Theo các nhà nghiên cứu, chưa rõ con Trâu có mặt trên trái đất từ bao giờ, chỉ biết các nhà khoa học đã tìm thấy hóa thạch Trâu có niên đại cách đây hàng chục vạn năm trên các hang động ở miền Bắc của nước ta. Nhưng từ rất lâu, từ xưa, con Trâu đã gắn liền với cuộc sống của những người nông dân ở vùng quê nước ta, nó là biểu tượng của nền văn minh lúa nước với hình tượng “con Trâu đi trước, cái cày theo sau”. Với bản tính hiền lành, chăm chỉ, cần cù, Trâu đã trở nên phổ biến, gần gũi, thân thuộc với tất cả mọi người, từ già trẻ, lớn bé ở các vùng làng quê.
Trong đời sống văn hóa - tinh thần, hình tượng con trâu đã đi vào trong thơ ca, xuất hiện trong những câu tục ngữ, thành ngữ, dồng dao,… như: “con Trâu là đầu cơ nghiệp”, “lấy vợ, làm nhà, tậu Trâu” “ruộng sâu, trâu nái không bằng con gái đầu lòng”, “chín đụn mười Trâu”, “Trâu ơi ta bảo trâu này - Trâu ra ngoài ruộng cấy cày với ta - Cấy cày vốn nghiệp nông gia - Ta đây trâu đấy ai mà quản công - Bao giờ cây lúa còn bông - Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”, “chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”. Điều này đã nói lên vị trí, vai trò quan trọng của con Trâu đối với sản nghiệp người nông dân cũng như mối quan hệ thân thiết của con Trâu với con người. Con Trâu đã gắn bó mật thiết với người nông dân, từ lúc bé thơ, trẻ con đã biết chăn trâu, cắt cỏ, lúc trưởng thành, thì biết điều khiển trâu cày bừa, kéo xe, khi về già, sức khỏe suy giảm các cụ ông, cụ bà lại vẫn tiếp tục dắt trâu, chăn nghé giúp con cháu.
Với cư dân nông nghiệp xưa, con Trâu là cả một khối tài sản vật chất khổng lồ - “đầu cơ nghiệp”. Thật không gì quý hóa và ý nghĩa như Trâu đối với nông dân. Thậm chí, ngay cả những người thuộc tầng lớp trên trong xã hội cũng xem Trâu là “thước đo” của sự giàu sang, sung túc. Chúng ta cảm nhận được đằng từ vẻ đẹp lao động thanh bình, hạnh phúc kia là bao vất vả, nhọn nhằn. Và điều đáng nói hơn, con Trâu hiện lên “bình đẳng” với người như một chủ thể lao động không thể thiếu.
Hình ảnh con Trâu là biểu tượng của nền văn minh lúa nước, đời sống nông thôn, với đức tính cần cù, hiền lành... Theo các nghiên cứu, Trâu được thuần hóa cách đây khoảng bốn nghìn năm, với mục đích để cày, kéo. Trâu cày kéo rất khỏe, là nguồn sức kéo rẻ tiền và tự tái sản xuất khi sinh ra các thế hệ kế tiếp. Phân Trâu cung cấp nguồn phân bón và chất đốt hữu cơ; sừng, da, lông Trâu cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và thủ công mỹ nghệ... Giá trị kinh tế to lớn của con Trâu được đánh giá từ việc nó không “cạnh tranh” thức ăn, lương thực với con người và các con vật khác bởi thức ăn của nó chỉ có cỏ, rơm và các phụ phẩm nông nghiệp.
Sở dĩ giữa con người và con Trâu được xem như người bạn thủy chung, có mối quan hệ thân thiết, gần gũi, gắn bó, vì giữa Trâu và người có những đức tính rất giống nhau. Trâu hiền lành, chăm chỉ, cần cù, vất vả một nắng hai sương như người nông dân. Trâu thật thà, chất phác, hay chịu thiệt thòi. Trâu cũng rất mạnh mẽ, khỏe mạnh, vững chãi, là loài vật dũng mãnh, thiện chiến, không dễ bắt nạt. Đâu đó, từ hình ảnh của con Trâu, chúng ta nhìn thấy những đức tính đáng quý của người nông dân Việt Nam.
Vậy những người tuổi Trâu có những đức tính đáng quý này không?
