Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã đến Trường Tiểu học Bình Chánh (huyện Bến Lức, Long An) để gặp gỡ và động viên cô giáo Nhung trong vụ bị quỳ xin lỗi phụ huynh học sinh. Ảnh: P.V
Đó là sự lệch pha: Một bên là cách dạy dỗ bao bọc của gia đình khiến trẻ em dựa dẫm, ích kỷ trong khi đòi hỏi nhà trường phải đào tạo ra những học sinh độc lập, dám đối thoại, có khả năng sáng tạo…
Đâu là phần ngọn, đâu là gốc rễ? Giải pháp của Bộ GDĐT và cả ngành giáo dục cho xung đột này thế nào? Là những câu hỏi cần ngay lời giải.
Từ “cây roi gia pháp” đến “bùng nổ giáo dục” của Makarenko
“Roi gia pháp” từng được coi là một vật dụng không thể thiếu trong giáo dục truyền thống lấy nghiêm khắc làm trọng, thể hiện rõ ở biện pháp roi vọt khi cần thiết, với tinh thần “thương cho roi cho vọt”.
Thực tế, ở mức độ cao hơn, “roi gia pháp” còn là biểu tượng, đóng vai trò là người gác cửa ngăn chặn thói hư tật xấu, bảo vệ nên nếp gia phong, giúp con trẻ phân biệt trắng đen trong cuộc sống. Roi gia pháp cũng là thước đo đức bao dung, lòng nhẫn nại của những bậc ông bà, cha mẹ. Dùng roi càng nhiều thì đức bao dung càng mỏng, lòng nhẫn nại càng ít. Để ngăn ngừa hành động xấu của con trẻ thì dạy và dỗ là chủ yếu, phạt roi là biện pháp sau cùng. Ít mà đích đáng.
Theo các nhà nghiên cứu giáo dục, tính hai mặt của quan điểm gia giáo truyền thống này giờ đây dường như ít được tiếp nhận những giá trị nhân bản tích cực đích thực. Tương tự, việc thầy dạy trò bằng bút, bằng roi, trò quỳ xơ mít hay những hình thức tương tự... đã trở nên xa lạ dần bởi quan niệm dân chủ, hiện đại hơn.
Vấn đề là liệu giáo dục ở Việt Nam hiện nay đã tìm được phương cách thay thế cho quan điểm “dùng roi vọt” trong dạy dỗ con trẻ ở gia đình và nhà trường chưa? Với những học sinh cá biệt, những học sinh hư nếu không dùng roi, những chế tài đủ mạnh thì cần phải làm gì?
Không ít người ở thế hệ U.50 thừa nhận rằng chính những hình phạt như đánh đòn roi, bạt tai, chạy sân trường trời nắng khi còn là học sinh… đã góp phần tác động lớn vào nhân cách và giúp họ nên người. Tất nhiên, không ai trách mắng thầy cô của mình, càng lớn lên, nhiều tuổi họ càng biết ơn, kính trọng thầy cô với những hình phạt nghiêm khắc đó.
Makarenko - nhà sư phạm lỗi lạc của Liên Xô - trước đây đã đưa ra một khái niệm về “bùng nổ giáo dục”. Đó là việc phải có những tác động mạnh một cách đặc biệt với một số đối tượng là học sinh hư nhằm tạo ra ở họ những chuyển biến về mặt tâm lý, suy nghĩ, phá vỡ những suy nghĩ, thói quen, hành vi xấu, tạo ra những suy nghĩ, những tình cảm, những hành vi mới theo yêu cầu giáo dục.
“Bùng nổ giáo dục” có phải là dùng đòn roi, hay những tác động bạo lực khác? Makarenko khuyên các nhà sư phạm phải biết “nhẫn tâm”, chủ nghĩa nhân đạo còn là tính nghiêm khắc không khoan nhượng đối với sai trái, vi phạm quy định của tập thể. Thế nhưng quan điểm xuyên suốt của Makarenko chính là logic yêu thương - tôn trọng - tin tưởng - yêu cầu - nghiêm khắc.
Đối với Makarenko, “kỷ luật là tự do”, muốn giáo dục một con người để họ có thể tuân thủ kỷ luật và tự giác rèn luyện hãy cho họ tình thương, sự tin tưởng của nhà giáo dục. Nghĩa là những trừng phạt nghiêm khắc chỉ là giải pháp cuối cùng: “Không có trẻ em hư hỏng, chỉ có nhà sư phạm tồi và phương pháp giáo dục chưa đúng”.
Có thể thấy quan điểm của Makarenko và hình tượng về “cây roi gia pháp” có nhiều điểm tương đồng. Công cụ điều khiển cây roi, dứt khoát chỉ có thể là trí tuệ. Nếu để cảm xúc điều khiển cây roi thì cây roi thành chiếc xẻng đào sâu khoảng cách giữa con trẻ và bố mẹ, giữa học sinh và các nhà giáo dục.
Trở lại câu chuyện ở Trường Trường Tiểu học Bình Chánh (huyện Bến Lức, Long An)- nơi cô giáo Nhung phải quỳ gối trước học sinh thì việc bắt học sinh quỳ hay đánh (nhẹ để răn đe) cũng đã từng được hỏi ý kiến phụ huynh học sinh. Nhiều người phản đối nhưng có nhiều người cũng “đề nghị” “gửi gắm” giáo viên mạnh tay “phải đánh cho nên người”, “nếu cô không đánh, về nhà tụi tui đánh dữ hơn”.
Tất nhiên, phụ huynh bắt cô Nhung quỳ gối không thuộc nhóm “gửi gắm” và từ đó dẫn đến câu chuyện bắt cô quỳ để “hiểu cảm giác của các em bị quỳ”. Phương pháp không đúng dẫn đến hành xử không đúng: Học sinh không cảm nhận được sự yêu thương từ thầy cô, phụ huynh học sinh cũng không đồng cảm và cho rằng hành vi đó phản giáo dục.
Gốc rễ của vấn đề
Hãy nhìn theo một hướng khác: Nếu từ chuyện của cô Nhung, đến lượt các thầy cô không dám đưa ra những “kỷ luật sắt” đối với những học sinh hư, thì chuyện gì sẽ xảy ra? Sẽ phải làm gì để ngăn chặn những hành vi như của một học sinh vừa diễn ra hôm 7.3 ở Bến Tre: Một nữ giáo viên dạy tiếng Anh của Trường THCS Tân Thạch (xã Tân Thạch, huyện Châu Thành) bị nam sinh lớp 8 bóp cổ tại lớp học.
Ở đây không thể tách rời vai trò giáo dục của gia đình. Nhiều chuyên gia giáo dục đã chỉ ra rằng: Phải xem xét quá trình giáo dục một cách đồng bộ giữa gia đình - nhà trường và xã hội mà không thể cắt đoạn đơn lẻ. Thật là không hợp lý nếu chúng ta chỉ nhìn thấy cái ngọn - tức là giáo dục nhà trường - mà quên đi cái gốc của vấn đề. Mọi phương pháp giáo dục tân tiến nếu áp dụng đơn lẻ vào nhà trường, tất cũng không ổn bởi nó theo một hướng khác, với một chất khác; còn giáo dục gia đình, vẫn chưa mấy đổi thay.
Không thể đòi hỏi một tinh thần tự lập, một khả năng đối thoại ở học sinh từ nhà trường, bởi gia đình vẫn luôn là vòng bao bọc an toàn nhất mà khi bước chân khỏi nó, đứa trẻ sẽ mất hết tự tin, niềm lạc quan sáng tạo”.
Với câu chuyện ở Trường Trường Tiểu học Bình Chánh (Long An) người ta hoàn toàn tin rằng không hề có “cái roi gia pháp” nào ở gia đình phụ huynh tên Thuận - dù sau này được biết là một luật gia, thậm chí là thư ký hội luật của một huyện. Cái cách hành xử của ông Thuận với cô Nhung dường như chỉ thỏa mãn cảm xúc cá nhân (theo hướng trả thù) và rõ ràng không hề mang một ý nghĩa giáo dục nào.
Trong gia đình và cả giáo dục nhà trường nếu bỏ vế “yêu cho roi vọt” mà chỉ “thương cho ngọt cho bùi” một cách lạm phát thì chắc chắn xã hội sẽ tạo ra những đứa trẻ đầy sự ỷ lại với cái tôi tự phát rất khó uốn nắn.
Bản chất của giáo dục là hình thành ở học sinh những giá trị chân, thiện, mỹ, cũng có nghĩa là loại bỏ cái gian dối, giả tạo, cái ác, cái xấu, cái vô ích, vô nghĩa… bằng con đường tự lĩnh hội, tự trải nghiệm, suy ngẫm, tự điều chỉnh… dưới sự dẫn dắt của thầy. Quan hệ thầy trò phải dựa trên sự trung thực, tin cậy lẫn nhau. Tất nhiên vẫn cần một “cây roi gia pháp” mang tính biểu tượng trong giáo dục.
Cải cách giáo dục là công việc không thể một sớm một chiều. Trách nhiệm của ngành giáo dục và của Bộ GDĐT chính là hóa giải những mâu thuẫn trong tư duy giáo dục bằng những thay đổi từng bước, có hệ thống tác động đến tận nếp nghĩ của mỗi một bậc phụ huynh, mỗi thầy cô, và cả con cháu trong việc tự lập những thói quen tốt, đúng chuẩn mực đạo đức và các quy tắc của pháp luật.
Như thế chúng ta mới tránh khỏi hình ảnh: Thầy cô đánh học sinh, phụ huynh bắt cô giáo quỳ, học sinh bóp cổ cô giáo làm vẩn đục môi trường giáo dục lâu nay.