Phát triển bền vững du lịch xứ Thanh

Thứ năm, 21/06/2018 07:47
(ThanhtraVietNam) - Nhằm đánh giá tiềm năng, lợi thế, khó khăn của du lịch Thanh Hóa đồng thời tham vấn kinh nghiệm, giải pháp mang tính đột phá nhằm đưa ngành du lịch Thanh Hóa phát triển nhanh, mạnh, bền vững, mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa phối hợp với Báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức hội thảo trực tuyến "Du lịch Thanh Hóa đổi mới để phát triển bền vững".

Nhiều chuyên gia, diễn giả có kinh nghiệm đã  chia sẻ, đóng góp để Thanh Hóa có những giải pháp phát triển du lịch một cách nhanh và bền vững trong thời gian tới.       

Hầu hết các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng Thanh Hóa là tỉnh hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, là cửa ngõ kết nối các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ với hệ thống tuyến Quốc lộ 1A và đường mòn Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Thanh Hoá cũng có điều kiện phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất tốt, đây là điều kiện thuận lợi để Thanh Hoá thu hút được khách du lịch ngày một nhiều hơn. Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ 18 đã xác định phát triển du lịch là 1 trong 5 chương trình trọng tâm của tỉnh với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đến năm 2030 Thanh Hóa sẽ là một trong những trọng điểm phát triển du lịch của cả nước.

Thanh Hoá cũng là cửa ngõ kết nối Bắc Bộ và Trung Bộ, với hệ thống tuyến đường QL 1 và đường mòn Hồ Chí Minh. Mạng lưới giao thông thuận lợi, gần với các thị trường du lịch lớn như Hà Nội. Ngoài ra, Thanh Hoá cũng có điều kiện phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất tốt, cùng với đó là quy hoạch sân bay Nghi Xuân trở thành cảng hàng không Quốc tế Nghi Sơn đến năm 2025. Đây là điều kiện thuận lợi để Thanh Hoá thu hút được khách du lịch ngày một nhiều hơn.     

Hiện nay, tại Thanh Hóa đã có rất nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch, như tập đoàn FLC, Sun Group… Giai đoạn 2015-2017, Thanh Hóa đã có 18 dự án hạ tầng du lịch được triển khai, 61 dự án kinh doanh khu, điểm du lịch được cấp phép, với tổng vốn đăng ký lên đến 62.480 tỷ đồng. Tuy nhiên ngành du lịch của Thanh Hóa cũng đang đối mặt với rất nhiều thách thức trong việc cạnh tranh giữa các vùng trọng điểm du lịch của các tỉnh, thành khác trong khu vực và cả nước. Đặc biệt, tính “mùa vụ” và khả năng kết nối giữa các điểm du lịch, nghỉ dưỡng với các điểm du lịch thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa cũng như chất lượng nguồn nhân lực, hạn chế trong việc thu hút khách quốc tế... đang là những thách thức mà tỉnh cần tháo gỡ.     

Các chuyên gia đều khẳng định Thanh Hoá hội tụ đầy đủ điều kiện tổng hợp để phát triển đa dạng các loại hình du lịch và có những đột phá nhất định trong những năm gần đây. Các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến và đề ra một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho du lịch Thanh Hóa, đó là Thanh Hóa cần tập trung khai thác sản phẩm du lịch, gắn con người với văn hoá du lịch. Tỉnh cũng cần đầu tư nhiều hơn nữa cho hạ tầng du lịch và thu hút hơn nữa các nhà đầu tư phát triển du lịch tại Thanh Hoá.      

Đặc biệt, Thanh Hóa cần chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, chuyên môn sâu, các doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh dạn tham gia đầu tư kinh doanh du lịch tại Thanh Hóa, tập trung vào các khu du lịch trọng điểm, mang tính chiến lược nhằm phát triển dịch vụ cao cấp, hướng vào thị trường khách du lịch nghỉ dưỡng dài ngày và chi tiêu cao. Thanh Hóa cũng cần tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, có thế mạnh gắn với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên như: Sản phẩm du lịch biển đảo tại các khu du lịch trọng điểm: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Nghi Sơn - đảo Mê; du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng. Đồng thời, tỉnh cần tăng cường liên kết với các tỉnh, thành như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Bình, các tỉnh vùng Bắc miền Trung, Duyên hải Bắc Bộ và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng trong việc khảo sát, xây dựng các sản phẩm du lịch chung, đặc thù, liên vùng, nhằm phát huy lợi thế quốc lộ ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, Cảng Hàng không Thọ Xuân, Cảng nước sâu Nghi Sơn...    

 

leftcenterrightdel
Bà Vương Thị Hải Yến Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa 
  

Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đánh giá cao và ghi nhận những đề xuất kiến nghị của các diễn giả, các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp và mong muốn nhận được sự đồng hành của doanh nghiệp, nhà đầu tư, truyền thông trong quá trình phát triển của ngành du lịch Thanh Hoá.      

Thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa sẽ tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa một số giải pháp như cách thức quảng bá thông tin, thu hút khách du lịch, đặc biệt là tính kết nối giữa các điểm đến, tạo thời cơ bứt phá, tăng tốc, đưa du lịch Thanh Hóa phát triển tương xứng với tiềm năng và vị thế của tỉnh, sớm đưa Thanh Hóa trở thành điểm đến du lịch mang tầm quốc gia và quốc tế./.    

Dương Thái

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra