(ThanhtraVietnam) - Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, việc tiếp nhận và đưa vào áp dụng hệ thống thông quan hàng hóa tự động với những tùy chỉnh hợp lý đáp ứng yêu cầu quản lý và tình hình của Việt Nam giúp Chính phủ Việt Nam hiện thực hóa được các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2011 – 2020 cũng như đáp ứng bước đầu yêu cầu triển khai cam kết của Chính phủ Việt Nam về thực hiện cơ chế hải quan một cửa quốc gia và tham gia Cơ chế Một cửa ASEAN.
Hệ thống hải quan điện tử VNACCS và VCIS bắt đầu đi vào hoạt động tại Việt Nam từ ngày 1 tháng 4 năm 2014. Hệ thống hiện đại này được xây dựng trên mô hình công nghệ của “Hệ thống thông quan tự động của Nhật Bản” (NACCS) và “Hệ thống hải quan thông minh” (CIS), và được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện Việt Nam. Việc phát triển và đưa vào vận hành phần mềm này nằm trong khuôn khổ Dự án viện trợ không hoàn lại “Triển khai thực hiện hải quan điện tử và một cửa quốc gia nhằm hiện đại hóa hải quan”, được thực hiện từ năm 2012 đến tháng 3 năm 2014.
Hai hệ thống VNACC/VCIS được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh nhờ giảm chi phí và thời gian làm thủ tục thông quan cũng như giảm chi phí hành chính. Ngoài ra, hệ thống này không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và thương mại cho Việt Nam mà còn giúp tăng cường liên kết giữa Việt Nam với các nền kinh tế khác trên thế giới, thông qua cơ chế một cửa ASEAN. Sau khi hoàn thiện và đưa vào vận hành hệ thống VNACCS/VCIS, Nhật Bản vẫn tiếp tục hỗ trợ Tổng Cục Hải quan Việt Nam thực hiện quản lý rủi ro trong kiểm tra hải quan và hợp tác với các bộ ngành khác trong việc xây dựng khung pháp lý để triển khai cơ chế một cửa quốc gia, trong khuôn khổ Dự án hợp tác kỹ thuật “Thực hiện hải quan điện tử tại Việt Nam” từ năm 2012 đến 2015.
 |
Bàn giao Hệ thống Hải quan điện tử VNACCS/VCIS |
Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Số đơn khai báo xuất nhập khẩu tăng lên đáng kể, từ 1,16 triệu năm 2002 lên 4,16 triệu năm 2010, khiến khối lượng công việc của cán bộ hải quan ngày càng nặng nề hơn và nhu cầu áp dụng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại để đẩy nhanh thủ tục thông quan trở nên thực sự cấp bách đối với Tổng Cục Hải quan Việt Nam. Bên cạnh đó, trên cơ sở “Chiến lược Phát triển Hải quan tới năm 2020” được phê duyệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngày 25 tháng 3 năm 2011, Việt Nam đặt mục tiêu tới năm 2015, 60% số lượng khai báo xuất nhập khẩu sẽ được tiến hành thông qua hệ thống điện tử và 50% giấy phép liên quan đến xuất nhập khẩu được xử lý trên hệ thống một cửa quốc gia. Trước tình hình này, Tổng Cục Hải quan Việt Nam đã đề nghị Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ triển khai hệ thống CNTT để giải quyết các thủ tục thông quan cho Việt Nam, dựa trên mô hình công nghệ NACCS/CIS.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam Nguyễn Ngọc Túc cho biết, Việt Nam bắt đầu vận hành hệ thống hải quan điện tử hiện đại với những ưu điểm mà thủ tục hải quan điện tử đem lại cũng như xuất phát từ mong muốn và ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội, thủ tục hải quan điện tử đã được Chính phủ Việt Nam cho phép triển khai chính thức trên phạm vi toàn quốc theo Nghị định 87/2012/NĐ-CP kể từ ngày 01/01/2013. Sự kiện đó đã đánh dấu một mốc quan trong trong tiến trình cải cách hiện đại hóa của ngành Hải quan, chuyển đổi phương thức quản lý từ thủ công dựa trên giấy tờ đã tồn tại 67 năm (từ năm 1945) sang phương thức điện tử, đưa phương thức quản lý hiện đại, tiên tiến đi vào thực tế cuộc sống. Đây là một bước triển khai theo đúng lộ trình Chiến lược phát triển ngành Hải quan đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 448/QĐ-TTg, góp phần cải cách hành chính theo yêu cầu tại Chương trình cải cách thủ tục hành chính theo Đề án 30, Nghị quyết số 68-NQ/CP của Chính phủ, Nghị quyết 25/NQ-CP ngày 27/12/2010 về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện thủ tục hải quan điện tử theo hướng hiện đại, tiến tới thực hiện cơ chế một cửa ASEAN, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ Việt Nam về việc phát triển xây dựng hệ thống thông quan hàng hóa tự động và một cửa quốc gia, Chính phủ Nhật Bản đã chấp thuận cung cấp gói viện trợ không hoàn lại để triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng, triển khai hải quan điện tử và thực hiện cơ chế hải quan một cửa quốc gia phục vụ hiện đại hóa hải quan” (gọi tắt là Dự án VNACCS/VCIS) với việc ký kết các hiệp định tài trợ giữa hai chính phủ về dự án này vào ngày 22/3/2012 tại Hà Nội.
Thông qua Dự án, Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ toàn diện cho Hải quan Việt Nam tiếp nhận chuyển giao hệ thống quan tự động (VNACCS/VCIS) trên nền tảng áp dụng công nghệ và kỹ thuật của hệ thống CNTT đang được cơ quan Hải quan và các cơ quan Chính phủ của Nhật Bản áp dụng để thông quan hàng hóa/phương tiện, giúp Hải quan Việt Nam làm chủ hệ thống và tổ chức triển khai hệ thống công nghệ thông tin một cách đồng bộ.
Sau 2 năm triển khai thực hiện dự án, không kể thời gian chuẩn bị hình thành dự án, các bên tham gia dự án đã hết sức nỗ lực thực hiện khối lượng công việc khổng lồ trong một khoảng thời gian hữu hạn với nhiều thách thức về công nghệ, kỹ thuật và nghiệp vụ để ngày hôm nay có thể đưa hệ thống VNACCS/VCIS vào vận hành chính thức theo đúng kế hoạch như nội dung thoả thuận giữa hai Chính phủ ghi trong công hàm trao đổi ngày 22/3/2012. Cùng với nỗ lực chung của cả hai bên, phía Việt Nam cũng đã hết sức nỗ lực đảm bảo các điều kiện cần thiết để đưa hệ thống vào vận hành như cam kết.
Phát biểu tại buổi lễ bàn giao hệ thống VNACCS/VCIS của Chính phủ Nhật Bản dành cho Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ Tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao tầm quan trọng và kịp thời của việc đưa vào vận hành chính thức hệ thống VNACCS/VCIS ngày hôm nay. Theo Phó Thủ tướng, trên phương diện quốc gia, việc đưa hệ thống vào vận hành, luật hải quan và các quy định pháp lý có liên quan được sửa đổi bổ sung hoàn chỉnh, và nguồn nhân lực được đào tạo bồi dưỡng sẽ trực tiếp nâng cao hiệu quả thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu góp phần tạo thuận lợi cho thương mại, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Theo tính toán đối với các lô hàng tuân thủ pháp luật cao, được phân vào luồng xanh thì thời gian thông quan hàng hóa sẽ được tính bằng giây (dưới 10 giây).
Còn trên bình diện khu vực và quốc tế, hệ thống hải quan mới này có ý nghĩa đóng góp về mặt pháp lý, quy trình thủ tục, tiêu chuẩn kỹ thuật cho các hoạt động của ASEAN trong khuôn khổ triển khai cơ chế một cửa ASEAN cũng như triển khai các cam kết về đảm bảo an ninh và tạo thuận lợi trong khuôn khổ WTO, APEC và các cam kết đa phương khác về hải quan./.
Nhất Anh