Phụ nữ đảm đang thời hiện đại!

Thứ năm, 01/08/2013 06:28
(ThanhtraVietnam) - Bạn nghĩ thế nào là một người phụ nữ hiện đại? Phụ nữ hiện đại rất sành điệu, rất thời trang và luôn nổi bật. Họ có kiến thức, có khả năng làm được hầu hết mọi việc, trong mọi lĩnh vực mà xưa nay chỉ có nam giới ghi danh, họ khiến cả cộng đồng phải nghiêng mình trước bản lĩnh của mình…Tuy nhiên chính vì mải mê vươn cao trong cuộc sống xã hội mà dường như họ quên mất một điều quan trọng, dù đó là điều cơ bản nhất của người phụ nữ: tự tay chăm sóc gia đình!

Thế hệ những người bà sớm hôm chỉ biết chăm lo cho gia đình, chồng con, chịu nhiều áp lực từ khuôn phép gia đình, vì thế họ không có nhiều thời gian cho những công việc ngoài xã hội. Thế hệ những người mẹ vừa đi làm, vừa phải chăm sóc chồng con, lo lắng cho gia đình hai bên, vất vả nhưng họ vẫn chu toàn. Và đến thế hệ chúng ta, những phụ nữ hiện đại tự tin, năng động, có đủ bản lĩnh để cạnh tranh với nam giới trong cả những lĩnh vực khó khăn nhất, nhưng cũng chính vì thế nên có nhiều phụ nữ quên mất rằng họ còn một gia đình cần bàn tay chăm sóc của họ. Một người phụ nữ không thể tự tay nấu một bữa cơm cho chồng con, nấu một chén cháo khi mẹ đau ốm có thể gọi là một người phụ nữ điển hình không? Chắc chắn là không, bởi một người phụ nữ, trước khi “giỏi việc nước” phải là người phụ nữ “đảm việc nhà”. Nhưng là những người phụ nữ thông minh, họ có đủ các cách để không phải làm nhiều mà vẫn “đảm”!

Kỹ năng chọn... quán

Chị Thanh nga chỉ là một nhân viên thiết kế đồ họa bình thường nhưng lại là một người biết về quán xá Hà Nội cực kỳ rành rẽ. Tất cả những quán ăn có không gian rộng rãi, thoáng mát, sạch đẹp, đầu bếp nấu ăn ngon, giá cả hợp lý thì càng tốt đều nằm trong bộ nhớ của chị. Mỗi cuối tuần, chị cần hỏi xem chồng, con thích ăn món "đặc sản" gì là... lên đường. Chị Thanh Nga kể rằng chồng chị vốn là người miền Nam nên anh không "càu nhàu" về chuyện ăn nhà hàng này mà còn tỏ ra rất hào hứng. Thực ra thói quen ăn nhà hàng có vẻ quen thuộc hơn đối với người miền Nam hơn người miền Bắc, nhưng bây giờ, rất nhiều gia đình ở Hà Nội cũng đang dần dần quen với nếp sống này. Chị Thanh Nga chia sẻ: Chồng mình "phục" kỹ năng chọn quán hơn là kỹ năng vào bếp của mình. Anh ấy nhiều lần nói rằng mình làm anh ấy "mát mặt" khi biết cách chọn quán để mấy gia đình, bạn bè tụ tập cuối tuần vui vẻ với nhau và nhất là khi ba mẹ anh ra Hà Nội chơi. Nếu nấu nướng ở nhà sẽ rất kích rích, mà với "tài" nội trợ cũng chỉ được chấm cỡ... 5 điểm của mình thì nấu cơm thường không sao, chứ động làm cỗ bàn chắc chắn sẽ "mất điểm ngay".

Anh Duy Phương, chồng chị Thanh Nga, thì cho rằng: "Không ai chọn quán khéo bằng vợ mình. Cô ấy biết được chồng con hay những người bạn của mình thích ăn món gì mà món đấy ở quán nào chuyên nấu món Hà Nội mà lại hợp khẩu vị người miền Nam để giới thiệu. Như thế vừa rất tình cảm, lại rất văn hóa. Mình nghĩ "kỹ năng" lựa chọn quán xá cũng là một điều rất cần thiết với người phụ nữ hiện đại. Nó vừa giúp họ tiết kiệm được thời gian và công sức vào bếp khá là mệt nhọc trong những dịp đặc biệt, và là một điểm công để bù lại chuyện họ quả thực là không giỏi giang bằng những người phụ nữ ngày xưa trong việc làm cỗ bàn".

Ăn hàng vì thương vợ

Cứ cuối tuần, YM của chị Mỹ Duyên, một chuyên viên IT tại Hà Nội, lại đỏ rực một dòng chữ: "Ai biết quán nào ngon "mách" tớ với". Không ít người "nhảy vào" hỏi dò "Cuối tuần sao không tổ chức "bữa tươi" ở nhà với chồng con mà lại hỏi hàng quán thế này!". Chị Mỹ Duyên thật thà: "Chồng con tớ thích ăn quán cuối tuần, chứ không phải là tớ lười nấu nhé! Chồng tớ bảo, thế mới là... thương vợ!".

Nhân một lần đi ăn quán cuối năm với vợ chồng chị Mỹ Duyên, anh Phan Nam, chồng chị mới "thổ lộ" rằng: "Nhìn vợ được ngày nghỉ mà cứ đầu tắt mặt tối đi chợ, vào bếp, mình thì chẳng giúp gì được mấy nên thấy... xót vợ lắm! Vợ mình nấu ăn ngon hẳn hoi nhé, nhưng nhà mình vẫn thích cuối tuần chọn một cái quán nào đấy để "dắt díu" nhau đi. Nói thật, cả tuần đi làm, tiếng là vợ chồng nhưng cũng chẳng có mấy thời gian bên nhau mà trò chuyện, lâu ngày không khéo quên cả cách "tán" nhau. Cứ tưởng ngày chủ nhật ở nhà làm "bữa tươi" là được gần gũi với nhau đấy nhưng nhiều khi cô ấy "bày vẽ" món này món kia xong là mệt phờ ra, dọn mâm rồi chả buồn ăn, lại mấy bố con hì hụi chén với nhau, chả vui vẻ gì. Xong lại lau lau dọn dọn, mất cả vui. Thế là mình "vận động" vợ, con đi ăn hàng cho khỏe mà lại vui".

Chị Mỹ Duyên thì cho biết "bí quyết" để chọn quán ngon cuối tuần của chị không hẳn là phải chọn những quán ăn ngon, hay quá quan trọng đến chuyện dinh dưỡng. "Gia đình mình "kết" những quán ăn rộng, thoáng, có "view" đẹp để bọn trẻ được thoải mái chạy chơi. Vợ chồng cũng có thời gian hàn huyên nhiều chuyện với nhau hơn. Còn thành thực mà nói thì chuyện ăn uống không phải là quan trọng nhất, kể cả là đối với bọn trẻ. Mình thấy nhiều gia đình cho con đi ăn nhà hàng mà cứ phải "canh me" xem bọn trẻ chúng ăn uống thế nào. Có nhà đi ăn hàng mà bà mẹ hay ông bố cứ cầm bát cơm chạy theo con khắp quán, rồi con không ăn thì quát tháo ầm ĩ cả lên, thật... mất lịch sự. Trẻ con ăn uống tưởng cầu kỳ chứ thực ra lại cực kỳ đơn giản. Con mình đến quán cứ chơi chán, rồi mới ăn. Chúng thích món gì thì ăn món đó. Nhiều khi không thích gì thì về nhà ăn bù cũng chẳng sao. Nhưng nói thật là nếu được cho chúng chủ động chọn nhà hàng, chọn món ăn và... chơi chán rồi ăn thì chúng ăn uống rất hào hứng và vui vẻ. Bố mẹ cũng đỡ mệt!"

