Hạn chế cấp phép kiểu xin - cho
Vào tháng 3 vừa qua, dư luận đã phản ứng gay gắt trước quyết định cấm lưu hành một số ca khúc trước 1975 của Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD). Những ồn ào này cũng làm lộ nhiều bất cập trong quy định về quản lý, lưu hành tác phẩm nghệ thuật ca múa nhạc. Sau những lùm xùm cấp phép ca khúc, tháng 5.2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ban hành chỉ đạo: “Các bài hát quen thuộc, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác”.
Thực hiện chỉ đạo này, Cục NTBD vừa tổ chức ba hội thảo ở Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng để lấy ý kiến, bàn cách “cởi trói” cho ca khúc sáng tác trước 1975, cũng như khắc phục những bất cập trong việc quản lý tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, sau những cuộc hội thảo, câu chuyện cấp phép vẫn gây nên những dư luận trái chiều.
Thời gian qua xảy ra nhiều tranh cãi liên quan đến việc cấp phép lưu hành ca khúc trước năm 1975. Ảnh: TL
Ông Phạm Sỹ Cần - Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh Hải Dương hiến kế nên đưa ra danh sách ca khúc cấm hát, còn tất cả những tác phẩm đã trở nên quen thuộc, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia, thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác. Bà Nguyễn Thị Kim Thoa - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế, Bộ Tư Pháp - cũng đồng tình với ý kiến này. Bà cho rằng, Bộ VHTTDL nên thành lập một hội đồng nghệ thuật để đưa ra danh sách ca khúc cấm.
Tuy nhiên, một số đại biểu khác lại không đồng tình, cho rằng khó có thể liệt kê danh sách ca khúc cấm, vì dễ gây tâm lý tò mò và vô tình quảng bá cho những ca khúc cấm này. Hơn nữa, quy định về việc “thế nào thì bị cấm” còn khá mơ hồ, nhạy cảm. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên cũng cho biết thêm, không thể kiểm soát hết danh sách ca khúc cấm, nhưng nghị định sửa đổi sắp tới sẽ theo hướng thông thoáng, hạn chế tình trạng xin - cho trong lĩnh vực quản lý văn hóa nghệ thuật.
Ca khúc nhảm nhí đang bị “thả nổi”
Trong khi cơ quan văn hóa vẫn đang lúng túng tìm cách quản lý ca khúc sáng tác trước 1975, nhiều tác phẩm nổi tiếng, gắn với nhiều thế hệ khán giả vẫn vướng phải nhiều thủ tục cấp phép rườm rà, thì đang tồn tại một thực tế: Rất nhiều ca khúc mới ra đời, nội dung phản cảm, ca từ nhảm nhí lại được phổ biến một cách rộng rãi.
Nhiều ca sĩ trẻ hiện nay thường chọn cách phát hành tác phẩm trên môi trường mạng, vừa tiết kiệm chi phí, vừa dễ tiếp cận với công chúng, đồng thời “lách” việc kiểm duyệt của cơ quan văn hóa. Riêng trong năm 2017, hàng loạt sản phẩm gây tranh cãi, bị cho là nhảm nhí, xếp hạng thảm họa âm nhạc, như “Phiếu bé ngoan” (Yanbi), “Như cái lò” (Sambi)… mà vẫn thu hút hàng triệu lượt xem trên mạng và không bị cơ quan quản lý văn hóa “tuýt còi”. Trên thực tế, các sản phẩm này thậm chí không qua cấp phép để phổ biến, vì chỉ cần đăng tải trên mạng xã hội đã có sự lan tỏa rất lớn.
Về vấn đề này, ông Lê Minh Tuấn - Cục Phó Cục NTBD - thừa nhận, việc lưu hành sáng tác nghệ thuật trên môi trường mạng hiện nay là một thách thức với cơ quan quản lý. “Đây là những hạn chế cần phải khắc phục trong hoạt động sáng tác, lưu hành các tác phẩm nghệ thuật ca múa nhạc. Nghị định số 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu không bắt kịp được với xu hướng phát triển “nóng” của âm nhạc Việt Nam hiện nay. Các quy định của Nghị định này chủ yếu kiểm soát các sản phẩm băng đĩa, cấp giấy phép biểu diễn trên sân khấu mà không chú ý quản lý môi trường Internet. Đã đến lúc cần phải xem xét các hiện tượng này một cách kỹ lưỡng, đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục” - ông Lê Minh Tuấn cho biết.
Đồng quan điểm, nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam - cho rằng, muốn việc quản lý chất lượng ca khúc được nâng cao, người làm quản lý văn hóa không nên quay lưng với Internet và mạng xã hội, mà cần đưa ra những quy định để quản lý nó, góp phần ngăn chặn những ca khúc nhảm nhí phổ biến, tràn lan trong đời sống nghệ thuật.
Theo Mai Châu - Bích Hà/Báo Lao động