Sinh viên Võ Văn Nhật, sinh 1995, lớp 39K2, Khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng là một sinh viên khiếm thị nhưng học rất giỏi và đầy nghị lực sống...
Nhật đã đỗ cùng lúc 2 trường đại học (Đại học Kinh tế Đà Nẵng và Đại học luật Huế), vinh dự là một trong những sinh viên được tuyên dương tại Lễ vinh danh thủ khoa “Tỏa sáng Sao Trạng Nguyên” vì đạt thành tích vượt khó, trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh năm 2013 của Đại học Đà Nẵng.
Đến trường với con chữ nổi Braille
Chúng tôi gặp Nhật tại nhà (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng). Rất bất ngờ khi gặp một chàng trai khiếm thị nhưng lại rất hoạt bát, vui vẻ và dễ gần. Nếu không nhìn vào đôi mắt đục, ít ai nghĩ rằng chàng trai này lại là người khiếm thị.
Cậu bé Nhật khi mới 2 tuổi đã hỏng một con mắt và cho đến năm 4 tuổi con mắt còn lại cũng không còn nhìn thấy được gì nữa. Nhật tâm sự: “Lúc đó em còn quá nhỏ nên không ý thức được chuyện gì xảy ra với mình cả”. Gia đình Nhật hết sức lo lắng cho đứa con trai đầu lòng, bố mẹ Nhật (anh Võ Văn Lực và Chị Nguyễn Thị Anh) đã chạy chữa khắp nơi, đem Nhật ra Hà Nội nhưng các bác sỹ đều nói đôi mắt Nhật không thể chữa được nữa.
Khi đến tuổi cắp sách đến trường, Võ Văn Nhật được gia đình cho đi học ở trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, ở đó Nhật được làm quen với chữ nổi Braille. Nhớ lại ngày đó mẹ Nhật nói: Lúc đó sáng nào Nhật cũng phải thức dậy lúc 4 giờ sáng, vệ sinh cá nhân xong là chở đi ăn sáng rồi ngồi sau xe mẹ ngủ gà ngủ gật cho tới trường rồi chị vội về đi làm, chiều tan ca lại đến đón Nhật về. Cứ như vậy suốt 5 năm tiểu học.
Lên cấp 2, Nhật lớn hơn, quen bạn quen bè và cũng quen dần với bóng tối. Nhật chuyển ra học hòa đồng với các bạn sáng mắt tại Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm. Rồi lên cấp 3 được các bạn giúp đỡ, bố mẹ Nhật đỡ vất vả hơn khi có bạn đưa đi đón về.
Khi được hỏi về động lực giúp Nhật vượt lên số phận để đạt được những thành tích như ngày hôm nay, nhật cười, chia sẻ: “Khi ý thức được mình đã bị mù, không làm được gì cảm thấy cuộc sống hơi buồn. Mặc cảm với các bạn cùng trang lứa. Nên em nghĩ chỉ có học mới có thể thay đổi được bản thân, học để thấy mình có ích cho gia đình và sau này có thể tự nuôi sống được bản thân mà không làm gánh nặng cho gia đình, cho xã hội”.
Từ suy nghĩ đó, Nhật đã bỏ qua tất cả những mặc cảm đánh vật với từ con chữ nổi Braille, “cày” gấp mấy lần những người bạn sáng mắc. Nhật nhiều năm liền là học sinh giỏi, và ẵm về nhiều giải thưởng, như lớp 10 đạt giải khuyến khích hóa cấp thành phố; lớp 11, 12 đạt giải ba môn hóa cấp thành phố.
Rồi thời gian ôn thi đại học, Nhật còn vất vả hơn nhiều nữa khi những bộ đề ôn thi lại không có chữ nổi. Vì vậy, Nhật phải miệt mài ngồi nghe mẹ đọc tài liệu để chép lại sang chữ nổi Braille.
Sau đó, suốt hơn 2 tháng trời, Nhật một mình ngồi ôn luyện miệt mài, tự mình giải các bộ đề thi những năm trước. “Cũng may mắn cho Nhật, trong thời gian ôn tập, thỉnh thoảng có các anh chị tình nguyện viên của Trường ĐH Bách khoa xuống hướng dẫn ôn tập rất nhiệt tình. Đó cũng chính là một phần hỗ trợ đã tiếp thêm nghị lực, sức mạnh cho em thi tốt”, chị Anh cho biết.
Giờ đây, khi là tân sinh viên của Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, Nhật vẫn giữ vững phong độ với tổng kết học kỳ I là 3,65 và được nhận học bổng xuất sắc của trường. Chàng trai này đã làm cho bao người phải khâm phục và ngạc nhiên hết lần này đến lần khác.
 |
Ngoài giờ học, Nhật chơi đàn thêm kiếm tiền giúp bố mẹ |
Ước mơ luôn ở phía trước…
Đối với một người lành lặn việc học tập và tiếp thu bài giảng của các giảng viên còn khó khăn, thì việc đó đối với Nhật còn khó khăn hơn gấp mấy lần. Nhất là khi giáo trình đại học không có giáo trình chữ nổi Braille.
Nhật phải nhờ bạn đọc bài để ghi âm lại về nhà nghe và chép lại bằng chữ nổi Braille. “Khó khăn lớn nhất là việc tiếp thu bài học trên lớp không kịp nên em lo mình tiếp thu chậm sẽ khó theo kịp các bạn. Nhiều lúc em phải xin giảng viên gửi bài giảng qua mail, về nhà mở máy tính ra nghe lại, vì trên máy tính có phần mềm hỗ trợ đọc” – Nhật nói.
Những ngày đầu đi học tại trường đại học, mẹ Nhật phải bỏ nhiều thời gian đưa đón tới trường. Nhưng chỉ sau một tuần đầu Nhật đã thích nghi nhanh với môi trường mới, quen nhiều bạn mới. Các bạn đã tình nguyện đưa đón Nhật hằng ngày tới giảng đường, giúp đỡ Nhật trong việc học tập. Đó cũng là nguồn động lực lớn giúp Nhật vượt lên cố gắng ngày một nhiều.
Khi được hỏi về ước mơ và dự định trong tương lai, Nhật tâm sự: Hiện nay sinh viên lành lặn ra trường xin việc còn khó, huống hồ chi em là người khiếm thị thì chắc lại càng khó. Nhưng ngành em học là quản trị kinh doanh tổng quát nên khi ra trường có thể tự mở doanh nghiệp. Không biết được tương lai ra sao nhưng ước mơ thì luôn ở phía trước, ý định của em sau khi ra trường sẽ tự kinh doanh, hiện tại chưa có ý tưởng gì nhưng em thích bên tin học”
Hiện tại sau giờ học trên giảng đường, Nhật còn có công việc làm thêm là đánh đàn Organ cho đám cưới hay liên hoan, mỗi buổi đánh đàn Nhật được trả 300 nghìn đồng. Với số tiền kiếm được Nhật tích góp để phụ gia đình trang trải tiền học phí.
Theo Huyền Trang
Một Thế giới