Là một ấn bản kinh tế thường niên hàng đầu của ADB, Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2014 (ADO) ra mắt ngày hôm nay 1/4 đã dự báo các nền kinh tế đang phát triển của Châu Á sẽ có tốc độ tăng trưởng GDP là 6,2% trong năm 2014, và 6,4% trong năm 2015. Tốc độ tăng trưởng của cả khu vực trong năm 2013 là 6,1%.
“Các nền kinh tế đang phát triển của Châu Á đang chèo lái thành công qua những thách thức của nền kinh tế toàn cầu, và có đủ điều kiện để tăng trưởng vững vàng trong hai năm tới”, Chủ tịch ADB - ông Takehiko Nakao phát biểu. “Rủi ro đối với những triển vọng này đã giảm bớt so với thời gian gần đây, và các nhà hoạch định chính sách của các nước trong khu vực hoàn toàn có thể kiểm soát được chúng. Đồng thời, các quốc gia vẫn phải tiếp tục nỗ lực theo đuổi các chính sách kinh tế vĩ mô vững chắc, và tiến hành các cuộc cải cách cơ cấu cần thiết.”
 |
Bang GDP cac nuoc khu vuc Chau A |
Có hai xu hướng chủ đạo định hình nên triển vọng này. Cầu đối với sản phẩm của châu Á sẽ tăng khi các nền kinh tế phát triển lớn lấy được đà hồi phục. Tăng trưởng GDP của cả Hoa Kỳ, khu vực đồng euro và Nhật Bản dự báo đạt 1,9% trong năm 2014, so với 1% trong năm 2013, sau đó tiếp tục tăng lên 2,2% vào năm 2015.
Cầu gia tăng phần nào đi đôi với tốc độ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc; nền kinh tế này đã tăng trưởng ở mức 7,7% trong năm 2013 do tác động của việc thắt chặt tăng trưởng tín dụng, giảm bớt hoạt động quá tải của các ngành công nghiệp, nợ của chính quyền địa phương gia tăng, tăng lương, đồng tiền tăng giá và chính phủ tiếp tục dịch chuyển ưu tiên từ phát triển về số lượng sang phát triển có chất lượng. Những yếu tố này tiếp tục duy trì trong các năm tới, và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự báo sẽ giảm xuống còn 7,5% trong năm 2014, và 7,4% trong năm 2015.
Mặc dù rủi ro đối với triển vọng của châu Á đã giảm bớt, song có ba lĩnh vực cần được theo dõi sát sao. Thứ nhất, nếu nỗ lực kiềm chế tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc được đưa ra quá đột ngột và ảnh hưởng quá mạnh đến tăng trưởng, thì sự suy thoái sâu hơn của nền kinh tế này sẽ kéo lùi triển vọng của các đối tác thương mại của Trung Quốc. Thứ hai, số liệu về mức độ phục hồi của các nền kinh tế công nghiệp lớn khá mâu thuẫn; cho thấy có khả năng là cầu đối với hàng hóa của khu vực châu Á từ các nước này có thể thấp hơn so với dự báo. Và thứ ba là, cũng không thể loại trừ một cú sốc nữa đối với thị trường tài chính toàn cầu do những thay đổi về chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ.
Trong các tiểu vùng của châu Á, thì Đông Á có xu hướng tăng trưởng hầu như không thay đổi, do Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Tăng trưởng của Đông Á trong năm 2013 là 6,7%, và dự báo sẽ giữ nguyên ở mức này trong năm 2014 và 2015. Trung Quốc tăng trưởng chậm lại sẽ bù đắp cho xu hướng đi lên ở các nền kinh tế công nghiệp mới như Hàn quốc, Hồng Kông, Trung Quốc và Đài Loan, Trung Quốc. Do thắt chặt chính sách để kiềm chế lạm phát, nên tốc độ tăng trưởng của Mông Cổ sẽ không tăng trong năm 2014, và nhìn chung sẽ giữ ổn định trong năm 2015. Lạm phát ở khu vực Đông Á trong năm 2013 xuống mức thấp nhất trong 4 năm là 2,4%, và sẽ giữ ở mức 2,5% trong năm 2014, tăng lên 2,9% trong năm 2015.
Mặc dù có biến chuyển theo chiều hướng đi lên, song Nam Á vẫn là tiểu vùng có mức tăng trưởng thấp nhất, chỉ đạt 4,8% trong năm 2013. Kinh tế của Ấn Độ giậm chân tại chỗ đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của cả tiểu vùng. Dự báo trong năm 2014 tăng trưởng của Nam Á đạt 5,3%, và năm 2015 là 5,8%, trong đó tăng trưởng của Ấn Độ tương ứng là 5,5% và 6,0%, do nước này phải thực hiện các cuộc cải cách cơ cấu đã trì hoãn nhiều năm.
Xu hướng tăng trưởng ở khu vực Đông Nam Á được quyết định bởi các yếu tố mang tính quốc gia. Tăng trưởng GDP của cả tiểu vùng đã giảm xuống 5,0% trong năm 2013, do thị trường xuất khẩu sụt giảm và suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Tăng trưởng của Indonesia, nền kinh tế có quy mô lớn nhất trong ba nước này, bị ảnh hưởng bởi các chính sách nhằm kiềm chế lạm phát của chính phủ, sau khi tăng mạnh giá nhiên liệu. Tăng trưởng của toàn bộ tiểu vùng dự báo sẽ không thay đổi trong năm 2014, khi những biến chuyển tích cực trên thị trường xuất khẩu phải bù đắp cho cầu nội địa yếu. Triển vọng tăng trưởng cải thiện một chút, ở mức 5,4% vào năm 2015, với sự cải thiện của Indonesia sau giai đoạn kiềm chế lạm phát, và kinh tế Thái Lan phục hồi nếu khắc phục được tình trạng bất ổn chính trị.
Trong khi đó, khu vực Trung Á sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng với nền kinh tế lớn nhất tiểu vùng đẩy mạnh chi tiêu công. Hoạt động mạnh mẽ bất ngờ của Ka-dắc-xtan – nền kinh tế chiếm gần một nửa GDP của tiểu vùng, và những kết quả mạnh mẽ của A-déc-bai-gian và Cộng hòa Kiếc-di-ghi-xtan góp phần làm tốc độ tăng trưởng của Trung Á tăng gần một điểm phần trăm, đạt 6,5% trong năm 2013. Dự báo là Trung Á sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng này đến năm 2015, mặc dù tình hình căng thẳng từ những biến cố của Ucraina dẫn đến rủi ro theo chiều hướng tiêu cực. Lạm phát ở khu vực Trung Á dự báo sẽ tăng mạnh lên 9,0% trong năm 2014, do đồng tiền của Ka-dắc-xtan, Cộng hòa Kiếc-ghi-dia và Tat-gi-ki-stan mất giá, đồng thời tăng trưởng của Gru-dia và Tuốc-mê-ni-xtan gia tăng.
Khu vực các quốc đảo Thái Bình Dương sẽ phục hồi mạnh mẽ nhờ hoạt động sản xuất khí tự nhiên của nền kinh tế lớn nhất tiểu vùng, đây sẽ là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng. Tăng trưởng GDP của khu vực Thái Bình Dương giảm sút trong hai năm liên tiếp, tụt xuống 4,8% trong năm 2013 khi dự án khí hóa lỏng của Papua New Guinea (PNG) – nền kinh tế mạnh nhất tiểu vùng – kết thúc giai đoạn thi công. Dự án bắt đầu xuất khẩu khí vào năm 2014 và đi vào hoạt động hết công suất năm đầu tiên vào năm 2015 sẽ thúc đẩy tăng trưởng của PNG và cả tiểu vùng nói chung trong suốt giai đoạn dự báo. Tăng trưởng GDP của cả tiểu vùng dự báo đạt 5,4% trong năm 2014, sau đó tăng mạnh nhờ PNG tăng sản lượng khí xuất khẩu, lên 13,3% trong năm 2015.
Nhất Anh