Phê bình sinh thái là một khuynh hướng trong nghiên cứu liên ngành, giàu tiềm năng, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng môi trường toàn cầu và trước những vấn nạn môi trường do quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa gây nên. Sự phát triển của phê bình sinh thái là một biểu hiện của sự gia tăng tương tác giữa nghiên cứu hàn lâm với các vấn đề thực tiễn của xã hội, giữa nghiên cứu văn học với các khoa học xã hội và nhân văn khác.
Hội thảo “Phê bình sinh thái: Tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu” tập trung thảo luận, làm sáng tỏ những bình diện quan trọng nhất của phê bình sinh thái với tư cách là một chuyển hướng đầy thích ứng của nghiên cứu văn học trong thời đại khủng hoảng môi trường.
Các đại biểu dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm (ảnh: Hoàng Minh)
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, GS. TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, Hội thảo thể hiện sự nhạy bén và tinh thần trách nhiệm của giới khoa học xã hội nhân văn, văn nghệ sĩ trong thời đại khủng hoảng môi trường.
Theo GS. TS Nguyễn Quang Thuấn, chính sự phát triển chóng mặt của khoa học kỹ thuật, của đô thị hóa diễn ra trên quy mô lớn và sự thiên lệch của chúng ta trong nhận thức đã làm tổn thương nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên.
Trong phát biểu đề dẫn, PGS. TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học cũng cho rằng, từ cuối thế kỷ XX, khủng hoảng môi trường sinh thái và nỗ lực khắc phục vấn nạn môi trường đã trở thành mối quan tâm mang tính toàn cầu. Do đó, phê bình sinh thái xuất hiện như một thức tỉnh, đặc biệt là sự tham dự của văn học.
“Hội thảo quốc tế Phê bình sinh thái: Tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu do Viện Văn học tổ chức chính là nỗ lực thiết tạo một diễn đàn khoa học thực sự dân chủ, mời gọi những bàn thảo, đối thoại về phê bình sinh thái, khẳng định ý nghĩa và ví thế của nó trong khoa học nhân văn hiện đại”, PGS. TS Nguyễn Đăng Điệp khẳng định.
Hội thảo đã nhận được hơn 100 tham luận của các tác giả đến từ các trung tâm nghiên cứu lớn trong và ngoài nước, trong đó có 14 tác giả nước ngoài. Đây là diễn đàn để các nhà nghiên cứu Việt Nam và thế giới trao đổi về diễn tiến của phê bình sinh thái trong thời gian gần đây; kinh nghiệm nghiên cứu văn học sinh thái; cơ hội và khả năng của phê bình sinh thái ở Việt Nam. Từ đó, đưa ra những đề xuất khoa học, phương thức hợp tác đa chiều giữa văn học và các bộ môn khoa học khác, giữa các tổ chức nghiên cứu và tổ chức xã hội, giữa Việt Nam và thế giới nhằm bảo đảm cho phát triển bền vững tại các quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam./.
Hoàng Minh