Băn khoăn học phí
Thứ tư, 06/04/2011 09:49 (GMT+7)
Sáng 5-4, đoàn công tác do Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đã gặp gỡ giảng viên, sinh viên chương trình tiên tiến tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) để đánh giá kết quả và cùng bàn giải pháp phát triển chương trình này.
Hiện có 35 chương trình tiên tiến đang được triển khai tại 23 trường ĐH cả nước thuộc đề án “Đào tạo theo chương trình tiên tiến tại một số trường ĐH ở VN giai đoạn 2008-2015” theo quyết định của Chính phủ.
 |
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với sinh viên chương trình tiên tiến Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) sáng 5-4. |
Số lượng sinh viên giảm
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết riêng Bộ GD-ĐT đầu tư cho chương trình tiên tiến khoảng 50 triệu đồng/sinh viên/năm, gấp 10 lần so với mức đầu tư cho một sinh viên chương trình bình thường. Nhưng ông Ga lại tâm tư số lượng sinh viên chọn học chương trình tiên tiến đang giảm so với năm đầu. “Có lẽ do chương trình tiên tiến khó hơn so với chương trình học bình thường nên một số sinh viên không muốn vào” - ông Ga đánh giá.
Trong khi đó tại buổi gặp gỡ, hầu hết sinh viên thuộc chương trình tiên tiến của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) đều đánh giá cao chương trình này nhưng lại băn khoăn vấn đề kinh phí. Phạm Tuấn Vũ, SV năm 4, bày tỏ hiện số học bổng dành cho sinh viên chương trình còn quá ít. Nhiều sinh viên của chương trình mong có thêm chính sách về học bổng để tiếp sức cho sinh viên, giúp họ có thêm động lực cũng như điều kiện học tập tốt hơn. Lê Hoàng Ân, sinh viên năm 3, cho rằng học bổng dành cho sinh viên theo học chương trình tiên tiến hiện quá ít ỏi trong khi học phí quá cao. Ân nêu ý kiến: “Chính phủ, nhà trường cần tạo điều kiện hỗ trợ sinh viên được vay tiền đi học sẽ thu hút được sinh viên”.
Trong khi đó Hoàng Xuân Hùng, sinh viên năm 2, cho rằng chương trình tiên tiến còn thiếu các hoạt động trao đổi sinh viên với các trường ĐH khác trên thế giới. Theo Hùng, qua việc trao đổi này sinh viên nhiều nước biết đến chương trình tiên tiến của VN, đồng thời họ còn biết được chất lượng đào tạo và các công ty cũng biết đến chương trình sẽ giúp sinh viên có thêm nhiều cơ hội về học bổng, việc làm.
Học phí thấp “nuôi” học phí cao
TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐHQG TP.HCM - cho biết đến nay ĐHQG TP.HCM đã nhận gần 60 tỉ đồng chi cho ba chương trình tiên tiến, tính bình quân đầu tư khoảng 160 triệu đồng/sinh viên/năm. Chương trình tiên tiến của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) được đánh giá ổn định nhất. Dù học phí cao nhưng chương trình tiên tiến vẫn thu hút được sinh viên giỏi. “Trong khi nhiều trường ĐH phía Bắc mức thu học phí rất thấp, thậm chí có trường còn miễn phí nên có lợi thế thu hút sinh viên giỏi, nhưng khi Nhà nước buông ra thì chương trình sẽ chết” - ông Nghĩa khẳng định.
Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, thực tế tổng chi phí đào tạo chương trình tiên tiến khoảng 10.000 USD/sinh viên/năm nhưng học phí sinh viên đóng chỉ 1.500 USD/sinh viên/năm. Trong khi nguồn kinh phí đào tạo chương trình tiên tiến gồm 60% từ ngân sách nhà nước hỗ trợ, 25% từ học phí và nhà trường chi 15%. "Chương trình này thu học phí cao nhất mà lấy kinh phí từ chương trình bình thường thì không ổn. Khi Nhà nước rút ra, chương trình có sống được không?” - ông Nhân đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Trường Giang - phó vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) - cho rằng theo quy định, Nhà nước chỉ hỗ trợ nguồn kinh phí cho các trường ba khóa đầu, trong khi nguồn thu chủ yếu của chương trình tiên tiến hiện nay từ ngân sách nhà nước là chưa ổn. Ông Giang nói: “Cần giải bài toán học phí bằng cách đặt vấn đề xã hội hóa ngân sách để đảm bảo tính bền vững của chương trình”.
Theo Trần Huỳnh
Tuổi trẻ
dotuanh