Trong lần đầu tập trung đội bóng U.23 tham dự giải vô địch U.23 Châu Á năm 2018, Học viện bóng đá HAGL đóng góp đến 9 cầu thủ.
Cái “bắt tay” với giáo sư Wenger
Ở Gia Lai, đỉnh núi Hàm Rồng cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 10km. Đi thêm khoảng 2km về hướng Nam là đại bản doanh của CLB HAGL, trong đó có Học viện bóng đá HAGL-Arsenal JMG. Với diện tích trên 10ha, học viện lọt thỏm giữa bạt ngàn caosu. “Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn lầm nghĩ, Học viện bóng đá HAGL-Arsenal JMG (HV) ra đời xuất phát từ ý tưởng của tôi. Tuy nhiên, trong thực tế không phải như vậy, mà đó là ý tưởng của HLV Arsene Wenger”- bầu Đức cho biết.
Ông xác định, muốn làm bóng đá chuyên nghiệp, nếu không chú trọng công tác đào tạo trẻ thì không thể thành công. Sau một thời gian dài “loay hoay” đi tìm mô hình mẫu để áp dụng cho CLB, cuối cùng, ông chọn đội bóng Arsenal. Cũng phải thôi, bởi Arsenal không chỉ là 1 đội bóng có thành tích thuộc hàng tốt nhất ở giải ngoại hạng Anh và Châu Âu, mà công tác đào tạo trẻ của CLB này cũng thuộc hàng đầu thế giới.
Nhân chuyến sang thăm và tập huấn tại London vào cuối năm 2006, bầu Đức đem thắc mắc này hỏi giáo sư Wenger, vị HLV này không ngần ngại nói thẳng: “Muốn làm bóng đá lâu dài ư? Phải thành lập học viện đào tạo trẻ”. Cái bắt tay và 1 câu nói của giáo sư Wenger đã khiến bầu Đức “mất ăn mất ngủ” cả tháng. Rời London, bầu “nhắm” Thái Lan để tham quan học viện tại đất nước này. Ngồi trên khán đài, nhìn thấy các cầu thủ nhí ở đây có thể vừa chạy, vừa tâng bóng, vừa thay quần áo, nhảy hip hop… bầu Đức thốt lên: “Ở Thái Lan không chỉ có 1 thần đồng bóng đá (Kiatisuk Senamuang), mà con số này có thể lên đến hàng chục…”.
Ngẫm Thái Lan mà nghĩ đến Việt Nam thấy chạnh lòng. Đoàn Nguyên Đức thẳng thắn: “Khi chưa có học viện, mỗi lần đội tuyển quốc gia hoặc các CLB Việt Nam gặp Thái Lan thường từ thua… tới thua. Bây giờ, người Thái lại đi trước chúng ta 3 năm về xây dựng học viện, nếu chúng ta không khẩn trương làm được điều này, thì có lẽ chẳng bao giờ bóng đá Việt Nam đuổi kịp người Thái, chứ đừng nói vươn cao, bay xa ra đấu trường châu lục và thế giới. Đó là cuối năm 2016, đầu năm 2017”.
Không chần chừ, bầu Đức quyết tâm xây dựng cho bằng được học viện HAGL-Arsenal JMG. Và bây giờ, khi mà các lứa cầu thủ của học viện thành “vườn sao Việt Nam” , thì học viện ở Thái Lan đã phải dẹp vì thiếu kinh phí. Ai cũng biết, từ ý tưởng đến hiện thực là khoảng cách khá xa, nhưng đối với bầu Đức, nó chỉ bằng 1 “gang tay”. Bởi lẽ, ở Tập đoàn HAGL, mọi thứ đều có sẵn: Quỹ đất, gỗ, đá, nhân công… luôn luôn sẵn sàng, riêng công tác tuyển chọn, phía đào tạo đã có Arsenal lo.
HLV Wenger tập huấn cho các HLV học viện HAGL tại London (Anh).
Bước ngoặt: Đặt học viện tại Gia Lai
Bầu Đức nhớ lại, giai đoạn cuối năm 2006 đầu 2007 có thể nói thời điểm vô cùng bận rộn đối với CLB HAGL. Cùng lúc giải quyết cả núi công việc mang tính bản lề liên quan đến tương lai của đội bóng phố Núi. Một mặt, phải đưa đội một sang tập huấn tại London, chuẩn bị các thủ tục cần thiết, tổ chức lễ kí kết hợp tác toàn diện giữa CLB HAGL với Arsenal. Mặt khác, khẩn trương xúc tiến động thổ khởi công và tuyển sinh khóa 1 cho Học viện HAGL-Arsenal JMG…
Sau khi giải “bài toán” về mặt thương hiệu: “Hoàng Anh là ai, Gia Lai ở đâu?” thông qua thương vụ Kiatisak trong khu vực Đông Nam Á, tuy nhiên ở châu Âu và trên thế giới lại là chuyện khác. Ban đầu, vì ngại đối tác “chê” Trung tâm Huấn luyện Hàm Rồng đóng chân ở xứ “khỉ ho cò gáy”, “chim kêu vượn hú”… nên bầu Đức có ý định xây dựng học viện tại TPHCM. Tuy nhiên, sau khi mời 2 đại diện của câu lạc bộ Arsenal là Robert Procureur - Giám đốc điều hành tại Thái Lan - và Jean Marc Guillou - người sáng lập học viện bóng đá JMG toàn cầu - lên Gia Lai thăm quan cơ ngơi CLB HAGL. Không ngờ, 2 vị này liên tục gật đầu thừa nhận: “Nếu xây dựng học viện bên cạnh CLB HAGL sẽ rất tuyệt”. Thế là xong, không còn phải lăn tăn, vướng bận bất cứ điều gì nữa. Bầu Đức “phát lệnh” cho trợ lý, cán bộ kỹ thuật triển khai chạy đua với thời gian, cho ra đời Học viện HAGL-Arsenal JMG.
Chỉ trong vòng 1 thời gian ngắn, 5 hecta rừng cao su bị đốn hạ để nhường chỗ xây dựng học viện bóng đá. Ngày 5.3.2007, lễ khởi công được tổ chức long trọng. Bảy tháng sau, ngày 10.10.2007, lễ khánh thành và khai giảng khóa học đầu tiên của Học viện HAGL-Arsenal JMG khai trương. Học viện bóng đá HAGL-Arsenal JMG có 2 dãy nhà ở (1 dãy phòng họp, giải trí và 1 dãy nhà bếp, 1 trường học văn hóa, 1 bể bơi, 2 sân tập)…tổng kinh phí xây dựng lên tới 4,5 triệu USD. Trong đó, phía đối tác CLB Arsenal đóng góp hơn 2 triệu USD. Học viện JMG do cựu tuyển thủ người Pháp Jean Marc Guillou sáng lập, được CLB Arsenal chỉ định phụ trách công tác tuyển chọn, huấn luyện.
Chuyên gia Robert Procureur thừa nhận: “Học viện bóng đá HAGL-Arsenal JMG quá hoàn hảo, xứng đáng là cơ ngơi số một trong làng bóng đá Đông Nam Á”. Chưa dừng lại ở đó, bầu Đức còn lên ý tưởng xây dựng thêm sân golf, hệ thống nhà nghỉ dưỡng cao cấp nhằm thu hút nhu cầu khám chữa bệnh theo hình thức vừa du lịch vừa chữa bệnh tại bệnh viện Đại học Y Dược-HAGL đóng ngay TP.Pleiku.
Học viện chia thành 3 khóa. Những học viên tại đây được gọi là những thần đồng của bóng đá Việt Nam. Bởi muốn được chọn vào đây, các cầu thủ nhí phải “đả bại” với 500 - 1.000 “đối thủ” khác. Trong số 7.000 cầu thủ nhí dự tuyển vào học viện năm 2007, chỉ có 16 em được chọn. Năm 2009, trong số 10.000 em dự tuyển, chỉ chọn được 10 và gần đây, là 9 học viên chọn từ 5.000 thí sinh trong cả nước. Đó là con số của những năm đầu tuyển sinh, đủ nói lên việc tuyển chọn học viên gắt gao cỡ nào.
Trước hết phải là một công dân tốt
Tuyển thủ Lương Xuân Trường - đội trưởng U.23 Việt Nam dự chung kết U.23 châu Á - là 1 ví dụ điển hình. Năm 2007, khi nghe thông tin Học viện HAGL-Arsenal JMG tổ chức tuyển sinh tại Thái Nguyên, vốn đam mê với quả bóng tròn, Trường lén bố mẹ vượt cả trăm cây số sang tham gia ứng tuyển, chỉ với hy vọng kiếm được bộ quần áo mặc làm kỉ niệm để khoe với bạn bè. Nhưng không ngờ, Trường đậu thật với thứ hạng rất cao. Ngày đầu mới đặt chân vào học viện, Xuân Trường chỉ cao 1m42, đến nay, cầu thủ này cao 1m77. Trường cầm bóng rất tốt, có lối chơi thông minh y hệt như cựu tuyển thủ Pháp Zidane, các thầy đặt cho biệt danh Trường “Zidane”.
Con đường trở thành học viên của Học viện bóng đá HAGL-Arsenal JMG của Nguyễn Công Phượng quê ở Nghệ An cũng đáng chú ý. Lúc các chuyên gia người Pháp ra TP.Vinh tuyển sinh, do bận việc đồng áng cùng bố mẹ nên Phượng đành vắng mặt. Một tháng sau, cầu thủ này khăn gói cùng bố vượt 900 km vào Gia Lai dự tuyển. Trong bài test 1 chọi 1, cầu thủ này khiến mọi người tròn mắt khi làm động tác giả qua người trước đối thủ, sau đó rê bóng đến cầu môn, đưa bóng vào khung thành một cách chuyên nghiệp. Ngạc nhiên trước kỹ thuật điều khiển quả bóng đến mức điêu luyện và tính “láu cá” của Phượng, HLV người Pháp Guillaume Graechane không ngừng khen ngợi: “Công Phượng sẽ là tài năng thực thụ của bóng đá Việt Nam”.
Hàng tháng, học viện đều lên kế hoạch thi đấu nội bộ, giao hữu với các đội bạn. Hàng năm, Học viện HAGL-Arsenal JMG đều mời các học viên nước bạn hoặc cử đội bóng của mình sang thi đấu tập huấn ở nước ngoài, như Ai Cập, Thái Lan... Mặc dù khách mời nhiều cầu thủ đến từ châu Phi với thể hình và thể lực vượt trội, tuy nhiên cầu thủ Học viện HAGL vẫn thi đấu ngang ngửa.
Theo Lao động