Đến dự buổi lễ, có các đồng chí: Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước; Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Về phía GHPG Việt Nam có Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam.
Đây là năm đầu tiên lễ khai hội được tổ chức tại không gian đẹp, hiện đại và quy mô của Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm thuộc Dự án Khu Trung tâm Lễ hội và Dịch vụ Yên Tử.
Hội Xuân Yên Tử năm nay không chỉ là lễ hội mùa Xuân thu hút đông đảo khách du lịch mà còn là một trong những sự kiện mở đầu Năm Du lịch quốc gia 2018 do tỉnh Quảng Ninh đăng cai tổ chức.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam cùng các đại biểu Trung ương và địa phương cùng đóng ấn thiêng Yên Tử
Lễ khai hội được mở đầu bằng chương trình nghệ thuật với chủ đề “Mùa Xuân Yên Tử”, ôn lại huyền thoại của non thiêng Yên Tử, cội nguồn lịch sử của Thiền phái Trúc Lâm, công đức của Phật hoàng Trần Nhân Tông; ca ngợi sức sống của mùa Xuân, của thành phố trẻ Uông Bí và không khí tưng bừng, náo nức trẩy hội Xuân Yên Tử...
Lễ khai hội gồm nhiều nghi lễ, như: Nghi thức rước lễ mở hội, lễ gióng trống, thỉnh chuông, lễ chúc phúc đầu năm, dâng hương, cầu quốc thái, dân an và lễ đóng dấu thiêng Yên Tử…
Văn nghệ chào mừng lễ khai hội Xuân Yên Tử 2018, với sự tham gia cả hơn 1.000 diễn viên quần chúng không chuyên
Quần thể Di tích danh thắng Yên Tử trong nhiều năm qua đã liên tục được bảo tồn, tôn tạo và xây dựng mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Phật tử, du khách trong và ngoài nước hành hương về đất Phật trong mỗi dịp đầu Xuân.
Để chuẩn bị cho mùa lễ hội năm nay, hệ thống cơ sở vật chất của Yên Tử đã và đang được đầu tư đồng bộ, như: Dự án nâng cấp tuyến đường trục chính từ quốc lộ 18 vào khu di tích Yên Tử; tuyến cáp treo mới…
Phật tử dâng hương tại lễ khai hội Xuân Yên Tử 2018
Đặc biệt, Trung tâm Lễ hội và Dịch vụ Yên Tử cũng đã hoàn thành giai đoạn 1, đưa vào phục vụ hội Xuân Yên Tử 2018. Dự án được thiết kế theo kiến trúc đời nhà Trần thế kỷ 13, gồm các hạng mục chính: Cung Trúc Lâm, Trung tâm Lễ hội, Vườn thiền, Làng Hành hương, Tuệ Tĩnh đường, Bảo tàng Phật hoàng Trần Nhân Tông và một số hạng mục phụ trợ. Công trình này được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn trong quần thể du lịch Yên Tử mùa lễ hội này.
Bên cạnh công tác đầu tư về cơ sở vật chất, trong mùa lễ hội Xuân Yên Tử năm nay, TP Uông Bí cũng sẽ tiếp tục tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác tổ chức lễ hội, như: Bố trí các ki-ốt thông tin du lịch; thiết kế tờ rơi, tờ gấp giới thiệu sản phẩm, dịch vụ tại các điểm tham quan; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và phòng, chống cháy nổ…
Vẻ đẹp của Yên Tử là sự kỳ vĩ của núi non đan xen với nét cổ kính trầm mặc của hàng trăm am, tháp mộ của các thiền sư, tượng đá thiên tạo, bia Phật… Những giá trị lịch sử - văn hóa đặc biệt của Khu Di tích danh thắng đã đưa Yên Tử trở thành một chốn thiêng trong đời sống tinh thần của người Việt. Để khẳng định giá trị đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích Lịch sử và Danh lam thắng cảnh Yên Tử là Di tích Quốc gia đặc biệt (Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 27/9/2012).
Hàng vạn Phật tử và du khách chiêm bái và tham quan danh thắng Yên Tử trong ngày lễ khai hội
Năm 2017 vừa qua, đã có hơn 2 triệu du khách về với Yên Tử, riêng du khách quốc tế là 250 nghìn khách. Tính riêng từ ngày mùng 1 tháng Giêng năm Mậu Tuất, mỗi ngày Yên Tử đón hàng vạn du khách thập phương về tham quan, dâng hương, chiêm bái.
Nhân dịp này, các đại biểu đã cắt bằng khánh thành Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm.
Hữu Sang