Khẳng định giá trị tốt đẹp
Tại Hội thảo khoa học “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn Hà Nội - nhận diện, bảo tồn và phát triển” được tổ chức ngày 16/11 vừa qua, GS.TS Ngô Đức Thịnh - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam khẳng định, thờ Mẫu là tín ngưỡng bản địa phát triển rộng khắp cả đồng bằng, đô thị và miền núi; có nguồn gốc từ lâu đời, trải qua từ thời nguyên thủy sang thời phong kiến và đến hôm nay vẫn tiềm ẩn chiều hướng phát triển đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế thị trường và đô thị hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Tục thờ Mẫu mang nhiều giá trị như giá trị nhận thức thế giới, giá trị nhân sinh và khi tín ngưỡng thờ Mẫu gắn bó với dân tộc, chủ nghĩa yêu nước đã được tâm linh hóa.
Đặc biệt, tục thờ Mẫu - hầu đồng - chầu văn là một di sản văn hóa nghệ thuật độc đáo và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016.
Đi sâu vào nghiên cứu về mối quan hệ của tín ngưỡng thờ Mẫu với các tín ngưỡng, tôn giáo khác ở Việt Nam, PGS.TS Từ Thị Loan - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật đã chỉ ra sự thâm nhập của của tín ngưỡng thờ Mẫu vào Phật giáo cũng như mối quan hệ với Đạo giáo và các tín ngưỡng dân gian khác như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thành hoàng làng, cầu mùa, thờ các hiện tượng tự nhiên… bởi sự lan tỏa và tiếp thu độc đáo.
Ở vấn đề đưa nghi lễ hầu đồng lên sân khấu, nhà văn Vũ Hùng khẳng định thêm về sức hấp dẫn của nghi lễ này: “Mỗi khi có trình diễn hầu đồng ở rạp hát như rạp Kim Mã, rạp Khăn Quàng Đỏ, rạp Công Nhân hay chợ đêm Đồng Xuân, rất đông khán giả chen nhau vào xem. Dường như đây là món ăn tinh thần rất mới lạ và hấp dẫn công chúng, không chỉ có người già mà cả thanh niên, cả thiếu nhi và nhất là người nước ngoài, họ vô cùng thích thú và biểu lộ những phấn khích khi xem trình diễn…” Có thể nói, nghi lễ hầu đồng là một kho tàng nghệ thuật diễn xướng dân gian rất đặc biệt với nhiều câu chuyện truyền thuyết, thần tích hấp dẫn về các thần linh. Nó không chỉ tạo nên một không gian tâm linh huyền bí mà còn thể hiện được nét uy nghi, sang trọng, cũng như niềm hân hoan và vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng của người Việt trong một thế giới văn hóa đa sắc màu, đa dân tộc.
Lo ngại những biến tướng và lệch chuẩn
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được công nhận di sản thế giới cũng bởi những giá trị nhân văn sâu sắc cũng như việc di sản này luôn gắn liền với đời sống tinh thần và các phong tục, tập quán của người Việt. Tuy nhiên, trong thời buổi kinh tế thị trường, việc thực hành di sản này đã có những bùng phát theo chiều hướng “biến tướng” khi một số cá nhân lợi dụng niềm tin tín ngưỡng của mọi người để trục lợi, làm sai lệch giá trị văn hóa, xã hội.
Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh chia sẻ: “Nhận thức về tục thờ Mẫu của các ông đồng, bà đồng, cung văn và đông đảo quần chúng nhân dân còn mang tính tự nhiên, tự suy luận và có nhiều điều cần điều chỉnh. Tình trạng thương mại hóa tín ngưỡng thờ Mẫu đang là một thực tế nặng nề và nhức nhối, khiến cho tín ngưỡng này ngày càng bị xói mòn. Tình trạng phân tán, tản mạn, bị buông lỏng, thiếu sự quản lý cũng tạo nên bộ mặt xô bồ, thậm chí là hỗn loạn của sinh hoạt tín ngưỡng ở các đền phủ, gây mất trật tự công cộng, tạo điều kiện cho các sinh hoạt mê tín, đi ngược lại các giá trị thuần phong mỹ tục dân tộc”.
Là người trực tiếp thực hành tín ngưỡng, thanh đồng Lưu Ngọc Đức cũng chỉ ra thực tế hiện nay như: Tứ phủ hóa tất cả các đền phủ; trang phục hầu thánh bị biến dạng, mai một. Bên cạnh đó, vũ đạo hầu thánh bị nặng về biểu diễn làm mất đi sự nghiêm trang; lời tuyên phán nặng về dọa nạt, mang tính trần tục quá nhiều…
Trong khi đó, thanh đồng Nguyễn Đức Tiến lại trăn trở, có bảo tồn được không, có phát huy được những giá trị cao đẹp của tín ngưỡng này hay không nếu như không có giới trẻ? Vì thực tế gần đây có nhiều bạn trẻ tham gia vào tín ngưỡng thờ Mẫu nhưng theo xu hướng cách tân một cách tùy tiện, xảy ra tình trạng đua đồng, đua bóng.
Nhà nghiên cứu Phạm Tứ, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cũng cho rằng, thực tế có hiện tượng bùng phát việc trình đồng, mở phủ dẫn đến sự biến đổi trong hàng ngũ con nhang, đệ tử, xuất hiện nhiều “đồng đua”, “đồng đú”, nhiều người mới ra đồng một thời gian ngắn đã tự phong cho mình là thầy đồng.
Đội ngũ cung văn cũng có nhiều biểu hiện lệch lạc khi còn đưa âm nhạc hiện đại vào hát văn như âm nhạc múa sạp Tây Bắc, ca khúc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, “Em đi chùa Hương”, thậm chí có cả ca khúc Lào như “Hoa Chăm pa”, “Em là cô gái Lào”… Nhiều người mới học nghề vài ba tháng cũng ra nhập đội ngũ hát văn dẫn đến tình trạng sai lệch nhiều lời hát, vần điệu… Những hiện tượng lệch chuẩn này đã phá vỡ nét đẹp thuần phong mỹ tục, mất đi nét đẹp văn hóa tâm linh của dân tộc./.
Oanh Vũ (T/h)