Theo nghiên cứu, thì trong mười hai con giáp, Trâu là loài vật thiết thân, gắn bó với nông dân, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam suốt trường kì lịch sử. Những người cầm tinh con Sửu thường là những người có đầy đủ những phẩm chất tốt, họ được biết đến bởi tính cách cần cù, chăm chỉ, mạnh mẽ, kiên định, thực tế, có ý chí vững vàng trong cuộc sống và giàu tình cảm. Họ có thể vượt qua được sóng gió cuộc đời vì tính cách nhẫn nại, có khả năng chịu đựng tốt. Nhưng có đôi khi tính cương quyết khiến họ trở nên bướng bỉnh, cứng nhắc bởi lẽ một khi đã quyết định thực hiện điều gì, họ khó có thể thay đổi mục tiêu của mình. Lời nói của người tuổi Sửu thường đi liền với hành động. Đó là tính cách nổi trội là điểm mạnh của họ.
Người tuổi Sửu có xu hướng vượt xuyên qua những “rào chắn” do người đời cố tình dựng lên trên con đường đi tới của họ. Họ điềm tĩnh nhưng kiên cường, chăm chỉ và chu đáo. Khi làm việc họ có phương pháp và quyết đoán, có tài lãnh đạo và sức chịu đựng, người tuổi Sửu khiến người khác nể phục vì những tính cách này. Họ là người biết nhìn xa trông rộng, không dễ dàng bị cám dỗ bởi cái lợi trước mắt. Với bản tính "ngang”, "bất khả xâm phạm", họ lựa chọn nghề nghiệp, công việc rất cẩn thận, nhưng miễn là họ được tự do làm điều mà họ thích.
Trong đời sống kinh tế thì sao? 35 năm sau đổi mới, đến nay Trâu đã dần vắng bóng trong đời sống sản xuất nông nghiệp của nước ta, do quá trình nghiệp nghiệp hóa, cơ khí hóa vào nông nghiệp, việc dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất để hình thành các cánh đồng mẫu lớn, nhằm chuyên canh và tăng năng nuất sản xuất, “Trâu thịt” đã dần nhường chỗ cho “Trâu máy” trên các cánh đồng này. Nói con Trâu mất vị thế trong đời sống thì không thỏa đáng. Nó chỉ giảm nhiệm vụ, chức năng cày, kéo và thồ vác, còn nó vẫn là con vật mang lại nhiều giá trị kinh tế trong đời sống của người dân hiện nay, đặc biệt trong cung cấp nguồn thực phẩm có chất lượng với giá thành tương đối cao so với các vật nuôi khác.
Theo số liệu của Hội Chăn nuôi Việt Nam, tổng đàn trâu cả nước vẫn giảm dần do hiệu quả kinh tế không cao và môi trường chăn thả bị thu hẹp, đa số diện tích đất trồng lúa hiện nay đều sử dụng máy móc thay cho sức cày kéo của trâu. Tại thời điểm tháng 12/2019, tổng đàn Trâu là gần 2,4 triệu con, thời kỳ cao nhất, đàn trâu có khoảng 3 triệu con, ước giảm khoảng 3,1% (2.349.927/2.425.105 con); sản lượng thịt Trâu hơi xuất chuồng cả năm 2019 ước đạt 95,1 nghìn tấn, tăng 3,2% so với năm 2018 (trong đó, riêng quý IV ước đạt 24,5 nghìn tấn, tăng 3,5% so quý IV/2018).
Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long số lượng Trâu tuy có giảm, nhưng ở trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ vẫn giữ được đàn trâu, với 56-57% số Trâu tập trung ở vùng trung du miền núi phía bắc và hơn 30% ở Bắc Trung Bộ. Tại sao lại có sự không đồng đều đó? Nguyên nhân là do điều kiện địa hình ở miền núi, trung du có nhiều đồng cỏ để chăn thả Trâu, còn ở đồng bằng điều kiện không cho phép, đồng thời việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp để thay thế cho sức Trâu đã làm giảm sự hiện diện của “con Sửu” tại khu vực này.
Con Trâu ở đâu trong câu chuyện thoát nghèo của bà con vùng cao?
Ở khu vực miền núi, nơi điều kiện kinh tế xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, vẫn như bao đời nay, hầu như nhà nào cũng nuôi Trâu, Bò. Đến nay, Trâu, Bò vẫn là "đầu cơ nghiệp”, chỉ khác ở chỗ, bà con không còn nuôi theo hình thức thả rông như trước, mà nuôi nhốt hoặc bán chăn thả. Chăn nuôi Trâu, Bò đã giúp bà con từng bước thoát nghèo, đặc biệt là con Trâu, tại những vùng có điều kiện thiên nhiên khắc nhiệt, địa hình hiểm trở như Hà Giang, Lai Châu, Cao Bằng, Hòa Bình, Nghệ An,…
Nhờ vào “con Sửu” mà nhiều xã vùng sâu, vùng xa của nước ta đã vượt qua rào cản trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, hệ thống đường giao thông dần được cải thiện, và đang tiếp tục được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu đi lại, thông thương hàng hóa của bà con vùng cao. Đến nay, những thửa ruộng bậc thang đã không còn độc canh cây lúa, mà đã thấy bà con mạnh dạn chuyển sang trồng xen cỏ voi để chăn nuôi Trâu, Bò. Bà con nơi đây nhận thấy, chăn nuôi Trâu, Bò chính là hướng phát triển kinh tế mũi nhọn ở xã vùng cao này.
Lãnh đạo một xã miền núi cho biết, tại địa phương, trong khoảng 10 năm trở lại đây, khi bãi chăn thả bị thu hẹp, các hộ dân dần chuyển sang chăn nuôi theo hình thức nuôi nhốt vỗ béo, bán chăn thả. Hiện nay, tổng đàn Trâu, Bò của xã gần 2.000 con, trong đó, Trâu chiếm số lượng lớn với trên 1.300 con. Khi chuyển sang nuôi nhốt, để đảm bảo thức ăn, từ năm 2013, bà con chuyển đổi một số diện tích ruộng lúa sang trồng cỏ voi. Đến nay, cả xã có trên 10 ha đất ruộng chuyển sang trồng cỏ. Nhờ chăn nuôi mà thu nhập của bà con từng bước được nâng cao, năm 2019 đạt 25 triệu đồng/người, dự kiến năm 2020 đạt trên 28 triệu đồng/người, có nhiều hộ đang nuôi khoảng vài chục con Trâu...
Như vậy, vừa tạo điều kiện để trâu có thời gian vận động, thích nghi dần với thời tiết và tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có ngoài tự nhiên, dành thức ăn chuẩn bị sẵn cho các đợt rét khác. “Nuôi Trâu vốn đầu tư lớn nhưng bù lại ít rủi ro, Trâu ít bị bệnh, có lãi cao hơn nhiều vật nuôi khác, tận dụng được rơm rạ và các sản phẩm phụ từ nông nghiệp… Tùy thuộc vào thời tiết để chăn thả cho hợp lý, chỉ cần 1 người vẫn chăm sóc được 20 - 30 con trâu mà vẫn còn thời gian làm việc khác", một người nuôi Trâu cho biết.
“Trâu thịt” vắng vóng trên đồng vì tiến bộ của xã hội, cần ứng dựng khoa học kỹ thuật, đặt biệt là cơ giới hóa, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, vì vậy “Trâu sắt” đang dần thay thế sức cày của “Trâu thịt” trên những cánh đồng mẫu lớn. Dù ít tham gia “cày, kéo” nhưng bạn Trâu vẫn là “người bạn tốt” của bà con mình ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, những nơi này, Trâu đang góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước vượt khó khăn, và làm giàu cho bà con nơi đây. Nhưng trong tâm trí, văn hóa người Việt ta, thì hình ảnh thân thiện, cần cù, khỏe mạnh của con Trâu vẫn còn đó, nó có một vị trí vững chắc trong phong tục, tập quán, đời sống văn hóa - tinh thần, thể hiện dưới các “sản vật” văn hóa như: Lễ hội chọi Trâu, thi Trâu, đâm Trâu, tạ ơn Trâu,… trong thi ca, tác phẩm nghệ thuật cũng vậy, con Trâu vẫn luôn là hình tượng, là cảm hứng để sáng tác. Vẫn luôn còn đó, một hình ảnh chú bé chăn Trâu thổi sáo của bức tranh làng Hồ nổi tiếng; con Trâu trong các bài thơ của các danh nhân./.
Hồng Dân