Quảng Bình:

Chậm thực hiện kết luận kiểm toán, thanh tra, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

Thứ tư, 02/08/2023 14:54
(ThanhtraVietNam) - Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Bình chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc chậm thực hiện các kiến nghị, kết luận của cơ quan kiểm toán, thanh tra đối với các sai phạm trong quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN), đầu tư công, tài sản công thuộc trách nhiệm được giao quản lý.

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý tại Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 31/7/2023 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về tài chính - NSNN.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế

UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, công tác quyết toán, kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch tại các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh và các địa phương trong thời gian qua được tăng cường. Nhiều sai phạm trong quản lý tài chính - NSNN đã được phát hiện và xử lý nghiêm, góp phần tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực này.  

Tuy nhiên, qua công tác kiểm toán, thanh tra, kiểm tra cho thấy vẫn còn tình trạng vi phạm chế độ, chính sách trong quản lý NSNN, đầu tư công, tài sản công, nợ công, giá và thẩm định giá. Đáng nói, việc thực hiện một số kiến nghị, kết luận của cơ quan kiểm toán, thanh tra còn chậm, công tác tổng hợp, báo cáo kết quả xử lý còn hạn chế, chưa đảm bảo thời hạn quy định...

Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, đơn vị và cấp dưới trực thuộc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng NSNN và các kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra. Trong đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những nhiệm vụ được chú trọng.

Cụ thể, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, tập trung vào những doanh nghiệp, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm có độ rủi ro cao, hoạt động tài chính, ngân hàng, kinh doanh bất động sản, kinh doanh trên nền tảng số... Nâng tỷ lệ doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra thuế; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trước và sau hoàn thuế, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật, hiệu quả cho doanh nghiệp, không để việc hoàn thuế kéo dài... Kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không đăng ký kinh doanh nhưng thực tế có kinh doanh để đưa vào diện quản lý thuế.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tài chính đối với các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, tái cơ cấu theo quy định nhằm đánh giá tình hình tài chính, tình hình sử dụng, bảo toàn và tăng trưởng vốn.

Việc đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công phải tuân thủ theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, đảm bảo tiết kiệm, công khai, minh bạch. Tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định.

leftcenterrightdel
 Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVIII diễn ra từ 12-14/7/2023. (Ảnh minh họa, nguồn: thanhnien.vn)

Đề ra giải pháp để xử lý dứt điểm các kiến nghị, kết luận còn tồn đọng

Đáng chú ý, về đôn đốc, kiểm tra, xử lý, công khai, báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị, kết luận của cơ quan kiểm toán, thanh tra, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nội bộ, công khai, minh bạch; nâng cao trách nhiệm giải trình, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong việc quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính - NSNN, đầu tư công, tài sản công.

Mặt khác, tổ chức đôn đốc, chỉ đạo thực hiện và báo cáo kết quả xử lý các kiến nghị, kết luận của cơ quan kiểm toán, thanh tra. Trong đó, tập trung làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan, đề ra các giải pháp và phối hợp với các cơ quan kiểm toán, thanh tra để xử lý dứt điểm các kiến nghị, kết luận còn tồn đọng từ các năm trước. Báo cáo kết quả xử lý hàng quý phải nêu rõ những tồn tại trong quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính - NSNN, đầu tư công, tài sản công đã được khắc phục, những tồn tại chưa khắc phục và thời gian, biện pháp để khắc phục trong thời gian tới.

Tổ chức thực hiện kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính - NSNN, đầu tư công, tài sản công; chậm thực hiện các kiến nghị, kết luận của cơ quan Kiểm toán nhà nước, thanh tra đối với các vi phạm xảy ra thuộc trách nhiệm được giao quản lý.

UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các đơn vị liên quan hướng dẫn, đôn đốc, tham mưu UBND tỉnh định kỳ kiểm tra các cơ quan, đơn vị đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật; chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính - NSNN, đầu tư công, tài sản công, quản lý giá và thẩm định giá. Tăng cường công tác quyết toán, kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch; thực hiện đầy đủ, kịp thời các kiến nghị, kết luận của cơ quan Kiểm toán nhà nước, thanh tra.

Ngày 23/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg về việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về tài chính - ngân sách nhà nước.

Riêng về nội dung đôn đốc, kiểm tra, xử lý, công khai, báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị, kết luận của cơ quan Kiểm toán nhà nước, thanh tra, Chỉ thị nêu rõ:

Trường hợp các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không chấp hành chế độ báo cáo kết quả xử lý các kiến nghị, kết luận của cơ quan Kiểm toán nhà nước, thanh tra theo quy định của pháp luật và quy định tại Chỉ thị này, hoặc báo cáo chậm, Bộ Tài chính tạm dừng cấp kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tổ chức thực hiện kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính - ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài sản công; chậm thực hiện các kiến nghị, kết luận của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, thanh tra đối với các vi phạm xảy ra thuộc trách nhiệm được giao quản lý.


Hoàng Minh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra