Bàn về môi trường báo chí nhân văn trong giai đoạn hiện nay

Thứ sáu, 30/12/2022 21:58
(ThanhtraVietNam) – “Một nền báo chí nhân văn sẽ có sức mạnh bảo vệ giá trị tốt đẹp, lợi ích tối cao, thiết thực của đất nước và người dân. Uy tín của phóng viên, của báo chí cũng có lúc đã xuống thấp. Nhưng báo chí đã chủ động “làm sạch”, lấy lại niềm tin của bạn đọc”. Đó là phân tích đáng chú ý của Phó Cục trưởng Cục Báo chí Mai Hương Giang về vấn đề môi trường báo chí nhân văn trong giai đoạn hiện nay.

Báo chí tham gia tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí

Theo Phó Cục trưởng Cục Báo chí Mai Hương Giang, trong sự kiện mới nhất vừa diễn ra ngày 24/11/2022, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Truyền thông chính sách với chủ đề “Nhận thức - Hành động - Nguồn lực”, Người đứng đầu Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh: “Mọi chính sách đều hướng đến người dân; Đảng, Nhà nước không có mục tiêu nào ngoài mục tiêu làm cho Nhân dân sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Mọi chính sách đều hướng đến người dân - hay lấy “người dân là trung tâm”, điều này chúng ta đều thấy rõ, được chứng minh qua đại dịch Covid-19”. Và báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin kịp thời, chính xác, kiến giải, giám sát, phản biện trong phòng, chống dịch Covid-19 với mục tiêu “người dân là trung tâm”, “tính mạng, sức khỏe của người dân là trên hết”.

Tham luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Truyền thông chính sách của Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ: Đại dịch Covid-19 dẫn đến cuộc khủng hoảng thông tin; thông tin thiếu kiểm chứng, tin giả, tin sai lệch về dịch bệnh lan tràn, gây hoang mang và làm suy giảm niềm tin của người dân. Trong bối cảnh đó, vai trò chủ lực của báo chí, nhất là các cơ quan báo chí chính thống được khẳng định và phát huy, thể hiện trên các phương diện: Cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về tình hình dịch bệnh và các giải pháp của Chính phủ; Điều hòa dư luận và thúc đẩy đồng thuận xã hội như một nguồn lực xã hội cho công tác phòng, chống dịch và tăng cường niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị.

Trong khi đó, Báo cáo tin tức số ấn bản thứ 10 năm 2021 được Viện Nghiên cứu báo chí Reuters công bố ngày 23/6 cho thấy: Niềm tin vào tin tức báo chí tăng mạnh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 (tăng 6 điểm so với năm 2020, với 44% tổng số người được hỏi đặt niềm tin vào báo chí, dựa trên khảo sát trực tuyến 92.000 người ở 46 thị trường khác nhau).

Phó Cục trưởng Cục Báo chí cũng dẫn chứng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đã chỉ rõ: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Tại sao phải xây dựng nền báo chí nhân văn? Bởi lẽ, giá trị của báo chí chính là những thông tin khách quan, trung thực, chính xác, nhân văn, bổ ích mà báo chí đã mang lại cho công chúng và xã hội. Tính chính xác, nhân văn là giá trị cốt lõi và là 153 lý do tồn tại của báo chí. Một nền báo chí nhân văn sẽ có sức mạnh bảo vệ giá trị tốt đẹp, lợi ích tối cao, thiết thực của đất nước và người dân. Uy tín của phóng viên, của báo chí cũng có lúc đã xuống thấp. Nhưng báo chí đã chủ động “làm sạch”, lấy lại niềm tin của bạn đọc. Báo chí thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, hoạt động theo pháp luật, thông tin trung thực, khách quan, vì bạn đọc. Nội hàm của báo chí nhân văn là báo chí vì thân phận của người dân. Xã hội hiện đại ngày nay đang có rất nhiều câu chuyện liên quan đến thân phận con người cần báo chí hướng đến, như: Môi trường ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân; biến đổi khí hậu, lạm phát giá cả, tai nạn giao thông, dịch bệnh,...

Trong xã hội phát sinh những điểm nóng, khi người dân có bức xúc khi đâu đó có việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, báo chí cần phản ánh thể hiện tinh thần xây dựng, không làm nóng thêm vấn đề, đi sâu tìm hiểu nguyên nhân để thông tin phản biện, kiến nghị chính sách, giải quyết, đáp ứng nguyện vọng của người dân. Đó chính là thể hiện báo chí nhân văn, luôn hướng đến thân phận của người dân.