Ăn... chực cũng hay

Chị Hoàng Yến, một doanh nhân kinh doanh hàng trang sức, thì nói vui là chị có cách "trốn bếp" theo kiểu ăn... chực. Hầu như tuần nào chị Yến cũng đưa các con về nhà ông bà nội, ngoại hay tổ chức "tụ tập" bạn bè ở một gia đình nào đó "ăn chực". Chị nói, vào bếp cứ phải đông người mới vui mà lại không mệt. Ngay cả tuần nào không "rủ rê" được ai thì chị cũng huy động cả nhà vào bếp hoặc đi ăn nhà hàng chứ không bao giờ "cam chịu" cảnh "lủi thủi" một mình trong bếp, "đánh vật" với nồi niêu, bát đĩa, mắm muối chỉ để "phục vụ bố con nhà nó".

Chị Yến cho rằng, mỗi tuần hay độ dăm bữa, nửa tháng lại "ăn chực" nhà một người thân nào đó thực ra rất... văn minh. Vấn đề là chị và gia đình, hay những người bạn thân không quá coi trọng chuyện bữa ăn, món ăn, mâm cao cỗ đầy gì mà là tạo ra một không gian ấm cúng để đại gia đình đoàn tụ hay những người bạn thân tụ họp vui vẻ. Nếu về nhà, chị Yến thường "book" với mẹ hoặc về được sớm thì chở mẹ cùng đi chợ mua các thực phẩm làm lẩu hay các món cuốn, vừa nhanh, vừa dễ ăn, không vất vả quá mà lại vui. Còn nếu là "họp nhóm" bạn bè thì thường tổ chức tiệc buffet hay BBQ. "Cả đám kéo nhau đi siêu thị, chọn vài món dễ làm rồi về xúm xít làm với nhau. Đơn giản mà vui. "Đám chồng" thì tha hồ mà ngồi tán chuyện mà "đám vợ" cũng không đến nỗi "đầu tắt mặt tối" quá. Mà mình nhận ra là kiểu này bọn trẻ con cũng khoái, vì chúng vừa được chơi, vừa được ăn. Thi thoảng lười thì "cả đám" góp tiền "share" rồi đặt một nhà hàng nào đó mang đồ đến. Ăn uống thì có gì là quan trọng đâu mà, vấn đề là gia đình hay bạn bè có điều kiện để gặp nhau thường xuyên hơn, cho cái tình nó đừng có nhạt đi".

Mua cơm "online"

Bữa cơm gia đình là một nét văn hóa rất độc đáo của người dân Việt Nam, là sợi dây vô hình gắn kết từng thành viên trong gia đình. Nhưng cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực, đặc biệt là sự thiếu thốn thời gian khiến “sợi dây” ấy, với không ít người, là sự trói buộc.

Chị Mỹ Nga, một nhân viên ngân hàng (phố Nguyễn Khang, Hà Nội) chia sẻ chân thành: “Sau một ngày bù đầu với công việc ở cơ quan, vừa tan sở lại quýnh quáng, vội vã chen chân vào các khu chợ đông đúc, rồi đau đầu lựa chọn thực phẩm sao cho vừa lành, vừa tươi, tất tưởi về nhà nấu nướng cho bữa tối kịp giờ và ngon miệng, nói thực, cảnh tượng ấy khiến tôi rất ngán. Nhiều hôm mệt quá, chỉ muốn “bắt” cả nhà đi ăn cơm hàng, nhưng nghĩ đến mấy vụ thịt ôi, cá thiu thì ghê quá. Nếu chỉ có hai vợ chồng chắc cũng nhắm mắt ăn bừa, nhưng còn ông bà và hai đứa trẻ con nữa, nên cũng khó…”.

Chị Linh Nhung (kế toán, phố Nguyễn Ngọc Nại, Hà Nội) cũng cho hay: “Nhà mình kỹ tính, dù có người giúp việc nhưng mình luôn phải tự tay nấu mới ăn được. Ra nhà hàng ăn thì không kinh tế, vả lại cũng không ấm cúng; hôm nào vội quá, mình dùng thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp thì hôm đó cả nhà 'lãn công', ăn rất ít vì hương vị không tự nhiên.”

Không ít chị em cũng có chung nỗi lo ngại như chị Nga và chị Nhung: họ vẫn muốn gia đình mình có một bữa cơm ngon lành nhưng không có thời gian nấu, nhất là những món cầu kỳ hoặc “bế tắc” trong việc chọn thực đơn. “Cứu tinh” của họ là… cơm "lười" – những món ăn mặn được một số cá nhân, hộ gia đình sản xuất tại nhà.

Thế là, thay vì phải “xông pha” vào chợ buổi chiều, căng mắt lựa chọn thực phẩm và mất hàng giờ chế biến, những người bận rộn chỉ cần gọi điện, vào web chọn món và đặt giao hàng tại nhà, chăm hơn một chút thì phi xe đến bếp homemade mà mình chọn để mua đồ ăn, thủng thẳng về nhà cắm nồi cơm, hâm lại thức ăn, thế là đã có ngay một bữa cơm nóng sốt, thơm ngon.

Ở hai thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, có khá nhiều “tín đồ” của trào lưu cơm "lười". Đương nhiên, song hành với trào lưu này là hình thức kinh doanh thức ăn homemade. Nếu như ở Hà Nội, Nhà hàng Bể Cá, bếp nhà Bio, bếp Trang Xinh, bếp Gió Mùa, bếp Hương Lý, bếp Zippy, bếp chay chị Hồng… là đình đám, sau đó có bếp “bà Chà”, mới hơn là bếp Món ngon của mẹ, bếp Munkitchen… thì ở TP.HCM, bếp của Phước và bếp Cơm Chiều Ngon đang “làm mưa làm gió” trong giới văn phòng và các chị em bận rộn.

Dạo qua các bếp, không khó tìm thấy lý do khiến họ có nhiều người hâm mộ đến thế. Không chỉ chạm trúng “huyệt” lười của chị em, các bếp còn tung ra nhiều món ăn cầu kỳ và mất thời gian đến mức ngay cả những bà nội trợ kỳ cựu nhất cũng phải nhún vai như: sụn sườn non chưng mắm tép, xôi chim bồ câu, ếch đồng xào măng, cá quả xào nấm, dạ dày om tiêu, chim bồ câu hầm… của Bếp “bà Chà”; giả cầy, bò cuốn lá lốt, chả mực, chả cá mối, ruốc nấm… của Nhà hàng Bể Cá; cá sông kho riềng, thịt kho dừa bánh tẻ, thịt heo ngâm mắm... của Bếp của Phước hay thịt bò kho gừng, sườn xào chua ngọt, cánh gà chiên các kiểu… của Cơm chiều Ngon. Không chỉ món mặn, ngay cả những món khai vị, món xào, món tráng miệng cũng được các bếp homemade chuẩn bị cho những khách hàng của mình.

Nhìn vào số lượng người theo dõi và ưa thích Facebook của các nhà bếp này mới thấy, trào lưu cơm lười đang lan rất nhanh. Các “tín đồ” của trào lưu này gần như liên tục truy cập vào tài khoản của các bếp và hưởng ứng các thông tin mới, gợi ý món, đặt hàng của bếp. Chủ Nhà hàng Bể Cá tiết lộ, chị có hơn 300 khách hàng thường xuyên, tương tự thế, “mối ruột” của Bếp “bà Chà”, Bếp của Phước, Cơm Chiều Ngon và các bếp homemade khác đã lên đến con số hàng trăm và vẫn đang tăng lên.

Anh Tiến Đạt, một người bị vợ “đồng hóa” thành tín đồ của trào lưu cơm "lười" ca ngợi: “Đồ ăn sẵn nhưng không hề công nghiệp, rất ngon, sạch sẽ và nhiều món đặc biệt.” Chị Khánh Vân cũng hào hứng kể về chuyện lười: “Nhiều hôm đi làm về mệt, đang sắp nản thì nhớ ra cứu tinh, thế là đặt ngay đồ ăn sẵn cho cả nhà.”

Tín đồ cơm "lười”

Cũng là thực phẩm chế biến sẵn, nhưng sỡ dĩ các bếp homemade làm các tín đồ cơm "lười" mê mệt và sẵn sàng chi trả cho mức giá đắt hơn thị trường khá nhiều, dao động từ 10% - 60% là bởi chất lượng của các bếp, theo người tiêu dùng đánh giá, là cao hơn hẳn so với cơm hàng. Chị H.N thích thú kể: “Lần đầu mua thức ăn sẵn của bếp về, thú thực mình còn hơi sợ bị chê là lười, nhưng rồi đồ ăn siêu ngon, đậm đà đến mức, cả nhà ăn hết veo, ai cũng khen, lại còn ủng hộ mình lười nữa chứ!” Cũng như những “người cùng hội” của mình, chị N. mê mẩn thức ăn của các bếp homemade vì sự sạch sẽ và yên tâm về nguồn gốc thực phẩm, nhất là sự đồng đều trong từng “mẻ” thức ăn.

Cùng với sự ngon, an toàn cũng luôn là thứ các chị em “soi” nhiều nhất khi chọn mua thực phẩm nấu sẵn. Chủ bếp Munkitchen quả quyết: “Tất cả các nguyên liệu tươi ngon đều được chính tay tôi lựa chọn từ sáng sớm tại các chợ lớn như chợ Hôm, chợ Thành Công, chợ Hàng Da, được sơ chế với nước máy sạch sẽ, chế biến vệ sinh trong nhà bằng bếp ga, xoong inox, chảo chống dính”.

Chị Lan Anh, người khởi xướng Cơm Chiều Ngon cũng cho hay, hiểu nhu cầu của những chị em bận rộn và cũng hiểu sự khó tính của khách hàng, tất cả các món ăn tại bếp đều được chế biến từ thực phẩm tươi sống hoàn toàn, nấu chín tại bếp gia đình bởi những người nội trợ kỹ tính và muốn giữ hương vị truyền thống trong gia đình. Món ăn cũng được giao ngay sau khi vừa nấu xong.

Điều làm những người mê cơm "lười" yên tâm nhất là họ không sợ bị ăn thức ăn cũ, bởi các bếp luôn… kiêu, chỉ nấu một số lượng phần ăn hạn chế cho mỗi món hoặc theo đặt hàng của người mua. Có khi khách hàng phải “xí” trước cả tuần mới được nhận món yêu thích, vì các món ăn đều được làm rất kỹ theo những công thức gia truyền và quy mô gia đình nên không bao giờ có thể đủ nhiều để phục vụ nhu cầu của khách hàng hoặc bị thừa ra. Một số chủ bếp khẳng định, họ muốn thức ăn giữ đúng vị gia đình và không công nghiệp hóa nên dù đắt hàng, họ sẽ hạn chế mở rộng sản xuất.

Với những khách hàng tiềm năng còn đắn đo việc có nên hay không gia nhập trào lưu cơm lười, một số bếp còn hào phóng giới thiệu cặn kẽ về nguồn gốc, cách thức, quy trình chế biến thực phẩm bằng những hình ảnh trực quan và những bài viết về món ăn rất hấp dẫn. Sự hưởng ứng của những khách hàng “ruột” với những thông tin này cũng phần nào lôi cuốn người khác chú ý hơn đến các bếp. Tự tin hơn, nhiều bếp sẵn sàng mời những người còn hoài nghi đến xem quy trình nấu nướng của họ mà không cần thông báo trước. Một chủ bếp tiết lộ, không ít người đã “ngã lòng” sau vài lần tham quan và thưởng thức món ăn của bếp.

Trào lưu ăn cơm "lười", ngó qua có vẻ như một sự “cổ xúy” cho những phụ nữ hiện đại không muốn mất thời gian cho việc bếp núc, nhưng với không ít người, lại là một sự giải phóng. Xu hướng tiêu dùng này, ít nhiều đã tặng cho họ cơ hội được nghỉ ngơi, thư giãn và dành thời gian cho bản thân nhiều hơn mà vẫn chăm sóc chu đáo cho bữa cơm của cả nhà.

Thu Hiền

 

nguyenthuhang
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra