Thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP) đã ban hành 03 Chỉ thị (số 113/CT-BQP ngày 03/7/2017, số 129/CT-BQP ngày 12/11/2017, số 87/CT-BQP ngày 27/2/2018) và 02 Kế hoạch (số 3686/KH-BQP ngày 11/4/2018, số 3695/KH-BQP ngày 12/4/2018) nhằm duy trì, chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư, đấu thầu, mua sắm thường xuyên, đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần tiết kiệm ngân sách Nhà nước và phòng chống tham nhũng, lãng phí trong Bộ Quốc phòng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đấu thầu trong Bộ Quốc phòng vẫn còn những hạn chế, vi phạm trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu (LCNT) như: Chia nhỏ gói thầu để áp dụng hình thức kém cạnh tranh (chỉ định thầu) hoặc gộp nhiều gói thầu khác nhau thành các gói thầu quy mô lớn nhằm hạn chế nhà thầu tham dự thầu; có biểu hiện can thiệp, tác động đến kết quả lựa chọn nhà thầu; hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu (HSYC) chưa đảm bảo đúng quy định, hạn chế sự cạnh tranh, minh bạch (quy định xuất xứ hàng hóa trong HSMT, đưa các yêu cầu kỹ thuật nhằm định hướng, tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu; quy định tiêu chí năng lực, kinh nghiệm quá cao hoặc thấp hơn luật định; quy định yếu tố đặc thù không cụ thể); thời gian, nội dung đăng tải thông tin trong đấu thầu của một số Chủ đầu tư, Bên mời thầu chưa đúng quy định.
Không chỉ vậy còn có hiện tượng cản trở việc mua HSMT của nhà thầu; quá trình đánh giá HSDT còn mang tính chủ quan, không minh bạch; hiện tượng dàn xếp giữa các nhà thầu, giữa nhà thầu với bên mời thầu và tư vấn đấu thầu; chủ đầu tư, bên mời thầu, tổ chuyên gia, tổ thẩm định không thực hiện đúng trách nhiệm của Luật Đấu thầu.
“Nguyên nhân của các hiện tượng nêu trên xuất phát từ sự thiếu quan tâm trong công tác quản lý của người đứng đầu tại một số cơ quan, đơn vị; thiếu quyết liệt trong kiểm tra, giám sát và thực hiện các chế tài xử lý khi phát hiện vi phạm trong tổ chức lựa chọn nhà thầu; việc quán triệt và tổ chức chỉ đạo thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về công tác đấu thầu của Nhà nước, Bộ Quốc phòng còn chưa đầy đủ, kịp thời và hiệu quả”, Chỉ thị 102 nêu rõ.
Để duy trì và nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, kỷ luật Quân đội, khắc phục tình trạng tiêu cực, vi phạm và đấu thầu hình thức trong Bộ Quốc phòng; đồng thời bảo đảm mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong công tác đấu thầu, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ thị: Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ, các Thông tư của Nhà nước và BQP quy định về công tác đấu thầu; các Chỉ thị nêu trên của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và của Bộ trưởng BQP.
Đối với quy định thẩm định, phê duyệt danh sách nhà thầu nhận hồ sơ mời thầu (đấu thầu hạn chế), nhà thầu nhận hồ sơ yêu cầu (chỉ định thầu) tại Mục II Chỉ thị số 129/CT-BQP ngày 12/11/2017, từ nay Bộ giao Chủ đầu tư, Bên mời thầu thực hiện phê duyệt theo quy định tại Điều 74, 75 Luật Đấu thầu.
Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị (Tư lệnh, cấp trưởng, chủ tài khoản) khi là Người có thẩm quyền phải thực hiện đúng trách nhiệm theo quy định tại Điều 73 Luật Đấu thầu; trong mọi trường hợp người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng BQP và trước pháp luật về công tác đấu thầu thuộc phạm vi do mình quản lý nếu để xảy ra hành vi vi phạm, tiêu cực, đấu thầu hình thức và thất thoát tài sản nhà nước; nghiêm cấm việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Khoản 2 Điều 89 Luật Đấu thầu.
Bên cạnh đó, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị (Tư lệnh, cấp trưởng, chủ tài khoản) khi là khi là Chủ đầu tư, bên mời thầu cần thực hiện đúng trách nhiệm theo quy định tại Điều 74, 75 Luật Đấu thầu và các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước và của Bộ trưởng BQP. Bên cạnh đó, bố trí cán bộ am hiểu pháp luật về đấu thầu (có chứng chỉ đào tạo đấu thầu theo quy định) thực hiện các công việc có liên quan đến quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Chỉ thị yêu cầu Thanh tra Bộ Quốc phòng phối hợp với Cục Kế hoạch và Đầu tư/BQP đề xuất xử lý các vi phạm hành chính theo các quy định từ Điều 18 đến Điều 23 Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01/6/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư (quy trình xử lý, hình thức xử lý, các mẫu biểu trong quá trình xử lý vi phạm,...) thống nhất áp dụng trong BQP. Đối với các hành vi vi phạm đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, cần chủ trì đề xuất chuyển cơ quan điều tra xử lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao./.
Lan Anh