Các nước Châu Á đang phát triển nên SD chi tiêu công để thu hẹp sự BBĐ

Thứ bảy, 05/04/2014 08:37
(ThanhtraVietnam) - Các khoảng cách thu nhập ngày càng nới rộng đang dần xói mòn những thành tựu giảm nghèo mà các nước Châu Á đang phát triển đã đạt được trong nhiều thập kỷ qua; điều này có nghĩa là các chính phủ phải chủ động sử dụng chính sách tài khóa để thu hẹp các khoảng cách và thúc đẩy tăng trưởng toàn diện hơn nữa.


“Chính sách tài khóa có thể và nên đóng một vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng toàn diện ở Châu Á,” ông Juzhong Zhuang, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu Kinh tế của ADB cho biết. “Các nhà hoạch định chính sách Châu Á phải hành động ngay từ bây giờ để đưa các mục tiêu về hài hòa vào quá trình lập kế hoạch ngân sách để tiến tới một con đường phát triển mà trong đó các lợi ích của tăng trưởng kinh tế được chia sẻ một cách rộng rãi.”

 

“Chính sách Tài khóa cho Tăng trưởng Toàn diện” – Chương chuyên đề đặc biệt trong báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2014 của ADB được công bố hôm nay – phân tích rằng trong suốt hai thập kỷ 1990 và 2000, hơn 80% dân số của khu vực sinh sống tại các quốc gia có hệ số Gini ngày càng xấu đi (hệ số Gini là một thước đo phổ biến về bất bình đẳng). Vẫn chính những lực lượng thị trường trước đây đã thúc đẩy tăng trưởng ở khu vực – như toàn cầu hóa, tiến bộ công nghệ và cải cách thị trường – thì bây giờ lại đang làm trầm trọng thêm tình hình bất bình đẳng.

 

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy chi tiêu công có thể làm giảm bất bình đẳng thu nhập. Ví dụ, chính phủ chi vào giáo dục và y tế có thể giúp người nghèo được tiếp cận nhiều hơn đối với các dịch vụ thiết yếu này và qua đó tạo ra một sân chơi bình đẳng. Việc đảm bảo một hệ thống cơ sở hạ tầng dễ tiếp cận và có chi phí vừa phải cũng giúp người nghèo tận dụng tốt hơn những cơ hội mà họ có được từ sự cải thiện về giáo dục và sức khỏe.

 

Tuy nhiên, các nước Châu Á đang phát triển lại đang tụt hậu so với những khu vực khác trong vấn đề sử dụng chi tiêu công để thúc đẩy bình đẳng. Chi tiêu công cho giáo dục chiếm bình quân khoảng 2,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong khu vực, trong khi tỷ lệ này là 5,3% ở các nền kinh tế tiên tiến và 5,5% ở Châu Mỹ Latinh. Sự chênh lệch này còn thể hiện rõ rệt hơn trong lĩnh vực y tế: chi tiêu công cho lĩnh vực này ở Châu Á chỉ là 2,4% GDP, trong khi ở các nền kinh tế tiên tiến là 8,1% và ở Châu Mỹ Latinh là 3,9%.

 

Theo một báo cáo mới đây của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng chỉ ra rằng cách thức sử dụng chi tiêu công trong lĩnh vực này cũng quan trọng không kém số tiền chi tiêu. Chính sách giáo dục có thể thúc đẩy sự hòa nhập thông qua việc ưu tiên cho giáo dục phổ thông và đào tạo nghề để trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng thực tế cần thiết cho công việc. Tương tự, chính sách y tế công có thể hướng các nguồn lực công vào các cơ sở y tế nông thôn, thay vì đầu tư vào những máy móc, thiết bị y tế tối tân cho các bệnh viện thành thị.

 

Nhiều nền kinh tế trong khu vực vẫn còn dư địa để tăng thêm nguồn lực công cho loại hình chi này. Nhưng khả năng đó có thể không duy trì lâu dài do các chi phí ngày càng tăng gắn với tình trạng dân số già hóa, và các áp lực môi trường sẽ làm giảm mạnh dư địa tài khóa trong những thập kỷ tới. Cơ sở nguồn thu ngân sách của các nước Châu Á vẫn còn nhỏ so với chuẩn toàn cầu: Trong suốt thập kỷ 2000, bình quân tỷ lệ huy động ngân sách từ thuế/GDP ở các nước Châu Á đang phát triển chỉ là 17,8%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân toàn cầu 28,6%.

 

Các phương án tăng nguồn thu ngân sách bao gồm mở rộng diện chịu thuế đối với các sắc thuế thu nhập cá nhân và giá trị gia tăng, mở rộng các sắc thuế can thiệp điều chỉnh hành vi và thu ngân sách ngoài thuế, và áp dụng thuế suất lũy tiến tự nhiên đối với tài sản, lãi vốn và thừa kế.

 

Các hành động chính sách phải hỗ trợ cho những nỗ lực tăng nguồn thu. Báo cáo ADO cho biết những hành động chính sách nên bao gồm việc lồng ghép có hệ thống các mục tiêu bình đẳng vào chính sách tài khóa, tốt nhất trong khuôn khổ trung hạn; nâng cấp hệ thống dữ liệu tài khóa của chính phủ để theo dõi tốt hơn các chương trình chi tiêu công và đánh giá được hiệu quả của chúng; tận dụng các công nghệ thông tin và truyền thông để cải thiện hiệu quả công tác quản lý thuế; và cân nhắc áp dụng mô hình đối tác công-tư (PPP) trong xây dựng cơ sở hạ tầng để góp phần mở rộng phạm vi bao phủ của các dịch vụ y tế, giáo dục.

 

“Thu hút đầu tư tư nhân, chủ yếu thông qua phương thức PPP, sẽ góp phần huy động vốn cho các dự án, đồng thời cũng giúp Việt Nam tiếp cận được kiến thức chuyên môn và công nghệ của thế giới, nâng cao hiệu quả và cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công”, ông Kimura phát biểu. “Một khuôn khổ pháp lý vững chắc cho PPP có thể nâng cao tính toàn diện và chất lượng cung cấp dịch vụ công.”

 

Nhất Anh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra