Bộ Tư Pháp họp báo tổng kết công tác tư pháp Quý II/2017

Thứ bảy, 22/07/2017 19:47
(ThanhtraVietNam) - Sáng ngày 20/07 vừa qua, Bộ Tư Pháp đã tổ chức buổi họp báo Quý II/2017 công bố kết quả công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm công tác Quý III/2017 dưới sự chủ trì của ông Đỗ Đức Hiển – Chánh Văn phòng Bộ, người phát ngôn của Bộ Tư pháp.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, trên cơ sở bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, Chính phủ và từng địa phương, Bộ và các cơ quan tư pháp địa phương, Hệ thống thi hành án dân sự (THADS) đã ban hành các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện, đạt nhiều kết quả cụ thể, nổi bật. Toàn ngành đã nỗ lực, tập trung cao cho công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát, báo cáo Chính phủ và đề xuất sửa đổi, bổ sung các VBQPPL liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh để bảo đảm tính thống nhất, khả thi. Công tác kiểm tra VBQPPL tiếp tục có nhiều điểm sáng, chú trọng khâu xử lý văn bản trái pháp luật. Công tác chỉ đạo điều hành đã có những chuyển biến rõ nét, bảo đảm hiệu quả, thực chất. Bộ Tư pháp được đánh giá là một trong những Bộ, ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, 6 tháng đầu năm không có nhiệm vụ nào quá hạn chưa hoàn thành. Chỉ số cải cách hành chính của Bộ được cải thiện, tăng 3 bậc so với năm trước. Việc tổ chức các hội nghị, cuộc họp, đoàn công tác đi địa phương và chế độ báo cáo, thống kê đột xuất được điều chỉnh hợp lý hơn, tránh trùng lặp, gây phiền hà cho địa phương, bảo đảm tiết kiệm nguồn lực. Công tác thanh tra hành chính, kiểm tra các tổ chức hành nghề tư pháp được chú trọng, triển khai.

leftcenterrightdel
Ông Đỗ Đức Hiển - Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Tư Pháp 

Trên cơ sở những kết quả đạt được, Bộ, ngành Tư pháp đã xác định 09 nhóm nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp 06 tháng cuối năm 2017. Trong Quý III/2017, Bộ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ. Tiếp tục phối hợp các cơ quan chuẩn bị kỹ hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Lý lịch tư pháp và các Báo cáo trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4. Chuẩn bị và tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước hoặc có tác động lớn đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp: Luật Đấu giá tài sản, Luật Tiếp cận thông tin, Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 2015, Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi), Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác tập huấn chuyên sâu; rà soát, sửa đổi các VBQPPL liên quan, nhất là các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm với các luật. Tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; tích cực tham mưu cho Chính phủ, chính quyền các cấp về các vấn đề pháp lý phát sinh trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện tốt nhiệm vụ “đại diện pháp lý” cho Chính phủ trong các vụ việc tranh chấp quốc tế. Nghiên cứu, đánh giá tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực luật sư, công chứng, giải quyết kịp thời  các vướng mắc và đề xuất hướng hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực này. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thực hiện tốt Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. 

Đặc biệt, Bộ, ngành Tư pháp sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hộ tịch, chứng thực. Tập trung các nguồn lực để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu THADS được giao năm 2017 (trên 70% về việc; 30% về tiền). Giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, đặc biệt đối với các vụ án tham nhũng nhằm thu hồi tài sản nhà nước, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng có giá trị lớn. Chuẩn bị tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật, với điểm nhấn là Diễn đàn pháp luật, tư pháp với doanh nghiệp; tổ chức tốt Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ 1; các hoạt động nhân kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ tư pháp giữa Việt Nam – Lào và một số hoạt động kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống Ngành Tư pháp. Tập trung kiện toàn tổ chức, chức năng, nhiệm vụ các đơn vị thuộc Bộ và cơ quan tư pháp các cấp; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu cho cán bộ tư pháp, pháp chế về kỹ năng soạn thảo, thẩm định đề nghị và dự án, dự thảo VBQPPL; về công tác hộ tịch.

Giải đáp một số vấn đề báo chí phản ánh trong thời gian qua liên quan đến hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp về việc người dân ở một số địa phương phải “nộp phạt” hoặc “tự nguyện đóng góp” một khoản tiền khi đăng ký khai sinh cho con thứ ba trở lên. Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực phối hợp với Cục Kiểm tra VBQPPL kiểm tra, xác minh tại một số địa phương được phản ánh. Để khắc phục tình trạng này, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã có Công văn số 422/HTQTCT-HT ngày 19/5/2017 gửi Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu chỉ đạo các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn thực hiện đúng quy định và tạo mọi điều kiện thuận lợi để đăng ký khai sinh cho trẻ em; không có bất cứ hành vi cản trở, gây khó khăn trong việc đăng ký khai sinh cho trẻ em. Rà soát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật và của địa phương về đăng ký hộ tịch nói chung và đăng ký khai sinh nói riêng, nếu phát hiện có sai phạm đề nghị chấn chỉnh kịp thời. Trường hợp địa phương ban hành văn bản dưới bất kỳ hình thức nào nhằm thu tiền của người dân liên quan đến việc đăng ký khai sinh do sinh có thứ ba trở lên, thì đề xuất bãi bỏ...

Về việc xử phạt người điều khiển phương tiện ô tô tham gia giao thông không mang bản chính Giấy đăng ký xe. Qua công tác theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp nhận thấy có nhiều bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không mang bản chính Giấy đăng ký xe, trong đó nhiều trường hợp là ô tô đang được thế chấp tại các tổ chức tín dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Bộ Tư pháp đã giao Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật phối hợp với Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm và một số đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý.

Trên cơ sở các ý kiến phản ánh, nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành và yêu cầu của thực tiễn, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật đã phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng, trình Lãnh đạo Bộ Tư pháp Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề  này…/.

Dương Thái

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra