tổ chức thực hiện tại cộng đồng chủ yếu là góp ý, hòa giải, phê bình tại khu dân cư, phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền. Thậm chí, đã khởi tố hình sự những vụ cố ý gây thương tích, hành hạ người khác, hủy hoại tài sản, giết người.

“Các địa phương đã nghiêm túc chỉ đạo thực hiện các văn bản, chính sách về PCBLGĐ, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCBLGĐ; tổ chức thanh tra, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách, pháp luật ở các cấp; thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực PCBLGĐ. Chú trọng triển khai mô hình PCBLGĐ và địa chỉ tin cậy ở cộng đồng. Phát hiện và xử lý hành chính, hình sự một số trường hợp gây BLGĐ”, Bộ VHTTDL nêu nhận định.

leftcenterrightdel
 Một tiểu phẩm về phòng chống BLGĐ. Ảnh: baoquangninh

Xác định rõ những bất cập

Mặc dù đã đạt được mặt tích cực trên nhiều mặt công tác, song nhiều ý kiến thẳng thắn nhìn nhận các bất cập trong công tác PCBLGD. Trong đó, các quy định của Luật PCBLGĐ hiện hành chưa khuyến khích được xã hội hóa cho công tác phòng, chống BLGĐ, đặc biệt là hỗ trợ nạn nhân BLGĐ trong trường hợp khẩn cấp, cũng như các hoạt động phòng ngừa, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho nạn nhân và người có hành vi BLGĐ.

Trong khi đó, vấn đề biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có những đóng góp quan trọng cho công tác PCBLGĐ cũng chỉ được thực hiện vào các dịp tổng kết chương trình, kế hoạch cụ thể. Người tham gia PCBLGĐ khi bị thiệt hại về tài sản, thậm chí tử vong nhưng chính sách hiện hành chưa cụ thể nên việc hoàn trả tài sản bị thiệt hại trong trường hợp người gây thiệt hại không có khả năng hoàn trả hoặc hỗ trợ cho người tham gia PCBLGĐ khi bị tổn hại về sức khỏe, tính mạng cũng chưa được thực hiện.

Một thực tế khác là việc tham gia PCBLGĐ không chỉ nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe do nguy cơ bị người gây BLGĐ tấn công; những rủi ro khác trong quá trình thực hiện ngăn chặn BLGĐ như sang chấn về mặt tâm lý, tình cảm. Ngoài ra, công tác phát hiện, tố giác, ngăn ngừa, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về BLGĐ chưa được thực hiện đồng bộ, chủ yếu do nạn nhân tố giác. Các biện pháp xử lý vi phạm về PCBLGĐ như góp ý, hòa giải, phê bình tại cộng đồng, xử phạt hành chính chưa đảm bảo tính răn đe…

Sửa đổi luật theo hướng xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình

Sau 12 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, những yêu cầu mới từ thực tế thực thi chính sách đòi hỏi cần có những sửa đổi. Mới đây, ngành VHTTDL đã thực hiện lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để dự thảo sửa đổi Luật.

Theo đó, mục đích nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật PCBLGĐ hiện hành, đặc biệt là xử lý nghiêm người có hành vi BLGĐ, người vi phạm pháp luật trong PCBLGĐ, tăng cường các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ, nâng cao chất lượng của công tác hòa giải, thông tin tuyên truyền và khuyến khích xã hội hóa trong PCBLGĐ. Từ đó góp phần xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, để gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người.

 

Theo số vụ diễn biến qua các năm thì năm sau thấp hơn năm trước. Nếu như số vụ BLGĐ được tổng hợp năm 2009 là 53.206 vụ thì vào năm 2019 chỉ còn 8.176 vụ. 20 Tổng hợp số liệu do Tòa án nhân dân các cấp thực hiện từ ngày 01/7/2008 đến ngày 31/7/2018, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 1.422.067 vụ án ly hôn, đã giải quyết 1.384.660 vụ, đạt tỷ lệ 97,4%, còn lại 37.407 vụ đang trong quá trình giải quyết. Trong số 1.384.660 vụ án ly hôn Tòa án đã giải quyết, có 1.060.767 vụ xuất phát từ nguyên nhân BLGĐ như: bị đánh đập, ngược đãi; vợ hoặc chồng nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc; ngoại tình (chiếm 76,6% các vụ án ly hôn).

 

Oanh Hữu

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra