Việt Nam: điểm đến hấp dẫn của thiên nhiên kỷ mới

Thứ tư, 18/09/2013 16:39
(ThanhtraVietnam) - Đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN về thu hút khách du lịch quốc tế với số lượng khách du lịch đến từ ASEAN ngày càng tăng, ngành Du lịch Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng trong thập niên vừa qua với tốc độ tăng bình quân 9.8%/năm.

Theo thông báo của ASEAN stats, nền kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi từ nông nghiệp sang nền kinh tế dịch vụ. Hơn 1/3 tổng sản phẩm trong nước được tạo ra bởi các ngành dịch vụ, bao gồm du lịch. Năm 1995, theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) du lịch của Việt Nam chỉ có 1,35  triệu khách quốc  tế. Theo Báo cáo Hệ thống giám sát tiến bộ của  cộng đồng ASEAN năm 2012  (ACPMS 2012) và Niên giám Tổng cục Thống kê, năm 2000, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 2,13 triệu khách, tăng lên hơn 6 triệu khách, gấp 2,8 lần vào năm 2011. Trong quá trình phát triển, số lượng khách du lịch chỉ bị suy giảm mạnh vào năm 2009 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên ngay sau đó, ngành du lịch đã phục hồi nhanh chóng hơn cả mong đợi vào năm 2010, tăng lên 2 con số (33,9%), cao nhất trong khu vực.




Việt Nam - một điểm đến  tốt cho các du khách  trong khu vực

Tuy nhiên, lựa chọn tới Việt Nam của các nhóm khách du lịch tương đối khác nhau. Để đánh giá và so sánh sự tiến bộ về phát triển du lịch của các quốc gia trong khu vực ASEAN,  báo  cáo ACPMS  2012  đã  chia  khách quốc tế ra làm 2 nhóm ASEAN và ngoài ASEAN. Giống các quốc gia khác  trong khu vực,  lượng khách ngoài ngoài khối ASEAN tới Việt Nam chiếm đa số, khoảng 88%  tổng số khách  du  lịch,  trong  khi khách  du  lịch  đến từ các nước thành  viên ASEAN chỉ chiếm  khoảng  12%. Tuy nhiên, tốc độ tăng của  khách du lịch trong khu vực ASEAN nhìn chung cao hơn khách du  lịch ngoài khu vực ASEAN và xu hướng này tiếp tục tăng trong những năm gần đây. 

Chỉ đứng sau Thái Lan, Singapo, Malaysia, Việt Nam là điểm đến thứ tư của khách du lịch ngoài khối ASEAN. Sau 12 năm (2000-2011), Việt Nam đã vượt qua  In-đô-nê-xia về  lượng khách du lịch từ ngoài khu vực ASEAN năm 2011 là 4,7 triệu khách. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa thu hút được nhiều khách du lịch từ ngay trong khối ASEAN. Số lượt khách trong khối ASEAN đến Việt Nam năm 2011 chỉ đứng thứ 6 mặc dù tốc độ tăng bình quân của Việt Nam khá cao (6,4%/năm). 

Theo ASEAN stats, xu thế đối lập giữa hai nhóm khách du lịch này sẽ  thay đổi trong tương lai do tốc độ tăng của khách du lịch trong khối ASEAN ngày càng tăng so với nhóm còn  lại. Việt Nam  trong  tương  lai sẽ  là một điểm đến  tốt cho các du khách  trong khu vực. 

Doanh thu từ du lịch tăng nhanh

Về mặt kinh tế, nguồn ngoại tệ thu được từ du lịch trong những năm gần đây tăng lên đáng kể và  là một trong những thành phần quan trọng của cán cân  thanh toán. Ngày càng nhiều dự án đầu tư nước ngoài đổ vào ngành du lịch. Du lịch đã đem về nguồn thu nhập lớn, trở thành ngành xuất khẩu hàng đầu, tạo ra nhiều công ăn việc  làm.

Theo  tổ chức du  lịch  thế giới  (UNWTO), chi  tiêu của khách du  lịch của Việt Nam  năm  2011 chiếm 4,5% GDP và 63,3% doanh thu xuất khẩu dịch vụ. Xuất khẩu du  lịch chiếm 65,7%  tổng giá  trị xuất khẩu dịch vụ.

Trong giai đoạn 2005-2011, ngành du  lịch  luôn xuất siêu, đạt đỉnh vào năm 2011 với 4  triệu USD. So với các nước  trong khu vực, xuất khẩu du  lịch Việt Nam đứng ở nhóm trung bình cùng với In-đô-nê-xia và Phi-lip-pin. Tuy nhiên, doanh thu của du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều do Việt Nam còn phải  thuê mướn phương tiện vận tải của nước ngoài. Điều này thể hiện ở mức độ nhập siêu của ngành vận tải. 

Hấp dẫn về giá 

Theo đánh giá của ASEAN stats, kết quả khả quan của ngành du  lịch Việt Nam có được nhờ vào những thế mạnh như phong cảnh thiên nhiên phong phú, văn hóa đa dạng, an toàn và giá cả hấp dẫn. Theo kết  quả  điều  tra  của WEF3, chỉ  số  cạnh  tranh  ngành  du  lịch Việt Nam trên thế giới đứng thứ 89/133, có thể so sánh với In-đô-nê-xia và Phil-lip-pin.

Trong số 14 hạng mục để đánh giá ngành du lịch, WEF đánh giá cao về giá cả dịch vụ du lịch của Việt Nam, đứng thứ 11/133. Còn theo báo cáo ACPMS, giá tiêu dùng của Việt Nam theo sức mua tương đương thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực (năm 2011 giá tiêu dùng ở Việt Nam thấp nhất trong 10 nước ASEAN). Điều này có nghĩa là với một đơn vị  tiền tệ chung (USD) thì ở Việt Nam sẽ mua được khối lượng hàng hóa và dịch vụ nhiều hơn các nước trong khu vực ASEAN. Đây là nhân tố quan trọng thu hút khách du lịch đến với Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn một số yếu kém về cơ sở vật chất và hạ tầng du  lịch, chất  lượng dịch vụ và quản  lý dịch vụ còn kém và chưa chuyên nghiệp. ASEAN stats nhấn mạnh khi nắm được rõ những ưu và nhược điểm của mình trong tổng thể của ngành du lịch khu vực và thế giới, Việt Nam cần rất nhiều nỗ lực và thời gian để có thể thu ngắn khoảng cách phát triển ngành du lịch với các quốc gia trong khu vực như Malaysia và Thái Lan và để ngành du lịch Việt Nam thật sự trở thành ngành kinh tế trọng điểm.

Dương Nguyễn

 

dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra