Sai sót của các cá nhân, cơ quan được kiểm tra chưa đến mức xử lý kỷ luật
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 19, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch để triển khai thực hiện. Trong đó, chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, như: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Nghị định; tổ chức kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC định kỳ, theo địa bàn, chuyên đề hoặc đột xuất theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 19; rà soát các văn bản hiện hành về xử lý VPHC để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cho phù hợp với Nghị định 19.
Ngoài ra, hằng năm, UBND tỉnh đều ban hành Kế hoạch thực hiện công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý VPHC trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có việc tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý VPHC theo quy định tại Nghị định 19 để kịp thời phát hiện và khắc phục những mặt còn tồn tại trong công tác này.
Theo đó, năm 2020, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định thành lập Đoàn kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên tỉnh chỉ tổ chức kiểm tra 2/5 đơn vị theo kế hoạch ban đầu.
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh nên trong năm 2021, Sở Tư pháp đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị được kiểm tra tiến hành tự kiểm tra tại đơn vị và báo cáo kết quả cho Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo theo quy định.
Trong tháng 7/2022, Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Tư pháp chủ trì đã tổ chức kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC tại 04 đơn vị, gồm: Sở Giao thông vận tải, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; UBND huyện Tây Sơn và UBND huyện An Lão.
Tiếp đến, năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND về kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bình Định. Dự kiến, từ tháng 8/2023 đến tháng 9/2023, Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Tư pháp chủ trì sẽ tổ chức kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC tại 04 đơn vị, gồm: Sở Du lịch, Sở Tài chính, UBND huyện Hoài Ân và UBND huyện Vĩnh Thạnh.
Ngoài ra, hằng năm, các sở, ngành trong tỉnh đã tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC trên một số lĩnh vực trọng điểm, như: Tình hình chấp hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; hoạt động đầu tư xây dựng các dự án, công trình…
|
|
Một buổi công bố Quyết định thanh tra của Thanh tra Sở Tư pháp Bình Định. (Ảnh internet) |
Qua các đợt kiểm tra cho thấy, các hành vi vi phạm chủ yếu trong thi hành pháp luật về xử lý VPHC trên địa bàn tỉnh trong 3 năm qua, gồm: Không thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt của cá nhân, tổ chức bị xử phạt cũng như việc thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do cá nhân, tổ chức thực hiện; sai sót trong lập biên bản VPHC; sai sót trong quyết định xử phạt VPHC. Theo đó, Đoàn kiểm tra đã chỉ ra những hạn chế để nhắc nhở cán bộ, công chức, viên chức rút kinh nghiệm, khắc phục thiếu sót và phát huy các ưu điểm, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC.
Theo UBND tỉnh Bình Định, các Đoàn kiểm tra đánh giá sai sót của các cá nhân, cơ quan được kiểm tra chưa đến mức xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức theo quy định. Đoàn kiểm tra đã chỉ ra những hạn chế để nhắc nhở cán bộ, công chức, viên chức rút kinh nghiệm, khắc phục thiếu sót và phát huy các ưu điểm, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC.
Chất lượng, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành chưa cao
Báo cáo sơ kết 3 năm thi hành Nghị định 19 của Chính phủ trên địa bàn, UBND tỉnh Bình Định cho biết, cùng với những khó khăn, vướng mắc trong các quy định của Nghị định thì việc tổ chức thực hiện các nội dung quy định của Nghị định cũng có những khó khăn nhất định.
Cụ thể, hiện nay, kinh phí, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC của tỉnh còn yếu nên mới chỉ đáp ứng được yêu cầu cơ bản, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công tác này.
Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý VPHC tại các Phòng Tư pháp còn yếu, chưa có cán bộ chuyên trách, một cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều công việc nên chưa đáp ứng được yêu cầu công việc đề ra.
Đặc biệt, UBND tỉnh Bình Định cho rằng, lực lượng thanh tra chuyên ngành tại các sở, ngành còn thiếu trong khi địa bàn và lĩnh vực quản lý rộng. Ngoài ra, đây là lĩnh vực khó trong khi chưa được tập huấn, đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu nên trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng.
Hiện nay, ngoài chế độ công tác phí và phương tiện đi lại, Bộ Tài chính chưa quy định các mức chi hỗ trợ cho thành viên đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện nhiệm vụ theo quyết định của UBND tỉnh trong khi mức công tác phí còn quá thấp nên chất lượng và hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành chưa cao. Ngoài ra, cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu công tác xử lý VPHC chưa được Bộ Tư pháp tập huấn Nghị định 19 nên trong quá trình áp dụng còn gặp một số khó khăn, lúng túng.
Chính vì vậy, một trong những đề xuất, kiến nghị của UBND tỉnh Bình Định đối với Bộ Tư pháp trong lĩnh vực này là bổ sung biên chế, kinh phí cho cơ quan Thanh tra các sở, ngành, địa phương để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xử lý VPHC. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ chuyên sâu về xử lý VPHC trong một số lĩnh vực cụ thể để tăng cường nâng cao năng lực thực thi công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xử lý VPHC./.