Quyết tâm bảo tồn nghề gốm Cậy truyền thống

Thứ hai, 25/09/2017 08:48
(ThanhtraVietNam) - Gốm Cậy ở huyện Bình Giang, Hải Dương là nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời. Ở thời hưng thịnh, gốm Cậy được đánh giá mang tính nghệ thuật cao, tạo nên một dòng gốm men riêng biệt sánh ngang với các làng gốm cổ như Thổ Hà, Phù Lãng, Chu Đậu, Đông Triều, Bát Tràng... Tuy vậy, hiện nay, làng gốm này đang bị mai một cần được bảo tồn để giữ lại một dòng gốm truyền thống.

Nghề gốm, sứ ở làng Cậy, xã Long Xuyên, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương ra đời cách đây khoảng 500 năm. Từ xa xưa, người thợ gốm Cậy lấy đất sét ở hai bờ sông của làng làm gốm. Loại đất sét này rất mịn, tạo ra sản phẩm gốm óng chuốt. Sản phẩm truyền thống của gốm Cậy đều được vuốt bằng tay, những họa tiết được đắp nổi hết sức tinh xảo. Ngày nay, nguồn đất sét ở quê cạn kiệt, người thợ gốm Cậy phải dùng đất sét cao lanh khai thác tận Đông Triều, Quảng Ninh để sản xuất. Sản phẩm gốm Cậy rất đa dạng, gồm: bát, đĩa, ấm, chén, bình hoa...; đặc biệt là loại gạch lớn được nung rất khéo. Gạch của làng Cậy chín già, có kích thước lớn, thường được dùng làm chân kê cột đình, cột chùa và lát các lối đi trong đình, đền.  

leftcenterrightdel
 Một góc trưng bày của nghệ nhân Vũ Xuân Năm

Điều làm nên sự khác biệt của dòng gốm này chính là men gốm Cậy. Để tạo nên men gốm, người thợ phải dùng đất sét cao lanh, nghiền lẫn cùng tro trấu, tro củi lọc kỹ. Men gốm Cậy thường là men màu lam nhạt mang phong cách khác hẳn với gốm Thổ Hà, Bát Tràng… Từ cách tạo men này, người thợ làng gốm có thể chế ra đa dạng màu men như: xanh cốm, xanh lam, nâu đất, hồng... Bảo tàng cổ vật Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hiện còn lưu giữ một bình gốm hoa lam của làng Cậy.  

Thu nhập từ nghề làm gốm không cao nên những người còn gắn bó với nghề này xuất phát từ tình yêu với gốm Cậy. Nhiều gia đình đã bỏ nghề gốm đi tìm công việc khác có thu nhập tốt hơn. Nhiều nghệ nhân gốm sứ Cậy lần lượt bỏ nghề vì không cạnh tranh được với thị trường trước các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội), gốm sứ Chu Đậu, Minh Long, sứ Trung Quốc... Hiện nay, chỉ còn một số ít hộ trong làng Cậy còn theo đuổi, bám trụ với nghề.   

Nghệ nhân Vũ Xuân Năm, một trong số ít người trong làng Cậy còn theo đuổi, bám trụ với nghề tự hào: Gia đình ông làm nghề gốm sứ đến nay là đã truyền qua 9 thế hệ. Các con của ông vẫn đam mê và theo đuổi nghề gốm. Sau hơn 50 năm theo nghề, ông đã nắm giữ nhiều bí kíp gia truyền để tạo ra những sản phẩm đặc sắc, đặc trưng của gốm sứ truyền thống quê hương. Ông cho biết: gốm Cậy mang đặc trưng khác các loại gốm khác là chủ yếu dùng đất sét và đốt bằng củi nên nó ánh hơn; đất sét không có hóa chất nên rất an toàn, không ảnh hưởng đến người dùng. 

Đối với gia đình ông Năm, việc tiếp tục duy trì, lưu truyền nghề sản xuất gốm sứ truyền thống này không đơn giản vì lợi ích kinh tế mà còn là giữ gìn tinh hoa nghệ thuật mà ông cha bao đời truyền lại, là niềm tự hào về một dòng gốm cổ lâu đời. Ông Năm luôn trăn trở để có thể mở lớp truyền nghề cho những người có đam mê; đồng thời, mở rộng cơ sở sản xuất và có phòng trưng bày ngay tại thôn Cậy nhằm tuyên truyền cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ trong vùng tự hào về nét đẹp trong sản phẩm truyền thống. Lòng nhiệt huyết, quyết tâm gắn bó duy trì với nghề gốm của gia đình ông Năm và một số hộ gia đình trong làng đã đem lại sức sống cho gốm Cậy. 

Xã Long Xuyên, huyện Bình Giang và tỉnh Hải Dương đã có nhiều giải pháp để gìn giữ, phát triển nghề truyền thống này. Những năm trước đây, làng nghề có hàng trăm hộ sản xuất với hàng trăm lò nung gốm. Vì khó khăn tìm đầu ra cho sản phẩm, nhiều hộ sản xuất không tiếp tục với nghề, chuyển sang nghề khác với mức thu nhập cao hơn. Hiện nay, toàn xã chỉ còn 3-4 hộ còn tiếp tục, mỗi hộ cũng chỉ có 5-6 thợ còn gắn bó sản xuất gốm Cậy.  

Làng nghề gốm Cậy đã được tỉnh Hải Dương công nhận là làng nghề truyền thống. Gốm Cậy đã có được thương hiệu riêng nhưng số người theo nghề gốm trong làng ngày một giảm. Đứng trước nguy cơ mai một của làng nghề truyền thống, các cơ quan chức năng cần có biện pháp cụ thể và tích cực để bảo tồn, gìn giữ, phát triển làng nghề truyền thống đã tồn tại từ hàng trăm năm nay./. 

Dương Thái 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra