Áp
lực nghề nghiệp như bệnh thành tích, sự quá tải, sự chi phối từ lãnh
đạo... là các nguyên nhân khiến giáo viên căng thẳng, dẫn đến những
hành động bột phát khó kiểm soát.
 |
Nâng
cao trình độ, đạt các chuẩn đề ra cũng là một áp lực đối
với nhiều giáo viên. Trong ảnh: Một lớp học FCE (tiếng Anh) cho giáo
viên THCS do Sở GD-ĐT TP.HCM ký kết với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đào
tạo - ẢNH: Như Hùng
|
Dù dạy mầm
non, phổ thông hay ĐH, giáo viên không chỉ “căng” với vô vàn yêu cầu
của nghề dạy mà còn bị stress bởi nhiều thứ “bên lề”.
Phải làm việc gấp 1,5 lần
Nghiên cứu về stress do nghề nghiệp trong khóa luận
tốt nghiệp cử nhân y tế công cộng của Vũ Thị Thúy (khoa y tế công
cộng ĐH Y dược TP.HCM) cho một con số lo ngại. Trong 106 giáo viên mầm
non thuộc tám trường bán trú công lập tại tỉnh Bình Thuận, có tới hơn
một nửa (59,8%) mắc stress mức độ báo động và 40,2% bị stress nhẹ.
Những yếu tố liên quan đến công việc như thiếu hỗ trợ, nhiều thay đổi...
đã làm tăng nặng tình trạng stress của giáo viên bậc học này. Cụ thể,
nếu trách nhiệm nhẹ, ít chồng chéo, giáo viên mầm non sẽ ít bị stress
hơn 1,2 lần so với những người bị chồng chéo công việc, không thấy rõ
vai trò của mình.
Đáng nói là với giáo viên bậc mầm non, càng làm việc
lâu năm họ càng bị stress nhiều. Trong đó, nguy cơ mắc stress nghề
nghiệp của nhóm giáo viên mầm non từ 40-49 tuổi gấp 4,19 lần so với nhóm
dưới 30 tuổi, nguy cơ ở nhóm giáo viên dạy từ 20-29 năm cao gấp 2,36
lần so với nhóm dạy học dưới năm năm.
Cử nhân y tế công cộng Trần Thị Ái Huyên (Trung tâm Y
tế dự phòng, Sở Y tế TP.HCM) trong nghiên cứu thực hiện trên 272 giáo
viên của tám trường THCS tại tỉnh Ninh Thuận cũng chỉ ra rằng giáo viên
phổ thông hiện chịu rất nhiều áp lực từ nghề nghiệp. Họ phải làm việc
gấp 1,5 lần so với định mức lao động của viên chức, chịu áp lực rất lớn
từ yêu cầu dạy học, chất lượng sản phẩm lao động mà xã hội đòi hỏi.
Căng thẳng bủa vây giáo viên
Vai trò nhập nhằng (phải kiêm nhiệm thêm nhiều công
việc trong trường), ít nhận được sự hỗ trợ trong công việc, khó thích
ứng với thay đổi liên tục tại nơi làm việc, nhu cầu công việc không theo
khả năng và công việc ngoài tầm kiểm soát là năm “kẻ thù” khiến
giáo viên căng thẳng, theo nghiên cứu của Trần Thị Ái Huyên.
Nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa những yếu tố
nói trên tới stress nghề nghiệp của giáo viên. Chẳng hạn, nếu điểm đáp
ứng công việc của giáo viên tăng lên 1 điểm thì điểm stress nghề nghiệp
sẽ tăng lên 0,36 điểm. Tương tự, điểm vai trò của cá nhân trong tổ chức
tăng lên 1 điểm thì điểm stress nghề nghiệp sẽ tăng lên 2,31 điểm. Đặc
biệt, yếu tố khiến giáo viên căng thẳng nhất là sự kiểm soát công việc.
Khi bị cấp trên giám sát quá mức, không có cơ hội trình bày quan điểm,
sử dụng kỹ năng trong quá trình làm việc, giáo viên sẽ tăng nặng tình
trạng stress. Chỉ 1 điểm về sự kiểm soát công việc tăng lên đã chiếm đến
9,35 điểm về stress nghề nghiệp của giáo viên.
Theo TS tâm lý học Phạm Mạnh Hà (Học viện Thanh
thiếu niên VN, người từng nghiên cứu về vấn đề này), stress nghề nghiệp
là điều khó tránh khỏi trong công tác giảng dạy của giáo viên. Biểu hiện
thực thể của stress nghề nghiệp là giáo viên mệt mỏi, chán ăn (bỏ ăn),
tim đập nhanh, suy nhược cơ thể. Tinh thần họ thường trong trạng thái
bất an, sức ép đè nặng, hành vi bất thường và không kiềm chế được cơn
giận, thường bột phát bằng hành vi và ngôn ngữ không phù hợp. Do sản
phẩm dạy học rất đặc thù là con người nên stress nghề nghiệp ở giáo viên
càng trở nên nghiêm trọng với đời sống xã hội. Những ấm ức, bức xúc dồn
nén trong môi trường công việc do không được giải tỏa đã trở thành cáu
gắt, bực bội và nhiều khi đổ hết lên đầu học sinh. Học sinh trở thành
nơi hứng trọn những stress nghề nghiệp đó của giáo viên.
Lấy chuyện thi của trò để xếp loại thầy
Một giáo viên
có thâm niên ở bậc THPT tại quận Gò Vấp (TP.HCM) cho biết đồng nghiệp
của cô hiện nay chịu rất nhiều áp lực, trong đó áp lực nhất là tỉ lệ
thi tốt nghiệp của học sinh do rất nhiều trường lấy đây làm kết quả thi
đua của giáo viên. Năm học vừa qua, tỉ lệ thi tốt nghiệp THPT môn địa
trên trung bình của học sinh TP.HCM là 80%. Tỉ lệ này được nhiều trường
áp xuống với các giáo viên của trường mình. Nếu giáo viên bộ môn có tỉ
lệ học sinh đạt điểm trên trung bình trên 80% sẽ được thưởng, không
thì bị nhắc nhở... Những kỳ thi tập trung của học sinh như thi học kỳ,
thi giữa kỳ cũng khiến giáo viên đau đầu. Bởi sau khi thi, nhà trường sẽ
tính ra điểm trung bình và lấy đó làm kết quả thi đua cho giáo viên.
|
Giáo viên cũng cần có phòng tư vấn tâm lý
TS Phạm Mạnh Hà
cho rằng nguyên nhân từ đâu thì giải pháp phải ở đó. Trước mắt phải
giảm tải công việc, thay đổi cơ chế đánh giá lao động đối với giáo viên.
Đừng ép giáo viên phải dùng nhiều chiêu trò vì bệnh thành tích.
Tuy nhiên, có
một nơi để giáo viên thổ lộ, trút được căng thẳng vẫn là nhu cầu cấp
bách và cần thiết hơn hết. Ở các nước phát triển, các trường học sẽ có
một phòng tâm lý giúp giáo viên giải tỏa ngay những ấm ức trong lòng và
theo TS Phạm Mạnh Hà, giải pháp này rất cần được áp dụng tại VN.
|
Theo Mỹ Dung
Tuổi trẻ