Theo Tiến sỹ Lê Hoàng Lan, hiện nay nhiều hoạt động phát triển tiềm ẩn nguy cơ làm ô nhiễm, suy thoái môi trường phá hủy hệ sinh thái tự nhiên và tổn hại nghiêm trọng đến đa dạng sinh học. Thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, tại Khoản 5, Điều 29 Nghị định số 23/2006/NĐ/CP mới chỉ quy định: "Cơ quan cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải đảm bảo việc đầu tư trồng rừng mới thay thế diện tích rừng sẽ chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác" mà chưa đề cập đến giá trị đa dạng sinh học của khu rừng bị mất. Thực tế, việc thu xếp đủ diện tích đất cho trồng rừng thay thế còn gặp khó khăn; trồng rừng thay thế là biện pháp hoàn trả diện tích đất rừng bị chuyển đổi không đảm bảo thực hiện đúng và đầy đủ nguyên tắc bảo tồn đa dạng sinh học, tức là "không mất mát" về thành phần loài, cấu trúc sinh cảnh, chức năng hệ sinh thái và giá trị sử dụng, văn hóa của con người liên quan đến đa dạng sinh học.
Cần bồi hoàn đã dạng sinh học khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng
Tuy nhiên, Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi chưa khắc phục được các bất cập nêu trên, vì vậy cần bổ sung và điều chỉnh một số điều liên quan để phù hợp với quy định. Các đại biểu cũng nêu ý kiến về "Bồi hoàn đa dạng sinh học". Đây là biện pháp được thiết kế để đền bù cho các tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học do thực hiện các dự án phát triển sau khi đã được thực hiện các biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu phù hợp, nhằm mục đích đạt kết quả bảo tồn tốt hơn và không gây tổn thất tới giá trị thực của đa dạng sinh học, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; đề nghị chỉnh sửa quy định "có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt" thành" có phương án hoàn trả và bồi hoàn đa dạng sinh học rừng theo quy định của pháp luật và bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và pháp luật về đa dạng sinh học liên quan".
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Lung cho rằng phân loại rừng đặc dụng nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và rừng đặc dụng với mục đích khác để làm rõ mục đích sử dụng của rừng đặc dụng, cần đề xuất thay thế rừng đặc dụng chủ yếu để bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng, bao gồm khu bảo tồn rừng gồm có (Vườn Quốc gia, Khu dự trữ thiên nhiên, Khu bảo tồn loài, sinh cảnh, Khu bảo vệ cảnh quan); rừng đặc dụng (Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, vườn thực vật quốc gia, rừng giống quốc gia, rừng tín ngưỡng).
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, trong Luật cần quan tâm đến chủ thể rừng. Hiện chủ thể rừng rất khác nhau, quá trình giao đất, giao rừng của các công ty lâm nghiệp trước đây lại giao khoán cho hộ dân nhưng không loại trừ nhiều nơi việc giao khoán không rõ ràng nên hiệu quả chưa cao, đời sống của người dân được giao đất giao rừng còn khó khăn, cần tính toán để chủ thể, người được giao đất giao rừng có thể làm giàu trên mảnh đất này. Bên cạnh đó, hệ sinh thái rừng cần tiếp tục quy hoạch và phát triển theo kế hoạch nên sắp tới cần tính toán định giá trong môi trường rừng.
Có ý kiến cho rằng Dự thảo Luật có 10 nội dung chính, 2 chương "Bảo vệ, phát triển" không phải nội dung quan trọng, vì vậy tên gọi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng không đủ bao quát; đề xuất đổi tên thành Luật Lâm nghiệp.
Đối với Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), các đại biểu tham gia góp ý vào một số vấn đề như về sự cần thiết và phạm vi sửa đổi của Luật; về chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy sản; về thực hiện đồng quản lý trong hoạt động thủy sản; về khu bảo tồn biển, khu bảo tồn thủy sản nội địa; về quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; về quy định đối với lực lượng Kiểm ngư; nên bỏ quy định giấy chứng nhận; bổ sung một số định nghĩa liên quan đến thủy sản…./.
Dương Thái