Phó Cục trưởng Cục Báo chí cũng nêu yêu cầu, báo chí phải khơi dậy khát vọng phát triển, những giá trị cốt lõi của đất nước, dân tộc; cổ vũ mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Báo chí cũng phải phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, người tốt, việc tốt, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực” để nhân dân có niềm tin vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; chủ động đấu tranh với những thông tin xuyên tạc, xấu độc, sai sự thật, chống phá Đảng, Nhà nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đặc biệt, tham gia tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đang được Đảng ta triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả.

Sức mạnh của báo chí chính là niềm tin của người dân. Báo chí phải nói được tiếng nói của người dân, hướng đến bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Báo chí làm tốt điều này sẽ có được bạn đọc, từ đó được bạn đọc tin tưởng, gửi gắm, bộc lộ tâm tư, nguyện vọng.

Và do đó, báo chí sẽ có chỗ đứng trong lòng bạn đọc. Muốn làm được điều này, đòi hỏi cơ quan báo chí phải tuân thủ đúng quy định pháp luật, thực hiện đúng tôn chỉ mục đích. Người làm báo phải không ngừng trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nêu cao trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, nhân văn; nhiệt huyết, thông tin nhanh, chính xác, khách quan, chân thực, kịp thời, có trách nhiệm; không để bị chi phối, suy thoái trước những “cám dỗ”, làm mất đi tính khách quan, trung thực trong mỗi tác phẩm báo chí.

leftcenterrightdel
 

“Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” phải hiệu quả, thường xuyên, liên tục, thiết thực

Để xây dựng môi trường báo chí nhân văn trong giai đoạn hiện nay, theo Phó Cục trưởng Báo chí Mai Hương Giang các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí cần phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh triển khai một số giải pháp sau:

Thứ nhất, báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò làm chủ của nhân dân, là động lực khích lệ nhân dân, thu hút được sự tham gia tích cực của người dân, làm sao để “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm”, để người dân thực sự là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực cho phát triển; thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện.

Thứ hai, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, góp phần xây dựng, phát triển Chính phủ số, Nền kinh tế số, Xã hội số, Công dân số; đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, các công nghệ mới vào hoạt động báo chí, truyền thông, tiếp tục khẳng định vai trò dẫn dắt và định hướng dư luận xã hội, phục vụ tốt hơn nhu cầu thông tin của người dân.

Thứ ba, củng cố và phát huy vai trò của tổ chức Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của cơ quan báo chí; tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ quản và người đứng đầu cơ quan báo chí đảm bảo hoạt động báo chí tuân thủ quy định pháp luật, đúng tôn chỉ, mục đích, coi trọng giá trị tư tưởng, giá trị nhân văn của báo chí, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm của cơ quan báo chí.

Thứ tư, các cơ quan, tổ chức, cá nhân tích cực cung cấp thông tin một cách chủ động, có trách nhiệm để các nhà báo, phóng viên thuận lợi trong quá trình tác nghiệp; đồng thời, cần bảo vệ những phóng viên, nhà báo trong thực thi nhiệm vụ và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Thứ năm, triển khai hiệu quả, thường xuyên, liên tục, thiết thực Phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” theo Kế hoạch số 154-KH/BTGTW ngày 10/6/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Các giải pháp tiếp theo cần chú ý đó là: Phát huy vai trò của Hội đồng đạo đức báo chí thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp; rà soát, đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý trong hoạt động báo chí, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người làm báo; có cơ chế, chính sách thúc đẩy, hỗ trợ các cơ quan báo chí phát triển nguồn thu nhằm đảm bảo đời sống ổn định cho người làm báo. Một nền báo chí nhân văn vì con người - là nền báo chí có được niềm tin của bạn đọc. Đó chính là sức mạnh của báo chí.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã phát biểu tại Lễ phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” 21/6/2022: “Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo nước nhà cần phát huy tinh thần, ý thức trách nhiệm, thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm là: tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên trong các cơ quan báo chí về vị trí, vai trò, trách nhiệm của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; để mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên và người làm báo trong cơ quan nhận thức sâu sắc về phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí", thúc đẩy và lan tỏa sự hưởng ứng và tham gia tích cực, hiệu quả trong việc xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí; quyết tâm, kiên trì triển khai thực hiện Bộ Tiêu chí văn hóa trong cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo.

 

Tràng An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra