Thiếu máu là do dinh dưỡng không đầy đủ (nhất là thiếu sắt), mất máu mãn tính hoặc do cơ thể suy nhược. Dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì y học cũng khuyến cáo người bệnh nên quan tâm đến nguyên tắc đầy đủ và cân đối trong chế độ dinh dưỡng.
Bổ sung chất đạm, sắt
Khi bị bệnh thiếu máu, cơ thể cần bổ sung các acid amin. Các acid amin này có nhiều ở thịt nạc, cá, trứng, các loại sữa, đậu nành…
Bên cạnh đó, việc chế biến thức ăn cho người thiếu máu cũng cần phải phối hợp cân đối giữa thịt và các loại rau củ. Nên dùng những loại thực phẩm chứa nhiều chất sắt và các chất khoáng vi lượng trong gan gà, heo, bò, vịt; thận, tim, huyết của gà, vịt và heo; thịt nạc của bò, dê, heo, gà, vịt; lòng đỏ trứng; hải sản như nghêu, sò, hến, cá và các loại đậu.
|
Các loại hải sản như hàu, nghêu, sò, hến chứa nhiều chất sắt và các chất khoáng vi lượng rất tốt cho người bị bệnh thiếu máu. Ảnh: Xuân Thảo |
Để cân bằng dinh dưỡng, những thực phẩm trên cần được phối hợp với các loại rau củ, trái cây như rau dền, củ cải, cà chua, rau cần, cải cúc, khoai tây, củ cải đỏ, khoai môn, bí đỏ, bí đao, dưa hấu… và các loại nấm, rong biển.
Ngoài ra, bệnh nhân cần tăng cường các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin, như: vitamin B12 trong các thực phẩm giàu chất đạm, vitamin C trong rau cải, trái cây tươi. Chú ý: với thực phẩm chứa vitamin C cần sử dụng khi còn tươi, sống hoặc nấu vừa chín sẽ không bị hao mất vitamin.
Gan động vật dưỡng huyết, sáng mắt
Để chữa bệnh thiếu máu hữu hiệu, cần chế biến thực phẩm theo nhiều dạng như hấp, xào qua, luộc vừa chín, nấu canh… sao cho hợp khẩu vị của người bệnh. Những món ăn sau đây rất dễ chế biến và có tác dụng tốt cho người bị thiếu máu.
- Canh gan gà, lá dâu non: Nguyên liệu gồm 100g gan gà rửa sạch, xắt nhỏ, ướp gia vị; 50g lá dâu rửa sạch, để ráo. Nấu canh gan gà với lượng nước thích hợp. Khi gan gà vừa chín thì cho lá dâu vào, nấu sôi lại là được. Nêm gia vị vừa ăn và ăn nóng trong bữa cơm. Món canh này có công dụng bổ huyết, bổ can thận, giúp sáng mắt, tăng cường thể lực; rất tốt cho trẻ em bị thiếu máu, suy nhược cơ thể.
- Gan heo nấu táo đỏ: Nguyên liệu gồm 60g gan heo rửa sạch, xắt miếng, ướp gia vị; 10 trái táo đỏ, 20 g củ khoai mài rửa sạch, để ráo. Tất cả cho vào chén sành, chưng cách thủy 3 giờ, nêm gia vị vừa ăn. Dùng ăn lúc đói bụng hoặc trong bữa cơm.
- Cháo gan heo, đậu xanh: Nguyên liệu gồm 100g gan heo tươi rửa sạch, xắt miếng nhỏ, ướp gia vị; 60g đậu xanh và 100g gạo vo sạch, thêm lượng nước thích hợp để nấu cháo. Đun sôi cháo bằng lửa to ngọn rồi cho ngọn lửa nhỏ dần. Cháo chín thì cho gan heo vào đun sôi, vừa chín là được. Nêm lại gia vị vừa ăn. Dùng ăn nóng lúc đói bụng.
Gan heo rất giàu vitamin A, vitamin B12 nên không chỉ được dùng chữa thiếu máu mà còn chữa quáng gà (nấu chung với lá dâu non), đau bụng lạnh, tiêu chảy lâu ngày.
Khi dùng thực phẩm có hàm lượng chất sắt cao, không nên ăn chung một lúc với các chất có vị chua như cải bó xôi, rau dền, măng tươi hoặc trà đậm… để tránh việc chúng kết thành chất muối khó phân giải, làm trở ngại cho việc hấp thu. Người bị bệnh thiếu máu không nên ăn các thực phẩm có tính kích thích như rượu mạnh, tiêu, ớt và có nhiều dầu mỡ.
Món canh bổ huyết, an thần
Ngoài những món ăn chế biến từ gan động vật, một món canh phổ biến có tác dụng bổ huyết, an thần là canh thịt gà nấu nấm và cà rốt.
Các bà nội trợ có thể lấy 500 g thịt gà nạc luộc chín, xé tơi; 10g mộc nhĩ đen ngâm nở, xé nhỏ; 5g nấm hương và 100g cà rốt rửa sạch, xắt sợi.
Luộc thịt gà chín thì cho các loại rau củ vào, nấu sôi rồi nêm gia vị vừa ăn. Có thể cho thêm 1 quả trứng gà, rắc hạt tiêu, khuấy đều, dùng ăn nóng trong bữa cơm.
Theo Người lao động