Cần nghiên cứu chương trình bồi dưỡng kiến thức cho nhà báo lĩnh vực phòng, chống tham nhũng

Thứ hai, 11/07/2022 12:39
(ThanhtraVietNam) - Đây là ý kiến thảo luận đáng chú ý tại Tọa đàm “Chia sẻ ý tưởng bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí nhằm nâng cao năng lực và trình độ nhà báo trong thời đại chuyển đổi số” mới diễn ra tại Hà Nội, do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.

 

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh và lãnh đạo Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam tại Tọa đàm. Ảnh: T.A

Theo lãnh đạo Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng thời gian gần đây nổi lên vấn đề, đề tài về đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đây là vấn đề khó, khi phóng viên, nhà báo tác nghiệp cần phải có kinh nghiệm, bản lĩnh. Vì vậy, Hội Nhà báo Việt Nam cần nghiên cứu chương trình bồi dưỡng kiến thức theo các chuyên đề, trong đó có chuyên đề bồi dưỡng kiến thức cho nhà báo lĩnh vực phòng, chống tham nhũng. Trong trường hợp cần thiết có thể mời các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng tham gia vào các khóa bồi dưỡng chuyên đề để định hướng phóng viên, nhà báo.

Đưa ra đề xuất cần tăng cường các chương trình bồi dưỡng theo chuyên đề, đại diện Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng cho rằng cách hỗ trợ các cơ quan báo chí địa phương trong đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ, đào tạo theo chuyên đề sẽ giúp đáp ứng được ngay những kiến thức của chương trình vào với công việc.

leftcenterrightdel
 Đại diện báo Lao Động thảo luận tại Tọa đàm. Ảnh: T.A

Đại diện Báo Lao động chia sẻ, việc bồi dưỡng kiến thức báo chí cho phóng viên, biên tập viên của báo rất được quan tâm. "Để hiệu quả bồi dưỡng đi vào thực chất, mỗi đợt có phóng viên, biên tập viên của báo được cử đi học thì khi về phải làm báo cáo kết quả cụ thể. Tiếp đó, người được bồi dưỡng đóng vai trò là nhân tố chính chia sẻ những kiến thức, cách làm được bồi dưỡng cho các phóng viên, biên tập viên khác để nhân lên”, đại diện Ban Thư ký chi hội Báo Lao động nhấn mạnh.

Nhìn nhận từ góc độ giảng viên, có ý kiến thảo luận, nên mở các khóa bồi dưỡng tại các vùng, miền nhiều hơn, để lãnh đạo cơ quan báo chí có điều kiện tham gia trực tiếp. Cùng với đó, cũng nên tổ chức tọa đàm, tập huấn cho các giảng viên tham gia tập huấn, có ý kiến chia sẻ trực tiếp của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, các đối tác nước ngoài. Đây sẽ là dịp để không chỉ phóng viên, biên tập viên được trao đổi, chia sẻ thêm nhiều kiến thức mà lãnh đạo các cơ quan báo chí tại các địa phương, vùng miền cũng tiếp nhận thông tin thuyết phục hơn, từ đó chuẩn bị cho những sự thay đổi, nhất là đối với chuyển đổi số trong báo chí. Thêm nữa, cần lấy thực tế quy mô, mô hình chuyển đổi số cơ quan báo chí cụ thể, kể cả các mô hình nhỏ để chia sẻ với các cơ quan báo chí khác học tập, làm theo.

leftcenterrightdel
 Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực báo chí tham gia thảo luận sôi nổi tại Tọa đàm. Ảnh: T.A

Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, quá trình làm việc khoảng 10 năm với Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA), cá nhân ông đã từng đưa ra lý thuyết hình nón về bồi dưỡng kiến thức báo chí. Theo đó, trên đầu là Tổng biên tập, dưới cùng là phóng viên trẻ, mới vào nghề, ở giữa là cán bộ cấp trung (phòng, ban). Tổng biên tập thường công việc rất bận, không có nhiều thời gian, chưa kể có một số khó vượt qua được “vùng an toàn” để thay đổi, chuyển đổi công nghệ, cách làm báo hiện đại. Những người dưới cùng có thể học rất tốt nhưng khi học xong rất khó lan tỏa được cho những phóng viên khác. Cho nên cần tập trung vào lãnh đạo cấp phòng, khi đào tạo, bồi dưỡng được lớp cán bộ này có thể lan tỏa thêm ngay cho 5-10 người khác. Cần kiên nhẫn bồi dưỡng đối tượng lãnh đạo cấp phòng 1 năm vài lần, đến 5 -10 năm sau, khi phát triển lên được lãnh đạo cao hơn, thì sự lan tỏa và hiệu quả lại tiếp tục lan rộng ra... Do đó, vấn đề bồi dưỡng cần tập trung vào đối tượng khác như lãnh đạo phòng, ban thay vì chỉ bồi dưỡng cho phóng viên, biên tập viên hoặc lãnh đạo cơ quan báo chí.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng chứng minh từ mô hình Báo Vietnamplus. Việc áp dụng vấn đề bồi dưỡng, đào tạo được diễn ra thường xuyên vào thứ 5 hàng tuần. Ban đầu, có thể có phóng viên, biên tập viên có tinh thần chưa hợp tác, nhưng nếu kiên nhẫn, những kiến thức sẽ ngấm dần, làm kiên trì trong 2,5 năm đầu tiên, sau đó, thành quả đã đến. Còn nếu bỏ bê vấn đề đào tạo, bồi dưỡng hoặc thấy "hổng" đâu thì "trám" vào chỗ đó thì không hiệu quả. Vì vậy, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng kiến thức báo chí cho phóng viên, biên tập viên phải có chiến lược, cách làm bài bản, rõ ràng ngay từ đầu. Có thể mô hình toàn soạn nhỏ nhưng nếu kiên trì, làm tốt thì khi thành công nhiều tòa soạn khác sẽ học tập, làm theo.

Theo Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Trung tâm), Hội Nhà báo Việt Nam, trong 2 năm 2020, 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, đã có 253 lớp học dành cho 7.563 lượt học viên trên cả nước được bồi dưỡng kiến thức của các loại hình báo chí. Các khóa học bồi dưỡng từ kỹ năng cơ bản đến kỹ năng nâng cao, với nhiều nội dung mới, cập nhật, đáp ứng xu thế của công nghệ làm báo hiện đại như sản xuất long-form, đồ họa cho báo điện tử, tòa soạn hội tụ, làm báo di động, sử dụng mạng xã hội trong tác nghiệp, Livestream trong tác nghiệp báo chí… Bên cạnh các kỹ năng tác nghiệp báo chí, Trung tâm đã tập trung bồi dưỡng các chủ đề chuyên sâu như: Xây dựng Đảng, đưa tin về Đại hội Đảng các cấp, Bình luận quốc tế; Tin giả… đặc biệt là chú trọng bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức của người làm báo.

Tràng An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra